Sự sống tiếp tục nảy mầm sau nỗi đau COVID-19

31-01-2022 09:00 | Y tế

SKĐS - Không khí Xuân bắt đầu gõ cửa, những "phận đời" ở TP.HCM gác lại câu chuyện mưu sinh. Họ bắt đầu tỉ mẩn lựa từng bông cúc vàng, cành mai để dâng lên nơi thờ tự. Họ đang chuẩn bị đón Tết an lành giữa một thành phố kiên cường, mạnh mẽ.

Gạt nỗi đau để viết tiếp giấc mơ...

Khi khoảnh khắc chạm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chỉ còn tính bằng giờ, dòng người trên những con phố ở TP.HCM bắt đầu hối hả. Các tuyến phố khoác trên mình những sắc hoa, đèn màu cùng hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng. Bên trong khu chợ dân cư nằm sát bên phố Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM), anh Nguyễn Xuân Hải (38 tuổi, ở phường 6, quận 8) tất bật mua sắm cho ngày Tết. Vừa chọn được chậu quất cảnh, anh Hải không quên lựa thêm một bó hoa cúc vàng để cúng ngày tròn 4 tháng vợ "ra đi".

Gia đình anh Nguyễn Xuân Hải là một trong hàng ngàn gia đình ở TP.HCM có người thân "ra đi" vì COVID-19. Vợ của anh Hải mất khi đang mang bầu con trai thứ hai. Là người trực tiếp đón tro cốt và nhang đèn cho vợ, ngay sau khi TP.HCM bước vào giai đoạn "bình thường mới", anh Hải và bé Tùng (con trai) đã đưa tro cốt của vợ về quê nhà Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) yên nghỉ. Bây giờ, bé Tùng đã lớn, đã ý thức được việc mẹ ra đi mãi mãi vì COVID-19 nên vào mỗi buổi chiều, bé không còn ngóng mẹ "đi công chuyện" nữa.

Anh Nguyễn Xuân Hải và bé Tùng nhận món quà từ chính quyền địa phương.

Anh Nguyễn Xuân Hải và bé Tùng nhận món quà từ chính quyền địa phương.

Trong căn nhà nhỏ chỉ có hai bố con, anh Hải tất bật hơn cả. Cứ 6 giờ sáng, anh mở cánh cửa sắt hoen gỉ để lấy đồ ăn sáng. Hôm thì có gói xôi, bánh rán, ổ bánh mỳ hay đôi khi là một bữa cơm sáng nóng hổi. Mang đồ ăn sáng vào nhà, anh vừa gọi bé Tùng dậy, vừa tranh thủ bày hàng tạp hóa ra trước cửa để phục vụ người dân.

Hôm nay cũng là ngày cúng cơm tròn 4 tháng mẹ của bé Tùng ra đi, anh Hải cẩn thận lựa từng nhành cúc vàng, trái cam, đơm từng bát cơm trắng, ly nước bày lên bàn thờ. Từ khi vợ mất, những việc vốn dĩ thuộc về người phụ nữ trong gia đình thì anh Hải làm một cách tỉ mẩn, thuần thục.

Bây giờ, bố con anh Hải thay đổi hoàn toàn thói quen sinh hoạt. Từ ít súc họng, xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thì nay bố con anh cẩn thận và chỉn chu hơn cả.

Tết năm nay, anh đặt 5 chiếc bánh chưng vuông để dâng lên bàn thờ gia tiên. Trước thềm Xuân mới, những gói kẹo, hộp bánh, lá trầu quả cau cùng cành đào nhỏ đã được anh chuẩn bị tươm tất.

Cái Tết đầu tiên chỉ có hai bố con, anh Hải và bé Tùng không tránh khỏi cảm giác trống vắng. Song, anh lại cảm thấy mình may mắn hơn cả vì COVID-19 đã chừa anh ra, để anh có thể tự tay lo cho con trai nhỏ.

