Hôm nay, 2/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam; phổ biến Nghị định số 88/2023/NĐ-CP ngày 11/12/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; phổ biến Thông tư số 23/2023/TT-BYT ngày 30/11/2023 của Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 01/2018/TT-BYT quy định về ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Bộ Y tế với nhiều điểm cầu UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành phố.
Cung ứng thuốc chủ động, kịp thời, chất lượng
Thông tin đến hội nghị, ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đưa ra 10 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với 23 chỉ tiêu bao gồm tất cả các lĩnh vực từ nghiên cứu phát triển thuốc sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn… trên cơ sở tiếp tục triển khai những kết quả đã đạt được theo Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định 68/2014 của TTg CP (Chiến lược 68).
Đồng thời Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam bổ sung/điều chỉnh một số chỉ tiêu để đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển ngành Dược trong giai đoạn tới như: Chỉ tiêu về phát triển sản xuất gia công/nhượng quyền các thuốc biệt dược gốc; về quy hoạch phát triển dược liệu; về nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về dược; về phát triển dược lâm sàng; về nâng cao tiêu chuẩn GPS trong sản xuất thuốc về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm.
Cục trưởng Vũ Tuấn Cường cho biết, Chiến lược tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới như: Nâng quan điểm về cung ứng thuốc từ "cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc…" thành "cung ứng chủ động, kịp thời…" và "Bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc …";
Nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế;
Phát triển công nghiệp dược Việt Nam đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc phát minh, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới;
Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh, từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh); đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.
Về quan điểm phát triển ngành dược Việt Nam, TS Vũ Tuấn Cường cho biết, tại Chiến lược đã đề ra 5 nội dung, cụ thể:
Thứ nhất, đảm bảo cung ứng chủ động, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Thứ hai, phát triển ngành Dược Việt Nam bền vững, từng bước tiến tới hiện đại, chú trọng việc đảm bảo an ninh thuốc; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược, dược liệu sản xuất trong nước, gia tăng giá trị xuất khẩu và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu.
Thứ ba, ngành Dược Việt Nam là ngành công nghiệp mũi nhọn được ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển.
Thư tư, phát triển hệ thống sản xuất, phân phối, cung ứng thuốc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và được quản lý chặt chẽ; nâng cao hiệu quả cung ứng, phân phối thuốc của doanh nghiệp trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.
Thứ năm, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả bằng hệ thống các biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng thúc đẩy, nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động dược lâm sàng, cảnh giác dược và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số về dược.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đây là văn bản hết sức quan trọng, thể hiện định hướng, mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm các lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…
"Việc xây dựng, trình ban hành Chiến lược phát triển ngành dược với nhiều mục tiêu kỳ vọng và tập trung hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực dược trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, trong đó trọng tâm là bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý; xây dựng ngành dược Việt Nam phát triển là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước"- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tại hội nghị.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và các đại biểu đã nghe Cục Quản lý dược thông tin về những điểm mới trong Nghị định số 88/2023/NĐ-CP và Thông tư số 23/2023/TT-BYT liên quan đến lĩnh vực dược.
"Các văn bản trên được ban hành đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu dược liệu, bán thành phẩm dược liệu; về nhập khẩu, đăng ký lưu hành bán thành phẩm và vỏ nang để sản xuất thuốc có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhập khẩu, đăng ký lưu hành tá dược, vỏ nang được sử dụng để kiểm nghiệm, nghiên cứu hoặc để sản xuất thuốc xuất khẩu; quy định về đánh giá cơ sở sản xuất nước ngoài đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc; quy định về rà soát giá thuốc kê khai và ghi nhãn thuốc" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin.
Chú trọng, quan tâm đến xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế lĩnh vực dược
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thời gian qua ngành Dược Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là công tác xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, trong đó có các văn bản quan trọng kể trên. Cùng đó, Bộ Y tế đã và đang đẩy nhanh tiến độ xin ý kiến các bộ, ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, các tổ chức liên quan về các nội dung liên quan đến Luật Dược sửa đổi để trình Quốc hội theo lộ trình.
"Mục tiêu lớn nhất của việc hoàn thiện thể chế nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép lưu hành thuốc, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc để người dân tiếp cận thuốc một cách nhanh nhất, giá cá hợp lý, đảm bảo bảo chất lượng" - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Qua phần tham luận của đại diện các bộ, ngành, Tổng Công ty Dược Việt Nam và một số Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Pharma Group, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Cục Quản lý dược tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện dự thảo kế hoạch của Bộ Y tế triển khai Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo lãnh đạo Bộ.
Tổng hợp và đưa lên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược các nội dung trả lời liên quan đến Nghị định 88/2023/NĐ-CP và Thông tư số 23/2023/TT-BYT ngày 30/11/2023 để một số địa phương nắm rõ hơn về hai văn bản quan trọng này.
Đề nghị các Bộ/ngành, UBND các tỉnh/thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được được giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ trưởng đề nghị các Sở Y tế nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành Dược đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và gửi về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2024; đồng thời triển khai phổ biến các chủ trương, các quy định mới ban hành trong lĩnh vực Dược tới các đối tượng có liên quan trên địa bàn.
Các cơ sở khám chữa bệnh, các Viện/Trung tâm kiểm nghiệm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đăng ký thuốc chủ động và nâng cao trách nhiệm trong việc nghiên cứu, triển khai chiến lược và các văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình triển phát hiện các bất cập, khó khăn vướng mắc, kịp thời đề xuất để sửa đổi các văn bản cho phù hợp; nâng cao hiệu quả hoạt động của dược lâm sàng, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý trên người bệnh;
Cùng đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý dược, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy tiềm lực của dược liệu Việt Nam; tập trung ưu tiên cùng các bộ ngành, UBND tỉnh Thái Bình và UBND TP HCM nhanh chóng đưa 2 khu công nghiệp dược sinh học vào hoạt động...