Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca COVID-19 khỏi bệnh của ngày 30/1 tức 27 Tết là 55.018 (nhiều gấp gần 5 lần số ca khỏi của ngày 29/1), nâng tổng số F0 đã khỏi bệnh của Việt Nam đến nay lên 2.017.615 ca.
Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, trong thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng điều trị người bệnh COVID-19 như liên tục cập nhật các phác đồ điều trị; Đưa vào sử dụng nhiều thuốc mới, thuốc kháng thể đơn dòng, kháng thể kép, thuốc kháng virus... trong phác đồ điều trị, lập các Trung tâm hồi sức COVID-19 người bệnh COVID-19, đưa chuyên gia, bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới hỗ trợ công tác điều trị.
Mới đây nhất, ngày 28/1, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19", thay thế cho hướng dẫn ban hành trước đó tại Quyết định 4689 ngày 6/10/2021 và Quyết định số 5666/QĐ-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT. Đây là phiên bản phác đồ điều trị thứ 8 của Bộ Y tế.
Tại hướng dẫn mới nhất này Bộ Y tế tiếp tục nhấn mạnh phổ bệnh của COVID-19 đa dạng từ người nhiễm không có triệu chứng, có các triệu chứng nhẹ cho tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) nhiễm khuẩn huyết suy chức năng đa cơ quan và tử vong.
Người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm sẽ có nguy cơ diễn biến nặng nhiều hơn.
Ngoài ra, tại các Trung tâm hồi sức, cơ sở điều trị COVID-19 khác, lực lượng y bác sĩ đang căng mình điều trị, cứu chữa bệnh nhân.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu trong phân tầng điều trị cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tầng để không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi chưa cần thiết, nhưng cũng tránh tình trạng chủ quan, khiến bệnh nhân chuyển đến tầng 3 muộn.
Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển của bệnh để phân luồng vào các khoa, buồng bệnh phù hợp, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, điều trị...
Đối với công tác điều trị F0 trong cộng đồng, tại nhà, Bộ Y tế đẩy mạnh và liên tục mở rộng Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ. Theo đó, đến nay đã có hơn 450.000 liều thuốc Molnupiravir được Bộ Y tế phân bổ cho 53 địa phương trong Chương trình thí điểm này.
Bộ Y tế cũng có văn bản đề nghị các địa phương yêu cầu trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời.
Cùng đó, Bộ Y tế liên tục yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thực hiện chiến dịch "bảo vệ đối tượng nguy cơ", rà soát, tổ chức tiêm vét, tiêm tại nhà vaccine phòng COVID-19 các trường hợp chưa tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, chưa tiêm đủ liều, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền... hạn chế, khó khăn về đi lại để tiêm vét.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mùa Xuân 2022 - tiêm chủng xuyên Tết cũng đã được diễn ra từ ngày 29/1 và kéo dài đến 28/2/2022 cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm.
Bộ Y tế đã có văn bản khẩn đề nghị các địa phương tiếp tục tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 01/2022, tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022, không để sót đối tượng, đặc biệt là người có nguy cơ cao.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, so với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 4,1%, số tử vong giảm 13,8%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 7,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 13,9%.
So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 21,2%, số ca tử vong giảm 7,5%, số ca khỏi bệnh tăng 6,2%, nguy kịch giảm 11,6%.
So sánh giữa tháng 01/2022 và tháng 12/2021, số ca tử vong/100.000 dân của tháng 01/2022 ghi nhận là 5 ca (giảm 2 ca so với tháng trước).