Khu phố Phạm Thế Hiển nhà san sát, cứ chiều chiều, người dân khu phố không còn thấy bé Tùng tựa mạn cửa, hướng mắt ra phía đầu hè chờ mẹ "đi công chuyện" trở về nữa. Họ cũng không còn thấy người đàn ông chạm tứ tuần bần thần, lầm lũi nữa... Ở đó, có người đàn ông đang vệ sinh nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc để chuẩn bị đón Tết. Họ thấy bố con anh Hải cùng giăng lên mái hiên lá cờ đỏ sao vàng. Anh Hải đã gạt nỗi đau để đứng dậy, viết tiếp ước mơ về một tương lai tươi sáng với bé Tùng...

Bà Lạo và những đêm cầu nguyện cho thành phố bình an

Những ngày năm mới cận kề, TP.HCM vẫn có nhiều ca mắc COVID-19 nhưng số ca khỏi bệnh cũng tăng lên, đã làm dấy lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Giống như bà Nguyễn Thị Lạo (78 tuổi, tạm trú tại ngõ 1041/233 đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Quận 7). Ở tuổi "gần đất xa trời", từng là F0 phải trải qua những ngày theo dõi, điều trị trong khu cách ly, bà Lạo thấy tình người trong tâm dịch sao mà quý giá. Khi được trở về xóm "ngụ cư" nghèo của ông Chiều (chủ xóm trọ - PV), bà Lạo muốn làm điều gì đó tốt hơn cho nhân thế.

Bà Lạo sinh ra trong gia đình có 3 chị em. Ngày còn nhỏ, bà theo bố mẹ chạy ghe (thuyền) lênh đênh trên mặt nước. Khi lớn lên, bà cũng giống như bao thôn nữ khác là được dựng vợ, gả chồng với người mình yêu thương. Thế nhưng, theo thời gian, chồng và 3 con cũng dần bỏ đi... Bà Lạo chỉ còn biết lấy những ngày qua lại nơi cửa chùa để làm niềm an ủi, vượt lên những nỗi đau mà số phận đã an bài.

Gần 80 tuổi, bà Lạo vẫn thoăn thoắt đôi tay với đường chỉ may.

Gần 80 tuổi, bà Lạo vẫn thoăn thoắt đôi tay với đường chỉ may.

Những ngày giáp Tết, bà vẫn cần mẫn may vỏ gối trong căn phòng trọ chưa đầy 10 mét vuông. Ðơn hàng ngày Tết tăng hơn so với những ngày trong năm, bà vất vả hơn nhưng trong lòng lại ấm áp lạ thường. Bởi từ nguồn cung vỏ gối cho các sư cô nơi cửa chùa, bà có một cái Tết trọn vẹn hơn.

Nghĩ đến đây, bà Lạo ngồi dậy, lật đật nấu cho mình một bát mỳ tôm trứng cho bữa xế chiều. Bà đã ăn thật ngon. Nhắc đến sức khỏe, bà chỉ ngón tay trỏ hướng lên trần nhà, bảo: "Hãy trân trọng cuộc đời này trong những ngày còn được sống. Ðừng quan tâm hời hợt, cũng đừng tranh đoạt hơn thua, hãy nhấc điện thoại lên để hỏi thăm những người thân và hơn hết là hãy dành thời gian cho gia đình".

Khi không khí Xuân bắt đầu gõ cửa, cũng là lúc chính quyền địa phương cùng những nhà hảo tâm có mặt tại khu trọ, gửi đến bà Lạo tấm bánh chứa đầy tình thương. Những tấm bánh ấy đã được bà nâng niu sắp đặt lên nơi thờ tự linh thiêng cùng nhánh mai vàng giản đơn, đón một Tết an lành giữa một thành phố kiên cường, mạnh mẽ. 

Dù những nỗi đau lần lượt đến với bà trong một kiếp nhân sinh nhưng bà vẫn vô cùng lạc quan rằng: "Thế cũng đủ rồi, giờ cứ may vá ngày nào qua ngày đó thôi. Trời thương là bây giờ mắt tôi tinh lắm, đọc sách, dập máy khâu hay luồn kim chỉ chẳng cần dùng đến kính lão. Còn đến lúc không làm được nữa, có Nhà nước lo... Tôi cũng chạm tuổi bát tuần rồi mà...".

Video đang được quan tâm

Những điều người cao tuổi cần nắm rõ trước và trong khi đi tiêm vaccine phòng COVID-19

Bảo Loan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn