Điều gì xảy ra khi có quá nhiều tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng?

10-11-2022 16:55 | Thời sự

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đại biểu lo lắng tranh chấp sẽ tăng lên

Đóng góp để hoàn thiện dự án Luật, ĐBQH Tống Văn Băng (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đại biểu Tống Văn Băng, nếu tất cả các tổ chức xã hội cùng tham gia vào hoạt động này thì có thể xảy ra hoạt động tranh chấp, chồng chéo trong giao dịch nhằm đảm bảo công bằng. Do vậy, không phải tất cả các tổ chức xã hội đều tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà cần có sự chọn lọc.

Quá nhiều tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng có thể gây chồng chéo - Ảnh 1.

ĐBQH Tống Văn Băng - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng phát biểu.

Đại biểu cho rằng, hiện nước ta có rất nhiều tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp và các cấp khác nhau. Qua thống kê sơ bộ khoảng hơn 100 hội khác nhau, riêng hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có 56 hội. Đại biểu Tống Văn Băng cho rằng, nếu các tổ chức xã hội này đều được tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của dự thảo luật thì có thể sẽ làm cho các tranh chấp trong xã hội sẽ tăng lên, chưa kể là làm cho việc sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Đại biểu Tống Văn Băng cho rằng, thực tế, mối quan hệ dân sự, quyền của chủ thể này là nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại. Do đó, nếu như vô hình chung chúng ta chỉ bảo vệ một chủ thể này, không tính toán quyền lợi của chủ thể khác thì dẫn đến sẽ ảnh hưởng đến trong giao dịch công bằng giữa các chủ thể với nhau.

Quá nhiều tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng có thể gây chồng chéo - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 10/11.

Vì vậy, đề nghị sẽ quy định chỉ các tổ chức xã hội có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương là thành viên của mình với thì mới tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Hội Người cao tuổi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Người khuyết tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoặc Hội chức năng chuyên sâu về bảo vệ quyền lợi của người của công dân như Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.

Những chủ thể này sẽ có khả năng, có điều kiện và trách nhiệm xã hội để thực hiện bảo vệ quyền lợi của mình mà không phải tất cả các hội tham gia mà phải cân đối nội dung này.

Quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm bồi thường đối với sản phẩm có khuyết tật

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cơ bản nhất trí của dự thảo luật chia sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thành hai nhóm: nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.

Trên cơ sở này để quy định mức độ trách nhiệm tương ứng của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc thu hồi đối với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật. Tuy nhiên, để tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.

Quá nhiều tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng có thể gây chồng chéo - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra Điều 34, khoản 1, Điều 3 dự thảo luật quy định người tiêu dùng cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng bên cạnh việc mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, còn mua sử dụng dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. 

Tuy nhiên, Điều 34 dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chưa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ không bảo đảm chất lượng…

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị Điều 34 dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Quá nhiều tổ chức tham gia bảo vệ người tiêu dùng có thể gây chồng chéo - Ảnh 4.

ĐBQH Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

ĐBQH Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, khoản 3 Điều 34 quy định rằng, việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay khi người tiêu dùng xử lý hàng hóa để áp dụng pháp luật về dân sự.

Để việc thực hiện bồi thường thiệt hại kịp thời, đại biểu đề nghị cần bổ sung Điều 34 một khoản quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế.

‘Head của Honda bán xe máy chênh với giá niêm yết không những công khai mà kéo dài liên tục’‘Head của Honda bán xe máy chênh với giá niêm yết không những công khai mà kéo dài liên tục’

SKĐS - ĐBQH Trịnh Xuân An nêu, các xe của hãng Honda khi được bán ở các Head bán đều chênh với giá niêm yết, có khi lên đến mấy chục triệu. Lúc khai thuế lại theo giá niêm yết nhưng lại bán cho người dân với giá cao. Sự vi phạm này không những công khai mà kéo dài liên tục.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn