Hà Nội

Người dân cần hiểu rõ về bệnh đái tháo đường

01-11-2024 20:03 | Y tế
google news

SKĐS - Trong cộng đồng có trên 50% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh...

Chiều 1/11, Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống Đái tháo đường (14/11) và Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (2/11).

Người dân cần hiểu rõ về bệnh đái tháo đường- Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia buổi lễ.

Tham dự buổi lễ có: TS.BS Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương; PGS.TS Trần Ngọc Lương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương; đại diện lãnh đạo bệnh viện nội tiết các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Quảng Ngãi.

Về phía tỉnh Nghệ An, có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hoa - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Thị Hoài Chung - Bí thư Huyện ủy Yên Thành; các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, các đơn vị y tế trong tỉnh.

Nghệ An: Hưởng ứng

TS Nguyễn Hữu Lê, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An phát biểu khai mạc buổi lễ.

Đái tháo đường với những biến chứng nguy hiểm

Phát biểu tại buổi lễ, TS Nguyễn Hữu Lê, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính, tiến triển âm thầm. Đường trong máu cao, kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người bệnh như: tổn thương mắt gây ra mù loà; suy thận; nhiễm trùng bàn chân, cắt cụt chi. Đặc biệt, biến chứng tim mạch như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim..., là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho bệnh nhân ĐTĐ.

Theo thống kê của Liên đoàn ĐTĐ Thế giới (IDF), cứ 24h, trên thế giới lại có 3.600 trường hợp ĐTĐ mới được chẩn đoán, 580 người bị tử vong, 225 người bị cắt đoạn chi, 120 người bị suy thận giai đoạn cuối và 55 người bị mù do bệnh ĐTĐ gây nên.

Đáng lo ngại hơn, trong cộng đồng có trên 50% bệnh nhân ĐTĐ chưa được chẩn đoán, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh...

Một thực tế cho thấy mức độ nguy hiểm của bệnh đái tháo đường là số ca tử vong do ĐTĐ cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm. Số ca tử vong toàn cầu của bệnh ĐTĐ năm 2015 là 5 triệu người, trong khi cũng trong giai đoạn này, số ca tử vong do HIV/AIDS là 1,5 triệu người, do bệnh lao là 1,5 triệu người và do sốt rét là 0,6 triệu người.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thời gian qua đã cho chúng ta nhận thức rõ ràng rằng bệnh ĐTĐ là 1 trong những bệnh lý nền gây tử vong cao nhất ở bệnh nhân mắc COVID-19.

Nghệ An: Hưởng ứng

Toàn cảnh buổi lễ.

Tuy nhiên, bằng các nghiên cứu lâm sàng và can thiệp cộng đồng, cho đến nay, các nghiên cứu trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam đã chứng minh bệnh ĐTĐ type 2 có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện chế động dinh dưỡng, duy trì cân nặng lí tưởng và tăng cường hoạt động thể lực.

Do đó, tập huấn và giáo dục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động phòng chống bệnh ĐTĐ, là nhiệm vụ quan trọng của tất cả chúng ta- Các cán bộ đã và đang tham gia hoạt động phòng chống bệnh ĐTĐ.

Mọi người cần hiểu rõ bệnh đái tháo đường

Tại buổi lễ, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An nhấn mạnh, phải làm cho người bệnh nhận thức được ĐTĐ là một bệnh rối loạn chuyển hóa kéo dài suốt cả đời. Bệnh chỉ có thể được quản lý tốt nếu chính người bệnh hiểu được họ cần phải làm gì.

Ở mức độ cộng đồng, các khái niệm về tiền ĐTĐ, các yếu tố nguy cơ đối với bệnh ĐTĐ như: quá cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid... phải được tư vấn, tuyên truyền, giải thích để phát hiện sớm. Có vậy, việc phòng chống bệnh ĐTĐ mới hiệu quả, sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí điều trị và đề phòng được các biến chứng sau này. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc cho bản thân và gia đình của người bệnh.

Người dân cần hiểu rõ về bệnh đái tháo đường- Ảnh 4.

GS.TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam trình bày báo cáo khoa học kiểm soát sớm đường huyết tại hội nghị khoa học Nội tiết - Đái tháo đường vào sáng 1/11.

Cũng tại buổi lễ, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cùng các đơn vị y tế trong toàn tỉnh được giao trọng trách thực hiện từ hơn 3 thập kỷ qua, đó là công tác phòng chống các rối loạn do thiếu I ốt.

Để động viên toàn dân chung tay thực hiện việc phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt, một vấn đề ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của toàn cộng đồng, ngày 8/9/1994, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 481/TTg vận động toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt và lấy ngày 2/11 hàng năm là Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt.

Vào cuối năm 2000, tỉnh Nghệ An là một trong các tỉnh hoàn thành tốt mục tiêu Chương trình quốc gia về thanh toán các rối loạn do thiếu I-ốt với 3 chỉ tiêu chuyên môn chính: Tỷ lệ bệnh bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi đạt 9,18%; độ phủ muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đạt 90,6%; mức i-ốt niệu trung vị đạt 18mcg/dl.

Từ đó đến nay, hoạt động phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt tại tỉnh Nghệ An vẫn được duy trì tại các đơn vị y tế và cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác như Tổng cục Thống kê, UNICEF, Tổ chức Y tế thế giới thì tình trạng thiếu I-ốt đang có dấu hiệu quay trở lại tại Việt Nam. Điều này đặt ra cho chúng ta nhiều yêu cầu, thách thức.

Do đó, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An đề nghị các đơn vị y tế ở Nghệ An tham gia hoạt động phòng chống ĐTĐ - phòng chống các rối loạn do thiếu I-ốt thực hiện tốt một số dung trọng tâm sau:

Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị tuyến tỉnh như: Bệnh viện Nội tiết, Trung tâm CDC với Phòng Y tế và TTYT các huyện – thành – thị xã trong tỉnh. Nắm bắt đầy đủ các chủ trương, các quy định của ngành Y tế liên quan để tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong toàn tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa phòng chống ĐTĐ trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng mọi hình để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hậu quả của bệnh ĐTĐ và cách phòng chống, cũng như tầm quan trọng của I-ốt và nguy cơ do thiếu hụt I-ốt đối với sức khỏe của con người.

Tăng cường tập huấn, đào tạo, khuyến khích đội ngũ cán bộ nhân viên trong đơn vị tích cực học tập nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của hoạt động phòng chống ĐTĐ, phòng chống các rối loạn do thiếu i ốt trong thời gian tới. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng và công tác khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, tiền ĐTĐ, bướu cổ...

Các công trình nghiên cứu về dịch tễ học trong 30 năm qua đã cho thấy bệnh ĐTĐ type 2 tăng lên không ngừng. Nếu năm 1985, ước đoán có 30 triệu người trên thế giới mắc bệnh ĐTĐ, một thập kỷ sau, con số này đã là 150 triệu người. Theo Liên đoàn ĐTĐ thế giới, năm 2021 thế giới có 537 triệu người trưởng thành bị ĐTĐ. Dự báo số người mắc bệnh ĐTĐ sẽ tăng lên 643 triệu người vào năm 2030 và 784 triệu người vào năm 2045.

Tại Việt Nam, trong những điều tra trên phạm vi quốc gia trong thời gian qua cho thấy tỉ lệ bệnh ĐTĐ cũng có sự gia tăng theo xu hướng chung của thế giới. Điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương năm 2002 tỉ lệ bệnh ĐTĐ trên toàn quốc là 2,7%. Sau 10 năm, điều tra quốc gia năm 2012 tỉ lệ này đã tăng gấp đôi lên 5,4%. Kết quả nhất khảo sát trên toàn quốc gần đây nhất năm 2020 cho thấy tỉ lệ mắc bệnh ĐTĐ tại Việt Nam là 7,3% ; Tỷ lệ tiền ĐTĐ là 17,8%. Trong đó có các con số chúng ta cần hết sức quan tâm đó là tỉ lệ người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán tại Việt Nam hiện tại là hơn 60%, và có hơn một nửa người trưởng thành chưa bao giờ được làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện bệnh ĐTĐ.

Riêng tại Nghệ An, theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, năm 2010 tỷ lệ mắc ĐTĐ toàn tỉnh là 5,36%, đến năm 2020 đã tăng lên 7,2%. Đây thực sự là những con số đáng báo động.

Các yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đườngCác yếu tố nguy cơ của tiền đái tháo đường

SKĐS - Tiền đái tháo đường là tình trạng đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa cao đến mức chẩn đoán đái tháo đường. Tiền đái tháo đường cần được điều trị và quản lý, vì nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch.

Dấu hiệu của trào ngược dạ dày và những biện pháp cải thiện | SKĐS



Khánh Tâm - V. Đồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn