Đái tháo đường tuyp 2 gây hậu quả gì?
Theo PGS.TS. Vũ Bích Nga, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, trường Đại học Y Hà Nội, bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả hai.
Có nhiều loại bệnh đái tháo khác nhau như đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2, đái tháo đường thai kỳ hay đái tháo đường thứ phát do các nguyên nhân khác nhau. Trong đó, đái tháo đường type 2 là loại phổ biến nhất.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường type 2, bao gồm những yếu tố không thể thay đổi như tuổi, giới tính, tiền sử gia đình và cả những yếu tố có thể thay đổi như lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì, căng thẳng kéo dài hay người có các yếu tố nguy cơ (thiếu hụt vitamin D, người có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ...).
Bệnh đái tháo đường type 2 thường không có triệu chứng rõ rệt trong thời gian dài cho đến khi được phát hiện qua xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm sàng lọc ở người có nguy cơ cao hay xuất hiện tình trạng khát nước nhiều hơn, đi tiểu thường xuyên, đói nhiều hơn, giảm cân bất thường, mệt mỏi, mờ mắt, cảm giác ngứa ran hay tê ở tay hoặc chân, vết loét không lành.
Đái tháo đường type 2 có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như các biến cố về tim mạch, về mạch máu lớn (gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch não, tắc mạch chi...), mạch máu nhỏ (ở mắt gây mù mắt, ở thận gây suy thận)...
Những người nhiễm HIV có nhiều khả năng mắc bệnh đái tháo đường type 2 hơn những người không nhiễm HIV. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị HIV cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 ở những người nhiễm HIV.
Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc đái tháo đường cao hơn.
Những người nhiễm HIV có nên xét nghiệm bệnh đái tháo đường không?
Những người nhiễm HIV, nhất là với người cao tuổi nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên. Nếu phát hiện lượng đường trong máu cao hơn bình thường, bác sĩ cóthì có thể cần tránh dùng một số loại thuốc điều trị HIV.
Xét nghiệm lượng đường trong máu cũng rất quan trọng sau khi bắt đầu dùng thuốc điều trị HIV. Nếu xét nghiệm cho thấy lượng đường trong máu cao, có thể cần phải thay đổi thuốc điều trị HIV.
Biện pháp giúp người nhiễm HIV ngăn ngừa và kiểm soát đái tháo đường type 2
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Cân nặng khỏe mạnh có thể được tính theo công thức tính chỉ số khối cơ thể (BMI).
Với người châu Á nên duy trì cân nặng ở mức từ 18.5 - 22.9 là cân nặng bình thường. BMI dưới 18.5 là nhẹ cân, từ 23 – 24.9 là thừa cân và từ 25 trở lên là béo phì.
- Ăn uống lành mạnh: Thực hiện chế độ ăn uống cung cấp đầy đủ, cân đối, hợp lý các chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, chất bột đường), vitamin và khoáng chất. Trong đó, chú ý tiêu thụ nhiều rau xanh, quả chín, ngũ cốc nguyên hạt... và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều chất béo, đường và muối.
- Tăng cường vận động: Đặt mục tiêu hoạt động thể chất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần.
- Ngủ đủ giấc: Đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày, không nên thức quá khuya.
- Giảm căng thẳng: Người nhiễm HIV có thể bị căng thẳng, stress hơn so với người không nhiễm HIV do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, để giảm căng thẳng, người nhiễm HIV nên tham gia các nhóm cộng đồng để cùng chia sẻ và giải tỏa tâm trạng.
Mời bạn xem tiếp video:
Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để kiểm soát bệnh vào mùa đông | SKĐS