Hà Nội

Người thầy thuốc tận lực giảm nỗi đau cho bệnh nhân ung thư và dấu ấn ở bệnh viện trăm tuổi

31-12-2023 09:24 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - "Ở thời điểm ngành y đang đối mặt với một số khó khăn về mua sắm, đấu thầu sau 3 năm miệt mài chống dịch, Bệnh viện K là một trong những đơn vị tiên phong mời chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến tập huấn cho cán bộ làm công tác đấu thầu..." - GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ.

"Khó nhất trong phẫu thuật đầu cổ là cắt toàn bộ tuyến mang tai, bảo tồn dây thần kinh số 7, nhưng các bác sĩ trẻ đã làm được tất cả những ca khó nhất tức là đã đạt trình độ phẫu thuật đầu mặt cổ rất tốt. Là một người thầy, tôi có thể hoàn toàn yên tâm vào những người tiếp nối như các bạn ấy"…

GS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K, Trưởng bộ môn Ung thư (Trường Đại học Y Hà Nội) mở đầu câu chuyện với tôi không phải về những thành tựu mà bản thân đã có được trong hành trình gắn bó với nghề y- nghiệp y hơn 20 năm qua, mà bằng sự tự hào của người thầy đã góp phần đào tạo nên những phẫu thuật viên, bác sĩ trẻ - tài hoa, xuất sắc và hiện họ đang trở thành đồng nghiệp của ông, ngày đêm cống hiến trí tuệ, tuổi trẻ cho những người bệnh…

Người thầy thuốc tận lực giảm nỗi đau cho bệnh nhân ung thư và dấu ấn ở bệnh viện trăm tuổi- Ảnh 1.

GS.TS Lê Văn Quảng tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Bệnh viện K.

Trong số những học trò xuất sắc đó phải kể đến TS.BS Ngô Quốc Duy – Phó Trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ (Bệnh viện K) - bác sĩ trẻ vừa nhận giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng 2023 và học bổng năm 2024 của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Ung thư đầu và cổ; đồng thời bác sĩ Duy cũng vừa nhận bằng phẫu thuật viên toàn cầu và là 1 trong 10 người có video trình diễn xuất sắc nhất thế giới về phẫu thuật tuyến giáp.

Hay TS.BS Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Khoa Ngoại Đầu cổ (Bệnh viện K), có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế cùng GS.TS Lê Văn Quảng; PGS.TS Nguyễn Xuân Hậu, Phó khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), phẫu thuật viên chính tại Khoa Ung bướu và Chăm sóc giảm nhẹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

GS.TS Lê Văn Quảng bảo rằng các bác sĩ trẻ này chính là một phần tuổi trẻ của ông mà ở đó luôn có sự nhiệt huyết, đam mê, say nghề, ham học hỏi, trau dồi chuyên môn và nghiên cứu khoa học...

Hơn 20 năm trước, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ nội trú Lê Văn Quảng đã quyết định chọn phẫu thuật ung thư với chuyên khoa đầu mặt cổ - một chuyên khoa không hề dễ, bởi các cơ quan vùng đầu mặt cổ rất quan trọng, khi phẫu thuật nếu không may chạm vào mạch máu, bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hiểu được con đường này khó khăn thế nào nên ông luôn trân trọng những người học trò của mình, vì ông biết lựa chọn con đường này là một lựa chọn không dễ dàng.

GS.TS Lê Văn Quảng cùng với những học trò của mình đã có công trình nghiên cứu khoa học "Giá trị của sinh thiết hạch cửa trong ung thư tuyến giáp" đăng trên tạp chí ung thư quốc tế Journal Surgical Research. Bài báo này được giải 3 ở Hội nghị quốc tế về ung thư tuyến giáp tại Nhật Bản năm 2017. Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam, hiện đang được ứng dụng ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Khi trò chuyện với học trò của GS.TS Lê Văn Quảng, tôi luôn được nghe những chia sẻ như: "Thầy Quảng không ít lần làm phụ mổ cho học trò. Chúng tôi luôn tự hào vì được thầy dìu dắt, chỉ bảo cả về chuyên môn và nghiên cứu khoa học".

Còn trong một lần vào Facebook đúng dịp kỷ niệm 40 năm bộ môn Ung thư của Trường Đại học Y Hà Nội, khi xem đến ảnh của GS.TS Lê Văn Quảng, tôi thấy nhiều học trò thả những chiếc tym nồng ấm và bình luận hai chữ "Thầy tôi" thật tự hào...

