Mỹ: 50.000 bằng tiến sĩ giả được bán ra mỗi năm

21-09-2017 09:54 | Quốc tế
google news

SKĐS - Những uẩn khúc xung quanh văn bằng tiến sĩ của một cán bộ cao cấp là một nhắc nhở về tình trạng bằng rởm-có người xem là "khủng hoảng" trong giáo dục cấp đại học trên thế giới.

Thị trường bằng cấp giả trên thế giới lên đến hàng tỉ USD

 

Tồn tại bên cạnh và song song với các đại học chính thống là các cơ sở chuyên kinh doanh bằng cấp "rỏm", hiểu theo nghĩa bằng cấp không được các cơ quan kiểm định giáo dục công nhận. Theo một thống kê, trên thế giới có hơn 3300 đại học không được công nhận, đại đa số trong nhóm này chỉ đơn giản là cơ sở bán bằng cấp chứ chẳng đào tạo hay liên quan gì đến học thuật. Các văn bằng họ bán đủ cấp, từ cử nhân, cao học đến tiến sĩ, thuộc các ngành từ luật, y khoa đến quản trị kinh doanh.

Các thương vụ bán bằng cấp không phải là mới. Ngay từ thập niên 1920 ở Mỹ, đã có hàng tá công ty chuyên bán bằng cấp ở New York. Đến năm 1950, Mỹ đã có khoảng 1000 trường học và cao đẳng đáng ngờ hay hoàn toàn giả tạo. Đến năm 1985-1986, có thống kê cho thấy khoảng 500 ngàn người Mỹ dùng bằng giả, và điều đáng sợ là trong số này có đến hơn 5000 bằng cấp y khoa! Theo hai tác giả Ezell và Bear, Quốc hội Mĩ ước tính rằng năm 1986 có hơn 5000 bác sĩ hành nghề ở Mỹ mua bằng cấp giả từ các cơ sở bán bằng cấp. Con số này đến nay chắc chắn là cao hơn nhiều.

Nhưng cũng có những trường hợp hi hữu khi chủ nhân của những bằng giả này lại là gia cầm như chó, mèo, vì chủ chúng muốn cho chúng có bằng cấp!

Các cơ sở kinh doanh bằng cấp được gọi chung là "Diploma Mill" hay "Degree Mill" (tức những lò cấp bằng). Một mẫu số chung của các sơ sở kinh doanh giáo dục này là họ chẳng có chương trình học thuật hay đào tạo nào nghiêm chỉnh cả, chẳng có các giáo sư hay giảng viên có tiếng giảng dạy, vì họ tồn tại chỉ để ... bán bằng cấp. Mà, bằng cấp do các cơ sở kinh doanh này cũng chẳng được đại học chính thống nào công nhận.

Một đặc điểm khác là các cơ sở kinh doanh bằng cấp hay nhái tên các trường đại học nổi tiếng. Trường Đại học Sheffield ở Anh bị nhái thành "Suffield University", để đọc lên nghe giống như trường chính thống! Đại học Nam California (University of Southern California hay USC) là một trường lâu đời và nổi tiếng, cũng bị các cơ sở buôn bán bằng cấp nhái thành "Southern California University". Điều này làm cho rất nhiều người ở ngoài Mĩ hay không làm trong môi trường đại học lẫn lộn và không phân biệt được đâu là trường thật và đâu là trường "dỏm." Tuy nhiên, trong giới học thuật thì họ chỉ cần nhìn qua tên trường là có thể nhanh chóng nhận ra thật hay dỏm, bởi vì các cơ sở buôn bán bằng cấp chẳng bao giờ có tên trong các bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt.

 

Bằng giả được bày bán công khai trên các website trên mạng

Bằng giả được bày bán công khai trên các website trên mạng

 

Ngoài các yếu tố trên, còn có một số tín hiệu khác cũng có thể giúp phân biệt cơ sở kinh doanh bằng cấp và đại học chính thống. Các cơ sở bán bằng cấp tuy tự xưng là "đại học" hay "cao đẳng" nhưng không được cơ quan Nhà nước công nhận, hoặc trường tự nhận là được công nhận nhưng cơ quan công nhận thì dỏm. Khi khách hàng ghi danh họ thường đòi thẻ tín dụng (credit card). Khi thí sinh được nhận vào "học" không qua thi, chẳng qua thành tích học tập trong quá khứ, mà chỉ qua "kinh nghiệm". Thí sinh được hứa hẹn có bằng cấp trong một thời gian ngắn, và không phải học toàn thời gian. Website của "trường" thường không có mục "faculty", chẳng có danh sách các giảng viên và giáo sư. "Trường" có tên trong danh sách các trường dỏm (Bogus University Directory) do Glen Wood thu thập.

Theo hai tác giả John Bear và Allen Ezell (tác giả cuốn sách "Degree Mills: The Billion-dollar Industry"), thị trường bằng cấp giả lên lên hàng tỉ USD. Ở Mỹ, mỗi năm, số bằng tiến sĩ các cơ sở kinh doanh bằng cấp bán ra bằng hoặc cao hơn số bằng tiến sĩ các đại học chính thống cấp. Thật vậy, Bear và Ezell ước tính rằng các cơ sở kinh doanh bằng cấp bán khoảng 50,000 bằng tiến sĩ mỗi năm, trong khi đó các đại học chính thống Mĩ cấp bằng cho khoảng 40,000 đến 45,000 người. Có một cơ sở kinh doanh bằng cấp của Mĩ có văn phòng ở Âu châu, Trung Đông, đã bán hơn 450,000 bằng cử nhân, cao học, và tiến sĩ, và thu nhập của cơ sở này là 450 triệu USD!  Một cơ sở khác có tên là "Columbia State University" ở California, nhưng giả bộ ở bang Louisiana, bán bằng tiến sĩ qua bưu điện với cái giá 3000 USD, và trong vòng 4 năm kinh doanh đã có thu nhập khoảng 72 triệu USD.

 

Cuốn sách "Degree Mills: The Billion-dollar Industry" (Lò đào tạo bằng dởm: thị trường tỉ đô) của hai tác giả John Bear và Allen Ezel

 

Khách hàng của các cơ sở kinh doanh bằng cấp không chỉ từ các nước tiên tiến như Mỹ và Âu châu, mà còn ở các nước phát triển. Riêng ở Việt Nam, có lẽ xuất phát từ qui định về bằng cấp như là điều kiện để thăng quan tiến chức , nên nhu cầu bằng cấp khá lớn. Trước đây đã xảy ra những trường hợp các quan chức mua bằng từ các cơ sở bán bằng cấp bên Mỹ. Ngay cả một số đại học lớn của Việt Nam cũng liên kết "đào tạo" với các cơ sở kinh doanh bằng cấp bên Mỹ để cấp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh cho các khách hàng Việt Nam.

Đa số các bằng cấp được bán ra là thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh (business administration), và bằng cấp được ưa chuộng là bằng cao học (MBA). Có lí giải cho rằng người có bằng MBA chẳng gây tác hại bao nhiêu, chỉ đáng ngại khi người mua bằng giả để hành nghề y khoa. Nhưng trong thực tế thì bằng cấp giả, bất cứ lĩnh vực nào, cũng có thể gây tác hại lâu dài. Ở Việt Nam, đã có vài trường hợp người mua bằng cao học từ các cơ sở kinh doanh bằng cấp làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Không ai biết chính xác có bao nhiêu người ở Việt Nam mua bằng cấp từ các cơ sở "Degree Mill", nhưng con số chắc chắn lên đến hàng vạn.


Gs.Ts Nguyễn Tuấn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn