Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm: Vì sao?

20-05-2015 15:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 20/5, Cục An toàn thực phẩm cho hay, trong thời gian qua, ở một số địa phương đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đe doạ đến sức khoẻ cộng đồng.

 

Ngày 20/5, Cục An toàn thực phẩm cho hay, trong thời gian qua, ở một số địa phương đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đe doạ đến sức khoẻ cộng đồng.

Đa số xảy ra tại các khu công nghiệp

Mới đây, tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), hàng trăm công nhân đã trải qua một phen hốt hoảng. Sau bữa ăn sáng tập thể tại công ty gồm các món bún gà, bún bò, dưa hấu…, hàng loạt công nhân đã bị đau bụng, vật vã phải nhập viện cấp cứu.

Tuy nhiên, đây không phải là vụ ngộ độc tập thể duy nhất trên địa bàn TP Hà Nội. Bới cách đó chưa lâu, hơn 100 công nhân của một công ty trong khu công nghiệp Chương Mỹ sau khi dùng bữa trưa thì bị đau bụng, nôn mửa phải nhập viện cấp cứu. Cơ quan chức năng xác định “thủ phạm” chính là món canh rau ngót nhiễm khuẩn lỵ.

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục công nhân phải nhập viện

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục công nhân phải nhập viện

Tại khu vực phía Nam, mới đây xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến gần 300 công nghiệp trong khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) phải đi cấp cứu là hồi chuông báo động cho nhà chức trách và cộng đồng. Sau bữa cơm chiều với các món gà kho sả, rau cải luộc và canh bí để chuẩn bị vào ca thì đến tối và sáng hôm sau, hàng loạt công nhân đau bụng, nôn, tiêu chảy… Số công nhân ngộ độc vào viện cấp cứu nhiều đến nỗi bệnh viện tuyến huyện không lo xuể, ngành y tế TP HCM phải khẩn cấp điều động nguồn lực từ nhiều bệnh viện tuyến trên về tham gia công tác cứu người. Chỉ sau đó một ngày, hơn 100 công nhân tại khu công nghiệp Tân Hương (tỉnh Tiền Giang) cũng “dính” ngộ độc thực phẩm.

Cảnh báo nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm

Theo TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng An toàn thực phẩm, trong thời gian qua, ở một số địa phương đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đe doạ đến sức khoẻ cộng đồng. Nguyên nhân chính do không bảo đảm vệ sinh trong chế biến, bảo quản thực phẩm; việc sử dụng nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh; các hoạt động vận chuyển, giết mổ, chế biến và sử dụng gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, gia cầm chưa kiểm soát được triệt để. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N6 đang có biểu hiện tái xuất hiện, xuất hiện

Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa hè, phòng chống ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, bữa ăn đông người và phối hợp phòng chống có hiệu quả nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác có thể lây lan sang người, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế, các Sở, ban ngành chức năng, UBND các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội tăng cường thông tin, tuyên truyền về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm. Lồng ghép nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp phòng chống có hiệu quả đối với cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N6 và các loại cúm gia cầm khác cho cộng đồng.

 

Rửa tay là một trong những cách để đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch bệnh

Rửa tay là một trong những cách để đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch bệnh

Đồng thời Cục ATTP cũng lưu ý các địa phương cần tăng cường kiểm soát ATTP đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể và kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; việc chấp hành các quy định về ATTP trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm, tại các bếp ăn tập trung, cơ sở chế biến suất ăn sẵn tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, trường mẫu giáo, trường mầm non. Phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai các hành vi, các cơ sở và sản phẩm vi phạm quy định an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lư­ợng thường trực, phương tiện, hoá chất, vật tư để phối hợp tham gia phòng chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh cúm gia cầm khi xảy ra

 

Các biện pháp bảo đảm ATTP như:

- Tuyệt đối không giết mổ và ăn thịt gia cầm ốm bệnh, gia cầm chết, gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; không ăn tiết canh, thức ăn còn sống, tái được chế biến từ gia súc, gia cầm;

- Rửa tay bằng xà phòng khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; hạn chế tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt không tiếp xúc với gia cầm và người nhiễm bệnh khi không có nhiệm vụ, không cho trẻ em tiếp xúc hoặc chơi ở khu vực chăn nuôi, nhốt giữ gia cầm;

- Thực hiện, duy trì tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn thả gia súc, gia cầm; sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y an toàn theo quy định;

- Bảo đảm vệ sinh trước, trong và sau khi giết mổ; sử dụng thớt riêng để sơ chế, chế biến thịt sống và thịt chín; đeo khẩu trang, găng tay khi phải tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ bị bệnh; rửa tay bằng xà phòng và thay sử dụng trang phục bảo hộ lao động sau khi tiếp xúc với gia cầm.

 

Thái Bình

 

 

 


Ý kiến của bạn