Hà Nội

Nắng nóng, ăn uống thế nào để tránh ngộ độc

02-06-2015 09:51 | Đời sống
google news

TS.BSCKII.Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc: "Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn, có mùi vị lạ bất thường, hoặc bị ôi thiu…".

Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, trong đó có ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm (hay còn được gọi ngộ độc thức ăn) là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống và cũng là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia....

TS.BSCKII.Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hàng ngày, Trung tâm Chống độc vẫn thường tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị. Trung bình mỗi ngày có khoảng từ 12 đến 18 bệnh nhân đến trung tâm, trong đó từ 3 đến 6 người bị ngộ độc thực phẩm (chiếm 1/3 số lượng bênh nhân đến khám). Tuy nhiên, vào những ngày thời tiết nắng nóng, lượng bệnh nhân đến khám tăng hơn ngày thường.

Bệnh nhân bị ngộ độc đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

TS.BSCKII.Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi điều trị cho rất nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, từ ngộ độc thực phẩm do thức ăn bị nhiễm khuẩn đến ngộ độc do những sinh vật gây nên (cá nóc, dứa, ong đốt) hay ngộ độc do hóa chất bảo vệ thực vật. Hiện nay, tình trạng người bán hàng thường dùng thuốc kích thích tăng trưởng để ngâm giá đỗ, thuốc ngâm hoa quả để nhanh chín nhiều vô kể. Điều này rất nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng”.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Theo các chuyên gia y tế, sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, có thể sau một vài ngày), người bệnh thấy đột ngột có những triệu chứng lâm sàng như: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể có máu) có thể không sốt hay sốt cao trên 38oC.

Khi nhận biết người bệnh bị ngộ độc thực phẩm, cần nhanh chóng có các biện pháp sơ cứu ngay sau đây:

- Nhanh chóng tìm biện pháp đẩy chất độc ra ngoài cơ thể như nôn, dùng tay kích thích họng đẩy thức ăn và chất độc ra ngoài. Lưu ý, chỉ gây nôn khi bệnh nhân còn tỉnh và khi nôn cần để đầu bệnh nhân cúi thấp hơn ngực, tránh để sặc vào phổi. Trẻ 6 tuổi trở lên mới được gây nôn, đối với trẻ còn bé quá không nên gây nôn vì rất nguy hiểm đến tính mạng.

- Bổ sung nước điện giải kịp thời vì người bị ngộ độc thường mất khá nhiều nước do nôn, đi ngoài nhiều lần. Có thể bổ sung bằng nước lọc pha thêm muối (1 lít nước pha thêm 2 thìa cà phê muối tương đương khoảng 10 gr muối), uống oresol hay nước hoa quả…

Các biến chứng nghiêm trọng phổ biến nhất của ngộ độc thực phẩm là mất nước và mất muối (có cả muối và các khoáng chất thiết yếu). Đối với trẻ sơ sinh, người già và những người có hệ miễn dịch kém hoặc bệnh mãn tính thì cơ thể trở nên rối loạn nước và điện giải nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp đó, có thể cần phải được nhập viện và được truyền bù nước và điện giải. Trong trường hợp mất nước nặng có thể gây tử vong.

- Sau khi sơ cứu mà tình trạng không tiến triển, chúng ta cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ chăm sóc y tế.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày hè

Trong những ngày hè, nhiệt độ cao, độ ẩm cũng cao. Môi trường này là điều kiện rấ́t tốt cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn tới ô nhiễm hoặc làm cho thức ăn dễ ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Vì vậy, chúng ta nên lưu ý đến các biện pháp phòng ngừa sau đây:

Nên lựa chọn thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng. Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình. Cần đảm bảo vệ sinh khâu chế biến thực phẩm. Rửa rau quả dưới vòi nước chảy trước khi nấu, chế biến và gọt vỏ trước khi ăn. Đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải sạch sẽ.

TS.BS Sơn cũng đưa ra dẫn chứng một vụ ngộ độc rất thương tâm xảy ra cách đây 10 năm ở Thuận Thành, Hà Bắc (nay là Bắc Ninh) do quá trình chế biến thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Vụ việc đó đã làm cho 4 người trong một gia đình chết do ăn món bắp cải luộc (do không rửa kỹ các lá bắp cải và lõi bắp cải bị ngấm thuốc diệt chuột gây co giật).

TS.BS Sơn cho biết, nhiều người cứ lầm tưởng ở bên trong bắp cải (lõi bắp cải) là sạch nên không cần rửa nhiều. Tuy nhiên, họ đâu biết rằng: những người trồng bắp cải thường nhét thuốc diệt chuột ở lõi bắp cải khi cây còn bé để phòng tránh chuột. Khi bắp cải lớn, lõi bắp cải đó cuộn lại và hiển nhiên thuốc diệt chuột vẫn còn nằm ở bên trong. Đến khi người mua không biết để rửa sạch thế là bị nhiễm phải thuốc diệt chuột sinh ra ngộ độc.

Cũng theo bác sĩ Sơn, chúng ta phải luôn luôn rửa sạch tay thật kĩ trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với các loại thú, vật nuôi. Cần phải nấu chín kĩ thức ăn trước khi ăn. Thịt phải chuyển sang màu nâu đỏ hoàn toàn, tuyệt đối không ăn thịt còn màu đỏ hồng. Các thực phẩm để dành, nếu để ngoài tủ lạnh thì không để quá 4 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn. Cất giữ thịt và cá chưa chế biến trong bao kín và giữ trong ngăn đá của tủ lạnh; giữ các loại thực phẩm dễ ôi thiu ở nhiệt độ dưới 50C.

TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo thêm: Nhiều người cứ lầm tưởng rằng, tủ lạnh là nơi bảo quản thức ăn rất tốt nhưng không hoàn toàn như vậy, tủ lạnh chính là nơi chứa vi khuẩn nếu chúng ta không biết cách sử dụng. Chỉ nên để thức ăn trong tủ lạnh trong vòng từ 1- 3 ngày. Nếu để thức ăn lâu trong tủ lạnh sẽ làm cho nó biến chất và không ngon. Nếu để lẫn thức ăn chín và sống trong tủ lạnh cũng rất nguy hiểm vì thức ăn chín sẽ bị nhiễm khuẩn. Lý tưởng nhất là chúng ra nên để tủ đựng thức ăn sống riêng.

Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn, có mùi vị lạ bất thường, hoặc bị ôi thiu, nổi nấm mốc....Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác. Động vật thường chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền qua đường thực phẩm. Cách tốt nhất bạn nên bảo quản thực phẩm bằng các vật chứa được đóng kín.

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn