Hà Nội

Mỹ chỉ trích Trung Quốc, cam kết tăng cường tuần tra ở Biển Đông

31-05-2015 08:58 | Quốc tế
google news

Mỹ ngày 30/5 đã kêu gọi Trung Quốc ngừng việc cải tạo rầm rộ các bãi đá ở Biển Đông và cam kết sẽ đưa thêm tàu và máy bay quân sự đến khu vực này.

Theo AFP, phát biểu tại Đối thoại Shangri- La tại Singapore, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh, Trung Quốc đang vi phạm các chuẩn mực quốc tế.

Mỹ chỉ trích, Trung Quốc ngang ngược đáp trả

“Đầu tiên, chúng tôi muốn tìm ra một giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp và điều này chỉ có được khi Trung Quốc dừng ngay lập tức việc cải tạo các bãi đá ở Biển Đông”, ông Carter khẳng định.

“Chúng tôi cũng phản đối việc biến những bãi đá đã được cải tạo thành các căn cứ quân sự. Diện tích các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo được đã lên đến 8km2 và họ làm điều này chỉ trong vòng 18 tháng”, ông Carter nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri- La (Ảnh AFP)

Đáp lại lời ông Carter, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang nhiên cho rằng, chủ quyền của nước này đối trên Biển Đông đã được thiết lập từ lâu và Trung Quốc đã rất kiềm chế trước các hành động khiêu khích và phô trương thanh thế của các nước khác.

“Trung Quốc không cần phải tăng cường tuyên bố chủ quyền của mình thông qua việc cải tạo và xây dựng trên các đảo và bãi đá đó” ông Lưu ngang ngược nói và nhấn mạnh, những chứng cứ lịch sử và pháp lý của Trung Quốc là quá rõ ràng.

Thậm chí, ông Lưu còn cho rằng: “Trung Quốc vẫn tuân thủ triệt để nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình”.

Ông Triệu Hiểu Trác, Đại tá thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cũng lớn tiếng cho rằng, những chỉ trích của phía Mỹ là “vô căn cứ và không có tính chất xây dựng”.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng ngang nhiên cáo buộc rằng những lời nói và hành động của Mỹ sẽ khiến khu vực thêm bất ổn.

Trước đó, trong tháng 5 này, Mỹ đã điều máy bay trinh sát P-8A Poseidon đến sát khu vực Trung Quốc cải tạo các bãi đá phi pháp ở Biển Đông và bị phía Trung Quốc phát tín hiệu xua đuổi, tuy nhiên máy bay Mỹ đã phớt lờ yêu cầu này và khẳng định máy bay đang bay trên không phận quốc tế.

Điều này, theo ông Thôi, “rõ ràng là một hành động khiêu khích và làm leo thang căng thẳng. Ông Thôi mô tả hành động này là “một hành động phô trương thanh thế và cố tình “quân sự hóa” tình hình Biển Đông”. Tuy nhiên, ông không hề đề cập gì đến Mỹ.

Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc tại Đối thoại Shangri- La (Ảnh AP)

Cả ông Thôi và ông Lưu đều cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng các công trình trên các bãi đá mà nước này cải tạo thành các đảo nhân tạo là vì mục đích dân sự.

Tranh cãi cả việc sớm thông qua COC

Không chỉ chỉ trích Trung Quốc, ông Carter đã lên tiếng thúc giục Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN cần nhanh chóng thông qua bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm nay.

Để đáp lại, ông Lưu cho rằng: “Các quy định của COC là do Trung Quốc và các nước có liên quan trong khu vực đưa ra chứ không phải là từ một nước khác áp đặt cho chúng tôi”.

Trong tuyên bố của mình tại Đối thoại Shangri-La Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein khẳng định, nếu các bên ở Biển Đông không kiềm chế thì các tranh chấp trong khu vực sẽ leo thang thành một trong những xung đột đẫm máu nhất trong thời đại của chúng ta, nếu không muốn nói là trong lịch sử của nhân loại”.

Hình ảnh từ máy bay trinh sát cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa (Ảnh AFP)

Trước đó, ngày 29/5, Mỹ đã công bố hình ảnh được chụp từ máy bay trinh sát cho thấy Trung Quốc đã đưa 2 khẩu pháo vào một trong số các bãi đá mà nước này cải tạo thành đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Dù các khẩu pháo này chưa thể đe dọa đến máy bay và tàu hải quân của Mỹ, nhưng việc tầm ngắm của chúng có thể vươn tới các nước Đông Nam Á có liên quan đã khẳng định lo ngại của Mỹ rằng Trung Quốc cải tạo rầm rộ các bãi đá trên Biển Đông là vì mục đích quân sự.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ các quốc gia có liên quan trong tranh chấp Biển Đông theo đuổi các vụ kiện thông qua tòa án quốc tế và các biện pháp hòa bình khác.

Trước đó, tháng 3/2014, Philippines đã chính thức đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện này.

 

 

 


Ý kiến của bạn