Trải qua các đợt dịch COVID-19 khác nhau, với phương thức ứng phó khác nhau, tại nhiều địa phương, ngành Y tế với vai trò là cơ quan thường trực chống dịch luôn chủ động và sẵn sàng các điều kiện cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dịp nghỉ lễ dài ngày.
Báo Sức khỏe & Đời sống ghi nhận tổng hợp công tác chuẩn bị, sẵn sàng thu dung điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở các cơ sở y tế, khu cách ly tại một số địa phương phía Bắc.
Yên Bái: Tăng cường cán bộ trực bệnh viện, hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà
Không riêng dịp Tết nguyên đán, từ nhiều tháng trước, bác sĩ Nguyễn Thị Linh - Khoa điều trị COVID-19, Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái đã cùng các y, bác sĩ ở đây điều trị bệnh nhân F0. Nhiều đêm không nghỉ, nhiều tháng không về thăm nhà, song chị Linh vẫn xung phong ở lại viện cùng đồng nghiệp chỉ với mong muốn được chia sẻ với người bệnh dịp Tết đến, Xuân về.
Để theo sát diễn biến người bệnh trong những ngày tết Nguyên đán, Bệnh viện Phổi tỉnh Yên Bái chia 2 ca, 3 kíp trực 24/24 giờ đảm bảo tất cả người bệnh được khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân theo tầng, điều trị theo phác đồ hiệu quả. Cán bộ, nhân viên Bệnh viện đang nỗ lực hết mình vì người bệnh.
Không chỉ những y, bác sĩ trực tiếp điều trị F0 nặng tại các bệnh viện mà lực lượng y tế cơ sở, các tổ COVID-19 cộng đồng trong toàn tỉnh trong những ngày Tết cũng luôn quan tâm hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.
Xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái có 6 thôn, 132 hộ, Trạm Y tế xã đã lập nhóm Zalo nên hằng ngày, bệnh nhân được y, bác sĩ tư vấn hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, phòng lây nhiễm cho người chăm sóc và chế độ dinh dưỡng, vệ sinh hợp lý.
Điện Biên: Nỗ lực hết sức để hạn chế tối thiểu những tình huống xấu nhất
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, không khí làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên vẫn bận rộn như những ngày thường. Trung tâm đã thành lập khu điều trị bệnh nhân F0 tại Khoa Truyền nhiễm, hiện có trên 30 bệnh nhân.
Bác sĩ Mai Văn Trung, Trưởng khoa Nhi chia sẻ: "Bắt đầu từ ngày 21/1/2022, tôi vào trực tại khu điều trị F0 của Trung tâm; làm việc tại khu điều trị gồm có 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng. Chúng tôi trực từ thời gian này cho đến qua Tết (từ 1 - 2 tháng). Là bác sĩ, tôi và gia đình đã quen với việc vắng nhà vào dịp Tết. Nhưng năm nay có lẽ là cái tết đặc biệt. Không được đón tết cùng gia đình chắc chắn ai cũng buồn.
Tuy nhiên, hiện nay trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, số lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh về quê ăn tết tăng cao nên số lượng các ca F0 tăng đột biến. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hạn chế tối thiểu những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền, nên ngoài việc sát sao điều trị bệnh nhân theo đúng phác đồ; chúng tôi còn phải thường xuyên quan tâm, động viên và trấn an tinh thần cho người bệnh; giúp họ không hoang mang, làm ảnh hưởng đến sức khỏe…".
Quảng Ninh: Quyết tâm không để bệnh nhân tử vong vì COVID-19
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, thường trực cấp cứu và khám, chữa bệnh dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022. Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể tới tất cả các khoa, phòng trên toàn viện.
Theo đó, điều phối nhân lực, duy trì, siết chặt các biện pháp phòng chống dịch như sàng lọc, phân luồng, khai báo y tế 24/24h đối với tất cả người bệnh đến thăm khám ngay từ cổng bệnh viện.
Thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên COVID-19 cho tất cả người bệnh, người nhà bệnh nhân đến cấp cứu, đảm bảo phân luồng kịp thời các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, tránh dịch bệnh lây lan trong bệnh viện.
Mỗi người bệnh chỉ được bố trí một người chăm sóc trong suốt quá trình điều trị, người chăm sóc phải có kết quả xét nghiệm sàng lọc COVID-19 âm tính trong vòng 7 ngày; không cho người nhà vào thăm người bệnh.
Trong dịp Tết, các cán bộ y tế thường trực sẵn sàng tiếp nhận điều trị các trường hợp dương tính với COVID-19, quyết tâm không để trường hợp bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Đặc biệt, trong những ngày Tết Bệnh viện vẫn tiếp tục tổ chức xét nghiệm dịch vụ COVID-19, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại, sinh hoạt, làm việc của các cơ quan, đơn vị, cá nhân...
Bên cạnh đó, Bệnh viện đã cử 9 cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ thị xã Đông Triều điều trị bệnh nhân COVID-19 trong dịp Tết nguyên đán. Đồng thời phối hợp với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức thăm hỏi, động viên người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết nhất là các đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách…..
Ninh Bình: Tiếp tục thực hiện nghiêm "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân
Theo báo cáo của ngành Y tế, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có những diễn biến phức tạp và khó kiểm soát với số ca mắc tăng cao mỗi ngày. Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, ngành Y tế đã triển khai thực hiện phân tầng điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong đó, bệnh nhân không triệu chứng và mức độ nhẹ thực hiện điều trị tại các trạm y tế lưu động, khu cách ly của các huyện, thành phố. Bệnh nhân có nguy cơ, có triệu chứng điều trị tại các Phòng khám Đa khoa khu vực, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Bệnh nhân mức độ vừa và nặng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phổi. Hiện tại, ngành Y tế đáp ứng đủ số giường bệnh cho số bệnh nhân hiện đang điều trị, hệ thống oxy được cấp về các trạm y tế xã, phường, thị trấn...
Để hạn chế lây lan dịch trên diện rộng, đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm "5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác" với 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Đồng thời, chủ động ứng phó với biến chủng Omicron có thể xuất hiện trong dịp Tết Nguyên đán...
Để đảm bảo tốt nhất công tác khám chữa bệnh, thu dung, điều trị cho người bệnh và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong dịp nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình sẽ đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính, trực hậu cần và bảo vệ.
Ngoài việc trực 4 cấp 24/24h, bệnh viện bố trí đủ nhân lực chia 2 tua (từ ngày 29/1 đến ngày 6/2/2022) đảm bảo tiếp nhận, khám bệnh, cấp cứu, điều trị cho người bệnh thuộc mọi đối tượng đến khám chữa bệnh. Đảm bảo đầy đủ lượng máu, dịch truyền, trang thiết bị, đồ vải, trang phục cho người bệnh; đảm bảo đủ thuốc phục vụ người bệnh trong các ngày nghỉ Tết. Đặc biệt, đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Thành lập 2 tổ cấp cứu ngoại viện chia 2 tua; các đội cấp cứu ngoại viện chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra; khi có lệnh điều động của cấp trên, lực lượng này sẽ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 24/24h. Chủ động trong công tác chuẩn bị phương án thường trực, bố trí nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư để sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh, tai nạn hoặc ngộ độc thực phẩm với số lượng người bệnh lớn xảy ra tại cộng đồng.
Thái Bình: Đảm bảo môi trường khám chữa bệnh an toàn trong dịp Tết
Tại BVĐK tỉnh Thái Bình, công tác sàng lọc được thực hiện ngay từ đầu vào tại khoa Khám bệnh, thực hiện khám sàng lọc 24/24 tất cả bệnh nhân vào khoa Cấp cứu; người bệnh và người nhà người bệnh được test COVID-19 trước khi nhập viện; mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc; không tiếp nhận người đến thăm bệnh nhân.
Giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch COVID-19, phát hiện sớm, kịp thời khoanh vùng không để dịch lây lan ra cộng đồng. Triển khai các kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch có thể xảy ra.
Về hoạt động điều trị người bệnh COVID-19, Bệnh viện đã điều trị thành công cho 83 trường hợp bệnh nhân F0, chuyển nội tỉnh 16 trường hợp, chuyển tuyến trung ương 15 trường hợp trong đó có nhiều bệnh nhân nguy kịch được "cứu sống" một cách thần kỳ.
Song song với đó, BVĐK tỉnh Thái Bình bố trí các kíp trực luân phiên làm việc, đảm bảo công tác điều trị cho người bệnh COVID-19. Tăng cường nhân lực cho khoa Cấp cứu, thành lập 10 đội cấp cứu thường trực luôn sẵn sàng đáp ứng kịp thời các yêu cầu chuyên môn nội, ngoại viện khi được yêu cầu.
Vĩnh Phúc: Chủ động, sẵn sàng khám chữa bệnh, điều trị và cấp cứu ngoại viện kịp thời trong dịp Tết nguyên đán
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng phương án nhằm tăng cường các hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch COVID-19 trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần.
Bệnh viện dã chiến số 1 Vĩnh Phúc đã kích hoạt cơ sở 2 tại địa điểm Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm vận hành 2 cơ sở của bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Vĩnh Phúc.
Bệnh viện đã huy động tối đa nhân lực đảm bảo công tác điều trị được diễn ra thuận lợi. Công tác hậu cần phục vụ phòng, chống dịch bệnh được chú trọng. Bệnh viện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực về thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 cho nhân viên y tế, đảm bảo mọi cán bộ có thể nhận nhiệm vụ công tác tại Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Vĩnh Phúc khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Bệnh viện tiếp tục duy trì hoạt động của khu cách ly, khu khám bệnh hô hấp cấp tính tại Bệnh viện. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám và khám chữa bệnh từ xa.
Về công tác khám chữa bệnh và điều trị trong dịp Tết Nguyên đán, chủ động, sẵn sàng khám bệnh, chữa bệnh trong Bệnh viện và cấp cứu ngoại viện kịp thời; Bảo đảm trực đầy đủ 4 cấp: Trực lãnh đạo; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần; trực bảo vệ - tự vệ; Duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh: Dự trữ đầy đủ oxy y tế, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; có phương án dự phòng, chuẩn bị cơ sở điều trị khi dịch xảy ra trên diện rộng…
Tổ chức thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú nhất là người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong dịp Tết Nguyên đán, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân thực hiện chuỗi chương trình "Tết an vui", "Chuyến xe yêu thương - đưa người bệnh về quê đón Tết".
Phú Thọ: Chung sống an toàn với dịch bệnh nhưng không chủ quan, lơ là, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ số ca F0 những ngày gần đây liên tục tăng cao, trong đó nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, có nguồn gốc từ các trường hợp đến, trở về tỉnh. Trên tinh thần chung sống an toàn với dịch bệnh nhưng không chủ quan, lơ là, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, gây quá tải hệ thống y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Công điện số 1/CĐ-CT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, tuyên truyền đến toàn thể người dân nhằm nâng cao tinh thần tự giác, tích cực chung tay thực hiện một số biện pháp chủ động phòng, chống dịch như: Người trở về tỉnh phải thực hiện khai báo y tế, tự xét nghiệm và phải trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình khai báo.
Trường hợp xét nghiệm âm tính thì tuân thủ 5K và hoạt động bình thường. Trường hợp xét nghiệm dương tính và không có triệu chứng thì thực hiện tự cách ly, điều trị tại nhà, nếu không đủ điều kiện thì chuyển đến Cơ sở cách ly tập trung của tỉnh tại Trung đoàn 753, xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê để được cách ly, theo dõi. Bệnh viện dã chiến của tỉnh chỉ thu dung, điều trị các trường hợp F0 có triệu chứng nặng hoặc các trường hợp có chỉ định của Sở Y tế.