Ghi dấu ấn bước phát triển mới về phẫu thuật tuyến giáp tại Việt Nam

Mang trong mình sứ mệnh thầy thuốc, GS.TS Lê Văn Quảng luôn dành niềm đam mê nghề - nghiệp nơi phòng khám, phòng mổ. Ngay cả đến bây giờ khi đã làm công tác quản lý bệnh viện, ông vẫn dành thời gian để phẫu thuật 5 -6 ca/tuần vì "người bệnh vẫn tin tưởng, mong muốn mình phẫu thuật cho họ thì mình phải làm bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm".

Người thầy thuốc tận lực giảm nỗi đau cho bệnh nhân ung thư và dấu ấn ở bệnh viện trăm tuổi- Ảnh 2.

GS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K và các đồng nghiệp cùng thăm và trò chuyện với người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Thầy thuốc Lê Văn Quảng đã phẫu thuật nhiều rất nhiều ca bệnh ung thư phức tạp. Với tâm niệm người bệnh như người thân của mình, ông luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo và áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong số đó phải kể đến kỹ thuật cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng.

Đây là kỹ thuật mới trên thế giới và lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Kỹ thuật này đánh dấu bước phát triển về phẫu thuật tuyến giáp tại Việt Nam và được quốc tế công nhận. Việc ứng dụng kỹ thuật này đem lại lợi ích tối đa cho bệnh nhân phẫu thuật u tuyến giáp, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa an toàn, hiệu quả, đồng thời giảm được thời gian nằm viện.

Đến nay, GS.TS Lê Văn Quảng đã có 20 bài báo chuyên sâu về kỹ thuật này được đăng trên các tạp chí quy tín quốc tế. Gần đây, ông cũng được mời báo cáo về kỹ thuật cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng tại Hội nghị Đầu cổ thế giới năm 2023 diễn ra tại Rome, Italia.

GS.TS Lê Văn Quảng cho biết thêm, hiện Bệnh viện K đã triển khai được nhiều lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật cắt tuyến giáp nội soi qua đường miệng tại nhiều bệnh viện tuyến dưới. Cũng từ mô hình này, Bệnh viện K tiếp tục phát triển kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp bằng robot. Bước đầu Bệnh viện K đã thực hiện phẫu thuật tuyến giáp bằng robot cho một số người bệnh và nhận được nhiều giải thưởng từ kỹ thuật này.

Cụm công trình nghiên cứu khoa học cứu nhiều bệnh nhân ung thư đại trực tràng  

Không chỉ là nhà quản lý chăm lo cho tập thể gần 1.800 chuyên gia, y bác sĩ, người lao động với hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi năm, GS.TS Lê Văn Quảng luôn dành thời gian cho đam mê viết sách, nghiên cứu khoa học. Ông đã chủ biên, biên soạn 11 giáo trình, sách chuyên khoa trong lĩnh vực ung thư. Đồng thời, ông cũng là chủ nhiệm 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài nhánh cấp Nhà nước đã nghiệm thu; đã đăng gần 200 bài báo khoa học, trong đó có 45 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Năm 2022, cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng" đã nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ. Thành công này thuộc về nhóm tác giả: PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K; PGS.TS. Bùi Công Toàn, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K; GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K; PGS.TS. Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K; PGS.TS. Nguyễn Văn Chủ, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh Quán Sứ, Bệnh viện K; PGS.TS.Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện K; TS. Bùi Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nội soi & thăm dò chức năng, Bệnh viện K.

GS.TS Lê Văn Quảng cho biết từ năm 1997 các bác sĩ tại Bệnh viện K đã bắt đầu nghiên cứu về giá trị của lâm sàng và nội soi trong chẩn đoán, điều trị ung thư đại trực tràng, đồng thời chọn lọc các kỹ thuật mới.

Cụm công trình này nhằm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng tại Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng; cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư đại trực tràng tại Việt Nam.

"Khi tiếp cận các công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, các bác sĩ vừa học, vừa tìm cách để có được kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam, vẫn hiệu quả thay vì làm theo cách phương Tây với chi phí đắt đỏ"- GS.TS Lê Văn Quảng nói.

Từ Cụm công trình nghiên cứu đã giúp y học Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện thành công xét nghiệm hóa mô miễn dịch trong phân trong sàng lọc ung thư đại trực tràng với độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Nhờ kỹ thuật xét nghiệm hoá miễn dịch trong phân đã giúp phát hiện sớm đối với trường hợp bị ung thư đại trực tràng. Tỷ lệ phát hiện sớm tăng từ 20% lên khoảng 41%.

Ngoài kỹ thuật này, nhóm nghiên cứu và ứng dụng thành công nội soi với ánh sáng dải tần hẹp có phóng đại cho phép phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, làm tiền đề ứng dụng một kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR).

Theo tính toán, chẩn đoán sớm giúp giảm số ngày nằm viện (bệnh nhân giai đoạn I, II chỉ phải điều trị phẫu thuật đơn thuần trung bình khoảng 15 triệu đồng, ngày nằm viện 10 -14 ngày. Trong khi giai đoạn muộn cần phải phẫu thuật phối hợp xạ trị, hóa trị sẽ tốn trung bình 30 tuần điều trị và tổng chi phí khoảng 214 triệu đồng. Kỹ thuật cắt hớt niêm mạc EMR giúp giảm 5-7 lần so với phẫu thuật.

Người thầy thuốc tận lực giảm nỗi đau cho bệnh nhân ung thư và dấu ấn ở bệnh viện trăm tuổi- Ảnh 3.

GS.TS Lê Văn Quảng động viên cán bộ y bác sĩ của Bệnh viện hiến máu.

Đối với bệnh nhân giai đoạn muộn đã di căn, nhóm nghiên cứu ứng dụng xạ trị tiền phẫu, làm hạ thấp giai đoạn bệnh và hóa trị kết hợp điều trị đích giúp kéo dài thời gian sống thêm. Hóa xạ đồng thời trước mổ cũng là một bước tiến mới trong điều trị ung thư đại trực tràng, được nhóm nghiên cứu và ứng dụng thành công. Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật tia xạ điều biến liều, chỉ định với bệnh nhân giai đoạn xâm lấn tại chỗ, nhằm thu nhỏ kích thước u giúp phẫu thuật dễ dàng hơn.

Đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam trong điều trị ung thư đại trực tràng, việc kết hợp với hoá chất trong thời gian xạ trị làm tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí. Tia xạ trước mổ giúp giảm tỷ lệ tái phát, tăng tỷ lệ sống thêm 5 năm, giảm giai đoạn bệnh, từ đó làm tăng tỷ lệ mổ triệt căn và mổ bảo tồn cho bệnh nhân.

Nhóm tác giả đã ứng dụng thành công phẫu thuật bảo tồn cơ tròn, các phương pháp phẫu thuật nội soi tiên tiến giúp nâng cao vượt bậc chất lượng điều trị. Thay vì phải phẫu thuật cắt cụt trực tràng với hậu môn nhân tạo vĩnh viễn, giờ đây bệnh nhân ung thư trực tràng có thể được phẫu thuật bảo tồn cơ tròn cho tỷ lệ sống qua 5 năm tăng lên...

Cụm công trình này cũng mở ra một hướng nghiên cứu mới về dinh dưỡng lâm sàng trong đó việc tiến hành nuôi dưỡng sớm đường tiêu hoá sau phẫu thuật giúp làm giảm thời gian nằm viện và gánh nặng chi phí cho người bệnh.

Đến nay Bệnh viện K đã mở được 8 lớp đào tạo, chuyển giao, triển khai ứng dụng những nội dung của cụm công trình nghiên cứu này cho các bác sĩ tại 23 bệnh viện trong cả nước, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh ung thư, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chuyên ngành ung thư và giữ chân được nhiều người bệnh không phải vất vả ra nước ngoài điều trị, đồng thời thêm khẳng định vị thế của ngành y tế Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Người thầy thuốc tận lực giảm nỗi đau cho bệnh nhân ung thư và dấu ấn ở bệnh viện trăm tuổi- Ảnh 4.

GS.TS Lê Văn Quảng (thứ sáu từ phải sang) tại Lễ vinh danh Vinh quang Việt Nam năm 2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Dấu ấn 100 năm Bệnh viện K

Năm 2020, GS.TS Lê Văn Quảng nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện K trong thời điểm ngành y cùng cả nước tập trung phòng chống đại dịch COVID-19. Và rồi, cũng chính COVID-19 đã tạo nên một khoảng lặng trong hành trình 100 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện K khi cả 3 cơ sở của bệnh viện phải tạm dừng khám chữa bệnh để phục vụ chống dịch. Nhớ lại thời khắc đó, GS.TS Lê Văn Quảng bảo rằng có lẽ không chỉ riêng ông mà tất cả những ai làm việc tại Bệnh viện K đều không thể quên được...

"Thời điểm đó chúng tôi cùng nhau chia sẻ, học online các kỹ thuật mới, đồng thời đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cho cán bộ viên chức, người lao động. Đặc biệt, chúng tôi đã mở lớp học ngoại ngữ, động viên cán bộ, y bác sĩ viết bài báo trên các báo quốc tế. Đến nay, rất nhiều y, bác sĩ đã có bài báo xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín"- GS.TS Lê Văn Quảng nói.

