Đã có đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp phép vaccine tay chân miệng tại Việt Nam

10-07-2023 17:04 | Y tế

SKĐS - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Lê Việt Dũng cho biết, hiện đã có đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp phép đăng ký lưu hành vaccine tay chân miệng. Hồ sơ này đã được đưa nhóm ưu tiên để xem xét, cấp phép lưu hành.

Tại buổi tọa đàm Tiêm chủng vaccine an toàn - nâng cao nhận thức cộng đồng do báo Tuổi trẻ tổ chức hôm nay- ngày 10/7, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Lê Việt Dũng cho biết, hiện đã có một doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp phép đăng ký lưu hành vaccine tay chân miệng.

Đã có đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp phép vaccine tay chân miệng tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế Ảnh: NAM TRẦN

Phó Cục trưởng Lê Việt Dũng cho biết thế giới đang nghiên cứu nhiều vaccine mới, đã có vaccine như ngừa ung thư cổ tử cung có trên thị trường, đồng thời đang nghiên cứu vaccine ngừa ung thư gan, tay chân miệng… Đối với một số bệnh dịch mới như chân tay miệng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tìm nguồn cung ứng. Ngày 30/5 đã có đơn vị nộp hồ sơ đăng ký, chúng tôi đã đưa hồ sơ này vào nhóm ưu tiên để xem xét, cấp phép lưu hành.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng khẳng định vaccine khi lưu hành trên thị trường phải đảm bảo an toàn. "Chúng tôi là cơ quan đầu mối thường xuyên trao đổi, tập huấn để đảm bảo chất lượng vaccine, liên tục giám sát, kiểm định vaccine lưu hành trên thị trường. Kể cả các vaccine nhập khẩu phải được cấp phép ở nước sở tại, khi về Việt Nam phải kiểm định lại, đạt tiêu chuẩn một lần nữa mới được đưa vào sử dụng. Vì vậy, người dân có thể yên tâm về chất lượng vaccine được sử dụng hiện nay"- ông Dũng nói.

Ông Dũng thông tin thêm, Bộ Y tế luôn nỗ lực để đủ vaccine cho cả chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm dịch vụ. Thời gian qua, có tình trạng thiếu vaccine do một số nguyên nhân liên quan nhà sản xuất, cung ứng, mua sắm… nhưng là cục bộ, sẽ được giải quyết thời gian tới.

Theo ông Dũng, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị nhập khẩu, các cơ sở nghiên cứu lâm sàng thực hiện các khâu đánh giá chặt chẽ để đảm bảo vaccine đến tay người dùng một cách an toàn nhất.

Nói về việc kiểm soát chất lượng vaccine từ khi sản xuất đến nhập khẩu và sử dụng tiêm chủng, ông Lê Việt Dũng khẳng định Cục Quản lý dược là đơn vị theo dõi chất lượng vaccine, cấp phép lưu hành, kinh doanh, kiểm soát thông tin, theo dõi phản ứng sau tiêm… cùng các đơn vị khác của bộ. Hệ thống quản lý an toàn vaccine của Việt Nam đang ở cấp độ 3, là cấp độ rất cao. Chúng ta chỉ thiếu 1 điểm để đạt cấp độ 4 như các nước phát triển là thiếu dược sĩ tại cửa khẩu nơi nhập khẩu vaccine.

Tại buổi tọa đàm, bà Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết theo lộ trình, sẽ có nhiều loại vaccine mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Cụ thể, trong năm 2023, vaccine Rotavirus sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều tỉnh thành, sau đó sẽ triển khai trên toàn quốc vào năm 2024. Đây là vaccine phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ đầu tiên được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí.

Đối với 3 loại vaccine phòng bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa dự kiến được đưa vào tiêm chủng miễn phí lần lượt từ năm 2025, năm 2026 và năm 2030. Việc đưa thêm 4 loại vaccine vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội tiếp cận vaccine để phòng bệnh.

Vaccine cúm hiện đang được tiêm chủng dịch vụ với giá từ 190.000 đồng - 350.000 đồng/một lần tiêm tuỳ từng loại vaccine; ung thư cổ tử cung có giá khoảng từ 1 - 2 triệu đồng/một lần tiêm; vaccine phế cầu khoảng 1,2 triệu đồng/một lần tiêm và vaccine Rota từ 500.000-700.000 đồng một liều cho một lần uống. Như vậy, khi các loại vaccine này được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm miễn phí.

Các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay phòng được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiếm bao gồm: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, bệnh tả (vùng có nguy cơ cao) và thương hàn (vùng có nguy cơ cao).

Đã có gần 15.000 ca tay chân miệng, chuyên gia lưu ý các dấu hiệu bệnh trở nặng cần biếtĐã có gần 15.000 ca tay chân miệng, chuyên gia lưu ý các dấu hiệu bệnh trở nặng cần biết

SKĐS - Theo thống kê từ đầu năm đến cuối tháng 6/2023 nước ta ghi nhận gần 15 nghìn ca tay chân miệng, 6 trường hợp tử vong. Rất nhiều cha mẹ vẫn bối rối không biết chăm sóc cho trẻ tại nhà như thế nào để tránh tình trạng bệnh trở nặng...



Thái Bình
Ý kiến của bạn