Trước mắt, tỉnh Phú Thọ tạm dừng hoạt động các Bệnh viện dã chiến tuyến huyện; ưu tiên tối đa điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà, nơi cư trú; thành lập, củng cố, tăng cường hoạt động của các trạm y tế lưu động, Tổ theo dõi điều trị F0 tại nhà để đảm bảo các F0 được cấp phát thuốc kịp thời, được giám sát theo dõi và điều trị theo đúng quy định.
Sở Y tế chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị; đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng ôxy y tế, hóa chất, sinh phẩm và các cơ sở vật chất liên quan khác, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân phù hợp theo các tầng điều trị. Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng trực, phương tiện xe cứu thương để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là trong dịp Tết nguyên đán.
Bắc Giang: Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất
Theo Kế hoạch UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản đã được phê duyệt; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết.
Tập trung xử lý các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn, khoanh vùng, cách ly, phân luồng, xử lý triệt để ổ dịch theo đúng hướng dẫn. Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị, khu công nghiệp, các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, không để lây lan ra cộng đồng.
Thái Nguyên: Tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại của người dân gia tăng, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các địa phương không tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện tập trung đông người, hạn chế đến mức tối đa việc tổ chức, tham dự các nghi lễ tôn giáo, tiệc tất niên, tân niên...
Các địa phương phải có giải pháp phòng, chống dịch tại những địa điểm công cộng tập trung đông người, quản lý chặt chẽ khu vực bến xe, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, những điểm bán hàng dịp Tết nguyên đán... ; sẵn sàng tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị, địa phương, khu vực theo phương án, kịch bản đã xây dựng đảm bảo an toàn, khoa học, linh hoạt, hiệu quả.
Trong đó, tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch và tạm dừng hoạt động đối với những cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân từ các tỉnh, thành phố khác khi đến/trở về tỉnh cần nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, chủ động khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe; trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 (như: Sốt, ho, khó thở... ) phải hạn chế tiếp xúc và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, lấy mẫu xét nghiệm SARS- CoV- 2 và xử trí theo quy định.
Bắc Ninh: Sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh và phòng chống dịch COVID-19 trong những ngày Tết
Trước diễn biến của dịch COVID-19, để chủ động đáp ứng với từng tình huống của dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định thay đổi công năng các trung tâm y tế, Bệnh viện Phổi để triển khai tiếp nhận, điều trị người bệnh mắc COVID-19 có triệu chứng vừa, nặng, đồng thời thành lập Cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID - 19 tại khu ký túc xá Vigracera (Yên Phong) với quy mô 2.500 giường để tiếp nhận người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; triển khai 16 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại cộng đồng và triển khai quản lý F0 tại nhà.
Ngành Y tế cũng thiết lập mạng lưới tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 cách ly tại nhà, với 72 bác sĩ thuộc Sở Y tế và các đơn vị trong ngành trên các trang mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Sở Y tế, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, liên hệ khi cần thiết.
Để chủ động triển khai công tác y tế, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả dịch COVID-19, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị bố trí cán bộ thường trực trong dịp Tết, lập danh sách, số điện thoại cụ thể của từng cán bộ trực hằng ngày, niêm yết tại các khoa, phòng, sẵn sàng làm nhiệm vụ cấp cứu, khám chữa bệnh và phòng, chống dịch khi được huy động; kiện toàn đội phản ứng nhanh, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, thiết bị, phân công cán bộ trực dịch 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết; tăng cường giám sát, cập nhật tình hình dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán; thiết lập và kiện toàn các Trạm Y tế lưu động, Tổ Chăm sóc người nhiễm COVID-19 cộng đồng, quản lý điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà và sẵn sàng triển khai công tác chuyên môn khi có các tình huống xảy ra trong dịp Tết.
Song song với đó, các đơn vị sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị người bệnh và phòng chống dịch COVID-19 trong những ngày Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị dẫn đến bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong trong dịp Tết... đặc biệt chú ý thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán.
Cùng với các hoạt động phòng, chống dịch, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực COVID-19, thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải cách ly, điều trị.