Ông cho biết thêm, khi đó Bệnh viện K có khoảng 4.000 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên và bệnh nhân, nhưng với tinh thần cùng nhau vượt qua khó khăn, bệnh viện vẫn lo được 10.000 suất ăn mỗi ngày cho cán bộ, các y bác sĩ, người lao động và bệnh nhân, người nhà; Đồng thời vận chuyển 780 chuyến xe đưa bệnh nhân, người nhà về các tỉnh, thành đảm bảo an toàn, không bị lây lan dịch bệnh.

Thế rồi ngay khi Bệnh viện K hết phong tỏa do COVID-19, Giám đốc Lê Văn Quảng cùng tập thể lãnh đạo Bệnh viện K lại động viên các cán bộ, y bác sĩ tham gia hỗ trợ các tỉnh, thành phía Nam chống dịch trong nhiều đợt khác nhau. Và tôi cũng đã được chứng kiến những cuộc tiễn vội, nhanh nhưng ấm áp của Bệnh viện K dành cho nhiều chiến sĩ áo trắng đã tạm gác lại gia đình, công việc, niềm riêng để Nam tiến chống dịch COVID-19…

Người thầy thuốc tận lực giảm nỗi đau cho bệnh nhân ung thư và dấu ấn ở bệnh viện trăm tuổi- Ảnh 5.
Người thầy thuốc tận lực giảm nỗi đau cho bệnh nhân ung thư và dấu ấn ở bệnh viện trăm tuổi- Ảnh 6.

Bệnh viện K đã và đang đẩy mạnh ứng dụng nhiều kỹ thuật cao, phương pháp mới để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh  Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sau chống dịch, khi nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị của người dân tăng lên, có những thời điểm ngành y nói chung phải đối mặt với một số khó khăn về mua sắm, đấu thầu… "Chúng tôi đã rất trăn trở và Bệnh viện K đã là một trong những đơn vị tiên phong mời chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến tập huấn cho cán bộ làm công tác đấu thầu của Bệnh viện. Điều này khiến cho tâm lý của cán bộ nhân viên, y bác sĩ an tâm, bớt lo lắng"- GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ.

Tiền thân là Viện Curie Đông Dương được thành lập tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923, mới đây, Bệnh viện K kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển. Tại sự kiện này có sự hiện diện của 53 nhà khoa học, chuyên gia ung bướu trên thế giới đến tham dự các hội nghị khoa học trong khuôn khổ lễ kỷ niệm. Còn nhớ, sau đó vài ngày, trong cuộc trò chuyện với tôi, GS.TS Lê Văn Quảng chia sẻ: "Có không ít nhà khoa học nước ngoài nói GS Quảng là Giám đốc hạnh phúc nhất trong các Giám đốc Bệnh viện K vì được ở trong đúng thời điểm lịch sử 100 năm của Bệnh viện. Các bạn khiến chúng tôi ngạc nhiên vì quy mô hội nghị đã ở tầm khu vực và các bạn đã làm được rất nhiều trong nghiên cứu khoa học"…

Và vị giám đốc đương nhiệm của Bệnh viện K cười hiền bảo rằng "cảm giác hạnh phúc là có thật" vì ông đã cùng team viện K vượt qua những thời điểm khó khăn không thể đong đếm được, rồi cùng nhau đồng lòng, chung sức đưa bệnh viện ngày càng phát triển, làm chủ nhiều hơn nữa các kỹ thuật mới, hội nhập với mong muốn làm sao điều trị, chăm sóc người bệnh tốt hơn...

Với những thành tích ấn tượng trong lao động, cống hiến vì sức khỏe nhân dân, GS.TS Lê Văn Quảng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2020;

Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2019 và năm 2021; Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ Y tế năm 2022…

Năm 2022, cụm công trình "Nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng" do GS.TS Lê Văn Quảng cùng các cộng sự thực hiện vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.

Cùng đó, trong chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023 nhằm tôn vinh 16 tập thể, cá nhân tiêu biểu cho tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt mọi khó khăn, dấn thân để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, tên GS.TS Lê Văn Quảng đã được xướng lên.

Vừa qua, GS.TS Lê Văn Quảng vinh dự nhận Bằng khen của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ TW năm 2023.


Phó Thủ tướng: Bệnh viện K tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để người bệnh tiếp cận y tế hiện đạiPhó Thủ tướng: Bệnh viện K tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ để người bệnh tiếp cận y tế hiện đại

SKĐS - Là cơ sở chuyên khoa đầu ngành của cả nước, các thầy thuốc Bệnh viện K đã ứng dụng thành tựu của y học kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tối ưu, hồi sinh, kéo dài, nâng cao chất lượng sống cho hàng nghìn trường hợp bệnh nặng tưởng như ngọn đèn trước gió...

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn