Nghệ sĩ nổi tiếng 'thổi phồng' công dụng thực phẩm chức năng: ĐBQH đề xuất xử lý thế nào?

10-11-2022 20:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung việc doanh nghiệp quảng cáo thái quá, sai sự thật, nói "vống" công dụng của thuốc, thực phẩm chức năng cũng như các mặt hàng khác vào hành vi bị cấm trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu lên thực trạng, hiện nay trên không gian mạng, các loại quảng cáo khiến người dân dễ tiếp cận, tuy nhiên nội dung lại chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Điều khiến đại biểu tỉnh Quảng Nam lo ngại đó là vấn đề các loại thực phẩm chức năng được "phù phép" quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội như một loại "thần dược". Các loại quảng cáo này xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, Youtube…

Nghệ sĩ nổi tiếng 'thổi phồng' công dụng thực phẩm chức năng khiến ĐBQH đề xuất đưa vào Luật - Ảnh 1.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Đại biểu cũng dẫn chứng là thời gian qua một số nghệ sĩ nổi tiếng cũng quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm tràn lan, gây bức xúc và đã được các cơ quan báo chí lên án. Tuy nhiên, chế tài để xử lý, ngăn chặn việc này vẫn chưa được xây dựng đầy đủ. Từ những thực trạng trên, đại biểu đề nghị cần đưa quy định hành vi truyền tải quảng cáo sai sự thật vào các hành vi cấm trong dự án Luật.

Cùng nêu ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, nhiều quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đối với xã hội để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ sai sự thật đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Nghệ sĩ nổi tiếng 'thổi phồng' công dụng thực phẩm chức năng khiến ĐBQH đề xuất đưa vào Luật - Ảnh 2.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung tại điểm a khoản 1 Điều 17 về các hành vi bị cấm. Trong đó có nội dung là "dùng kỹ xảo hình ảnh, hay các thủ đoạn khác và chỉnh sửa theo hướng lừa dối hoặc dùng kỹ xảo hình ảnh hay các thủ đoạn khác nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ và không chính xác". 

Đồng thời, xem xét bổ sung tại điểm h khoản 1 Điều 17, nội dung không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện đã cam kết với người tiêu dùng sau nội dung đã được quy định tại dự thảo.

Còn ĐBQH Trần Đình Gia (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) nêu vấn đề, hiện nay có trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân dùng nhiều hình thức quảng cáo, khuyến mại để chào bán sản phẩm.

Minh chứng cụ thể hơn cho điều này, vị đại biểu đoàn Hà Tĩnh dẫn chứng: "Tôi được người dân phản ánh có hiện tượng, doanh nghiệp về nông thôn tổ chức hội thảo về chăm sóc sức khỏe. Người dân đến dự được phát quà (bánh hoặc mì tôm…) nên người dân đến dự đông".

Đại biểu Trần Đình Gia cũng thông tin thêm, nội dung của hội thảo sẽ được Ban tổ chức lồng ghép giới thiệu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe phòng tai biến, huyết áp, tiểu đường, dưỡng não… và có xuất xứ từ nước ngoài. Do được "rót mật vào tai" nên nhiều người dân đã mua, người ít thì vài triệu, người nhiều thì lên đến 15 thậm chí 20 triệu đồng.

Nghệ sĩ nổi tiếng 'thổi phồng' công dụng thực phẩm chức năng khiến ĐBQH đề xuất đưa vào Luật - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Đại biểu cho biết thêm, sau một thời gian sử dụng người dân cho rằng bị lừa. Đại biểu cũng đặt câu hỏi: "Người dân phản ánh là cơ quan chức năng kiểm tra nhưng không bắt được, không phát hiện vi phạm. Oái oăm thay, doanh nghiệp lại lấy hỉnh ảnh của cơ quan chức năng đi kiểm tra để khẳng định họ đang làm đúng".

Theo đại biểu, việc kinh doanh này là tranh thủ việc người dân kém hiểu biết, không có thông tin đầy đủ về sản phẩm để trục lợi. Từ đó, đại biểu Trần Đình Gia đề xuất, trong dự thảo Luật phải tính đến những tình huống trên để có một quy định chặt chẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều gì xảy ra khi có quá nhiều tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng?Điều gì xảy ra khi có quá nhiều tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng?

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).



Lê Bảo
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn