Bài 2: Những bằng chứng nối tiếp bằng chứng
Việc mua bán bằng tốt nghiệp ngành y, dược mang lại sự nguy hiểm gấp vạn lần so với những ngành khác bởi liên quan đến sinh mạng con người. Thêm một bằng chứng tố cáo việc ông Lê Văn Phúc cấu kết với Hồ Quang Hải bán bằng Đại học Y, Dược giả nhằm chạy ra Chứng chỉ hành nghề thật. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu còn có ai nữa sau hai nhân vật này?
Thêm một nạn nhân tố cáo ông Lê Văn Phúc
Ngay sau khi Bài 1: Những tình tiết chưa được làm rõ... của loạt bài điều tra Lật lại hồ sơ vụ án “Phá đường dây mua bán bằng giả”, phóng viên báo SK&ĐS nhận được tờ tường trình của ông Lê Văn Phúc gửi Ban lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM. Trong đó, ông Phúc phủ nhận hoàn toàn sự việc mình đã nhận tiền của anh Phan Thanh Long cho việc mua bằng đại học và chạy chứng chỉ hành nghề cho anh Long. Tuy nhiên, ông Phúc không hề giải thích tại sao lại có chuyện ba vợ của anh Long là ông N.M.P chuyển cho 70 triệu đồng vào ngày 8/1/2011? Và việc chuyển tiền này nhằm mục đích gì? Ngay sau đó, SK&ĐS nhận được tờ tường trình khác của anh Ngô Tấn Đạt thuật lại sự việc anh đã mua bằng đại học dỏm và chứng chỉ hành nghề thật từ ông Lê Văn Phúc như thế nào. Theo đó, vào khoảng năm 2009, trong khi đi làm từ thiện với CYT (Chi hội Y tế Từ thiện) của Hồ Quang Hải, anh Đạt có quen biết một người tên là Lê Văn Phúc đang làm việc tại Sở Y tế TP.HCM. Sau một thời gian quen biết, Phúc có nói với anh Đạt là có muốn làm bằng Dược sĩ Đại học không, để Phúc làm cho. Lúc đó do không suy nghĩ chín chắn nên anh Đạt đã đồng ý mua 1 bằng Dược sĩ Đại học mang tên Ngô Tấn Đạt. Số tiền mua bằng này khoảng mười mấy triệu đồng, anh Đạt đưa cho Phúc ở một quán cà phê ở quận 5. Sau đó Phúc nói với anh Đạt là muốn ra Chứng chỉ hành nghề thì phải mất thêm mười mấy triệu nữa thì Phúc làm cho. Sau đó anh Phúc bảo anh Đạt cung cấp chứng minh nhân dân photo và bằng cấp liên quan cũng photo, phần còn lại Phúc lo liệu hết. Khi đã có Chứng chỉ hành nghề, anh Đạt mở một nhà thuốc tư nhân tại quận 7, TP.HCM. Nhà thuốc này hoạt động được một thời gian thì anh Đạt nhận ra đây là việc làm phạm pháp nên đã tự làm tờ tường trình sự việc gửi các cơ quan pháp luật. Anh Đạt cũng làm thủ tục xin chấm dứt hoạt động của nhà thuốc này.
Lê Đăng Quang đang làm răng cho khách (ảnh chụp ngày 20/4/2016).
Dứt ruột anh tố cáo em
Qua lời giới thiệu của anh Phan Thanh Long và của anh N.D.N, phóng viên báo SK&ĐS tiếp xúc được với anh Hồ Quang Hiếu - anh ruột của Hồ Quang Hải và cũng là người đã tố cáo những việc làm sai trái của em mình với pháp luật. Theo anh Hiếu, bằng rất nhiều cách, Hải kiếm tiền cũng khá và phung phí hết vào những cuộc chơi. Tuy nhiên, có những người Hải hứa nhưng không làm được và mặc dù đã cầm tiền tiêu xài, nhưng Hải không có khả năng trả lại. Hải thường xuyên bị người đòi tiền và mặc dù không cư ngụ tại phường 5, quận 10, nhưng căn cứ theo CMND, giang hồ, xã hội đen cứ đến đây để đòi nợ. Không thể để em trai mình lấn sâu vào con đường tội lỗi, gây đau khổ cho mẹ già, cho gia đình, lại khuyên can em không được, anh Hiếu quyết định tố cáo Hải ra trước pháp luật.
Theo anh Hiếu: “Nơi đầu tiên tôi đến là Thanh tra Sở Y tế. Tôi đến đây đề nghị xác minh tấm bằng bác sĩ của Hải. Anh em ruột ở từ nhỏ tới lớn, làm sao tôi không biết nó có phải là bác sĩ hay không... Nhưng nơi đây trả lời rằng không có chức năng giải quyết vụ việc. Thế là tôi lại tìm đến công an, hết Công an quận 3, rồi Công an quận 10 nhưng chỉ nhận được những cái hẹn. Ức quá, tôi về bán luôn cửa hàng của mình lấy tiền làm kinh phí để tự điều tra, thuê thám tử theo dõi mọi hoạt động của Hải. Từ đó mới tìm ra được đường dây làm bằng giả của Hải, Phúc”.
Anh Hiếu khẳng định, anh Phúc là một người có quan hệ mật thiết với Hải trong việc mua bán bằng giả và lo ra Chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ, dược sĩ dỏm. Ngoài những cái tên trong bản án đã nêu, còn nhiều cái tên khác được chính anh Hiếu đề cập tới do anh nắm được trong quá trình tự mình “phá án”. Phải nói, nhờ những bằng chứng chính xác của anh cung cấp cho cơ quan điều tra mà vụ án kết thúc nhanh chóng với việc Hải bị bắt.
Tạm ngưng công tác ông Phúc để phục vụ công tác xác minh
Theo Sở Y tế TP.HCM, vụ việc liên quan đến tố cáo ông Phúc, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm yêu cầu đối tượng bị tố cáo tường trình và xử lý theo thẩm quyền. Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, sau khi nhận được phiếu chuyển của Thanh tra Sở Y tế, Chi cục đã cho ông Phúc tạm ngưng công tác để làm tường trình và phục vụ công tác xác minh. Trong tường trình, ông Phúc đã phủ nhận mình có liên quan đến sự việc tố cáo của ông Long, do đó, Thanh tra Sở Y tế sẽ chuyển vụ việc của ông Long đến cơ quan công an.
Ngoài ra, qua thông tin cung cấp từ người tố cáo và các phóng viên, Thanh tra Sở đã tiến hành rà soát 6 hồ sơ: Ngô Tấn Đạt (SN: 1972), Nguyễn Hồng Vĩnh (SN: 10/01/1980), Tống Thị Kim Ngọc (SN: 10/10/1980), Lê Đăng Quang (SN: 1980), Huỳnh Đào Tấn Phát, Văn Công Lượng.
Qua xác minh trên dữ liệu quản lý hồ sơ hành chính công của Sở Y tế, Thanh tra Sở đã tra cứu được Sở Y tế đã cấp Chứng chỉ hành nghề cho ông Ngô Tấn Đạt (CCHN số 4008/HCM-CCHND ngày 22/4/2015), ông Nguyễn Hồng Vĩnh (CCHN số 0015296/HCM-CCHN ngày 26/12/2013) và bà Tống Thị Kim Ngọc (CCHN số 0031150/HCM-CCHN ngày 04/8/2015). Còn 3 trường hợp còn lại không phải do Sở Y tế TP.HCM cấp.
Về pháp lý, tất cả giấy tờ được nghi ngờ giả mạo, Sở Y tế đều phải có văn bản gửi nơi cấp các giấy tờ này xác nhận giả mạo mới trở thành căn cứ xử lý. Với thủ đoạn làm giả giấy tờ hết sức tinh vi, nhiều trường hợp không thể nhận ra bằng mắt thường mà phải có sự giám định của cơ quan chức năng. Với số lượng chứng chỉ hành nghề được cấp rất nhiều nên công tác rà soát phải cần thời gian. Trước mắt chúng tôi đang tiến hành xem xét hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề của một số người hành nghề theo sự cung cấp của người tố cáo, nhà báo và các nguồn khác. Việc rà soát và xử lý hồ sơ nghi ngờ này có sự phối hợp với Phòng PA83 Công an TP.HCM theo quy chế phối hợp. Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo khẩn trương và xử lý nghiêm, rút lại chứng chỉ hành nghề ngay lập tức khi xác định là giả mạo, không đúng thủ tục. Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ tiến hành xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ có dấu hiệu tiêu cực (nếu có).
Liên quan đến thông tin anh Hiếu đến Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đề nghị xác minh tấm bằng bác sĩ của Hải: Trao đổi với báo SK&ĐS, ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện tại Thanh tra Sở không lưu bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến việc ông Hiếu đến Sở Y tế tố cáo. Theo ông Trạng, ông Hiếu đến gặp ai, bởi vì nếu gặp Thanh tra Sở sẽ hướng dẫn ông Hiếu đến đúng cơ quan chức năng để xử lý.