Hà Nội

Ngư dân bàng hoàng kể lại 1 giờ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công

02-06-2015 10:26 | Thời sự
google news

"Hơn 1 tiếng sau tàu Trung Quốc đã áp sát rồi tấn công bằng vòi rồng. Vòi rồng xịt nước rất mạnh, xịt vào chỗ nào là thổi bay chỗ đấy. Xịt vào kính, kính vỡ. Xịt vào ván, ván bay lu

“Ban đầu, tàu Trung Quốc ra sức rượt đuổi nên tôi động viên anh em trên tàu bình tĩnh, cố chạy để giữ mạng đã. Hơn 1 tiếng sau tàu Trung Quốc đã áp sát rồi tấn công bằng vòi rồng. Vòi rồng xịt nước rất mạnh, xịt vào chỗ nào là thổi bay chỗ đấy. Xịt vào kính, kính vỡ. Xịt vào ván, ván bay luôn…”.

"Nếu tàu Trung Quốc tấn công lần 3, chúng tôi đã bỏ mạng"

Gần 4 ngày sau khi xảy ra vụ việc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tấn công bằng vòi rồng, anh La Văn Quen (44 tuổi, ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu BĐ-96680TS, vẫn chưa hết bàng hoàng.

Ngư dân La Văn Quen chưa hết bàng hoàng sau chuyến đi biển hiểm nguy.
Ngư dân La Văn Quen chưa hết bàng hoàng sau chuyến đi biển hiểm nguy.

Theo lời kể của anh Quen, chủ tàu cá mang số hiệu BĐ-96680TS, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương xuất phát tại cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), tàu của anh với 6 thuyền viên mới đánh bắt được 10 con cá ngừ đại dương và một số hải sản khác thì bị tàu Trung Quốc tấn công. Khoảng 7 giờ sáng 27/5, khi tàu đang đánh bắt ở vùng biển có tọa độ 15 độ Bắc - 112 độ kinh Đông (thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bất ngờ bị tàu mang phù hiệu cảnh sát Trung Quốc lao đến, dùng vòi rồng tấn công 2 lần liên tiếp.

“Chiếc tàu Trung Quốc dài khoảng hơn 30m, rộng 20m, sơn màu xám trắng, phía trước tàu treo cờ Trung Quốc và thành tàu có ghi dòng chữ CHINA. Phía sau tàu này còn được trang bị vũ khí và phủ bạt phía trên”, anh Quen vẫn chưa hết hãi hùng nhớ lại.

Anh Quen kể tiếp: “Ban đầu, tàu Trung Quốc ra sức rượt đuổi nên tôi động viên anh em trên tàu bình tĩnh, cố chạy để giữ mạng đã. Tuy nhiên, do tàu mình công suất nhỏ nên chỉ hơn 1 tiếng tàu Trung Quốc đã áp sát, rồi tấn công bằng vòi rồng. Vòi rồng xịt nước rất mạnh, xịt vào chỗ nào là thổi bay chỗ đấy. Xịt vào kính, kính vỡ. Xịt vào ván, ván bay luôn…”.

Giàn đèn cao áp trên tàu anh Quen đã bị vòi rồng xịt bay xuống biển
Giàn đèn cao áp trên tàu anh Quen đã bị vòi rồng xịt bay xuống biển

Lúc bị tấn công, mọi thiết bị trên tàu như máy định vị, bộ đàm, máy nhắn tin đều bị ướt, hư hỏng nên không thể liên lạc với tàu bạn và đất liền được. Khi đó, anh Quen chỉ cố bám trụ lấy bánh lái điều khiển con tàu đang bị chao đảo, còn các thuyền viên khác phải tìm chỗ núp để tránh các vật dụng trên tàu bay chém vào người.

“Sau 2 đợt tấn công liên tiếp bằng vòi rồng, toàn bộ giàn câu, giàn đèn cao áp, thuyền thúng đi biển đều bị nước thổi bay xuống biển. Còn con tàu chúng tôi nước ngập vào như chuẩn bị chìm, cũng may tàu Trung Quốc không tấn công lần 3, nếu không có lẽ anh em tụi tôi đã bỏ mạng ở trên biển cả rồi”, anh Quen kể lại.

Chuyến đi biển thiệt đơn, thiệt kép

Sau khi tấn công, tàu của Trung Quốc bỏ đi. Lúc này, các thuyền viên trên tàu BĐ-96680TS nỗ lực bơm nước để tàu không chìm. Sau khi khắc phục tạm thời, anh Quen điều khiển tàu vào bờ nhưng vì thiết bị liên lạc, định vị bị hỏng nên tàu lần mò trên biển. Đến chiều 29/5, tàu cá BĐ-96680TS cùng các ngư dân mới cập bờ an toàn.

Vòi rồng xịt nước chỗ nào, chỗ đó bị phá tung
Vòi rồng xịt nước chỗ nào, chỗ đó bị phá tung
Vòi rồng xịt nước chỗ nào, chỗ đó bị phá tung

Tàu cập bờ, nhưng con tàu mà anh Quen mới tậu cách đây 3 năm với chi phí 1,4 tỷ đồng đã xơ xác tan tành, trong khi số tiền đóng tàu chủ yếu là vay mượn. Nhìn con tàu xơ xác, kính vỡ, ván bung, ngư lưới cụ, thiết bị đều hư hỏng, anh Quen chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Theo tính toán của anh Quen, tổng thiệt hại về vật chất tính qua cũng lên đến gần 200 triệu đồng. Anh Quen thở dài: “Giờ tàu hư hỏng nặng, chuyến biển tới phải nằm bờ để sửa chữa, vừa tốn chi phí vừa không tiền lo cho gia đình và tiền gửi cho đứa con gái đang học đại học trong TP Hồ Chí Minh. Trong khi tiền vay đóng tàu trước đây còn trả chưa xong nên giờ tôi chỉ mong các ngành chức năng lên tiếng, yêu cầu Trung Quốc bồi thường để gia đình bớt đi phần nào gánh nặng”.

Doãn Công

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn