Triệt phá băng nhóm làm bằng giả siêu tốc

15-04-2016 10:39 | Pháp luật
google news

SKĐS - Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây làm bằng giả có quy mô rất lớn. Băng nhóm này lập trang web, sử dụng các trang mạng xã hội...

Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây làm bằng giả có quy mô rất lớn. Băng nhóm này lập trang web, sử dụng các trang mạng xã hội, các trang rao vặt, mua - bán để đăng thông tin mua bán nhiều loại bằng cấp, thậm chí cả bằng dược sĩ giả. Điều đáng nói, việc thực hiện làm bằng cấp giả được thực hiện “siêu tốc”, chỉ cần chưa đầy 1 giờ là có sản phẩm, nhìn bằng mắt thường khó phân biệt là bằng giả.

Thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Thông tin từ Cục C45 - Bộ Công an cho biết, hai tháng trở lại đây, các trinh sát Cục C45 phát hiện hàng loạt các trang mạng công khai như lambangcap.com, loantin.com... rao bán các loại văn bằng giả, chứng chỉ giả từ trung cấp đến đại học và sau đại học với quy mô lớn. Theo đó, giá các bằng cấp như: bằng đại học, cao đẳng, THPT... thì các đối tượng bán với giá 5-7 triệu đồng/bằng. Còn các chứng chỉ ngoại ngữ, các chứng chỉ nghề khác, được bán với giá từ 1-7 triệu đồng/chứng chỉ, tùy từng loại. Các đối tượng nhận làm bằng cấp còn cam kết là phôi bằng thật, thậm chí có cả bảng điểm ở trường, bao gồm cả công chứng, giảm giá cho những ai làm số lượng nhiều. Thậm chí, chúng còn làm bằng theo yêu cầu của khách hàng gửi mẫu đến nên đã có hàng ngàn người đặt mua hàng từ đường dây chuyên “sản xuất” các loại văn bằng, chứng chỉ giả này.

Các đối tượng và tang vật vụ án làm bằng giả bị Cơ quan công an thu giữ.

Việc mua bán giữa băng nhóm này và khách hàng có khi là giao dịch trực tiếp, cũng có khi là thông qua việc gửi tiền vào tài khoản ngân hàng và chuyển bằng cấp giả qua đường bưu điện. Các đối tượng sử dụng tài khoản của nhiều người khác ở các ngân hàng khác nhau nhằm thu lợi bất chính số tiền hàng trăm triệu đồng/tháng. Băng nhóm này được cho là có trình độ cao, bất kỳ bằng cấp nào, các đối tượng này có thể làm “siêu tốc”, chỉ trong 1 giờ là có sản phẩm và nhìn bằng mắt thường khó phát hiện là bằng giả.

Mua hàng nghìn phôi bằng giả từ Trung Quốc

Trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ  thu thập được, ngày 13/4, Cục C45 đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an và Công an TP.HCM, Đồng Nai, Bến Tre thực hiện lệnh bắt, khám xét các đối tượng tại 8 điểm trên địa bàn các tỉnh, thành trên. Tang vật thu giữ gồm: máy in màu, máy scan, hàng trăm văn bằng, chứng chỉ giả đã thành phẩm và hàng nghìn phôi giả các loại. Trong đó, có 5 đối tượng giữ vai trò trực tiếp sản xuất, đối tượng còn lại được phân công nhiệm vụ môi giới và giao văn bằng đã thành phẩm cho khách hàng.

Cơ quan công an đã xác định Lê Tấn Cường (SN 1986, quê tỉnh Bình Định, tạm trú quận 9) là người cầm đầu đường dây này. Tại Cơ quan công an, các đối tượng bước đầu khai nhận, địa điểm sản xuất bằng giả được Cường chọn ngay trong căn hộ ở chung cư C6 - Khu công nghệ cao, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9. Thủ đoạn chính của các đối tượng trong đường dây làm giả giấy tờ, con dấu tài liệu này là lên các trang web rao vặt để đưa tin về dịch vụ làm bằng đại học, trung cấp, bằng tiếng anh, tin học... với giá rẻ hơn so với giá thị trường. Nhóm này còn lập nguyên một trang web bán bằng giả và đăng những bài quảng cáo trên đó. Những đối tượng trong đường dây này cũng cam kết mẫu bằng đạt 100% phôi thật, tem 7 màu, mộc giáp lai nổi và mộc đóng. Để tạo niềm tin với khách hàng, nhóm này đăng công khai số điện thoại và email để khách có nhu cầu liên hệ và đối tượng cũng có thể gặp mặt trực tiếp để giao dịch.

Ngoài ra, Cường còn khai nhận, đã mua hàng ngàn phôi bằng giả từ Trung Quốc. Số hàng này thường được vận chuyển qua đường tiểu ngạch để vào nội địa Việt Nam. Biết được nhu cầu cần bằng cấp của hàng ngàn người trên phạm vi toàn quốc để xin việc làm, một số người còn có nhu cầu cần các văn bằng sau đại học để có cơ hội “thăng quan, tiến chức”, Cường đã chỉ đạo cho đàn em cố gắng “sản xuất” từ 20-30 văn bằng/ngày.

Liên quan đến vụ việc này, Đại úy Lường Tiến Quân - Phó trưởng Phòng 4, Cục C45 cho biết, các đối tượng còn “bảo lãnh” công chứng cho khách hàng nên họ tuyệt đối tin tưởng vào hoạt động của đường dây này. Thực tế, để nhận diện bằng thật và bằng giả rất khó đối với các cơ quan quản lý người nộp bằng. Họ phải gửi xác minh đến cơ sở nơi cấp chứng chỉ văn bằng xác minh hồ sơ gốc hoặc phải tốn thời gian giám định mới xác nhận được. Đáng tiếc trong vụ án này, phần lớn đối tượng đều tốt nghiệp đại học nhưng lại không chí thú làm ăn lương thiện. Hiện Cơ quan công an đang triệu tập và truy bắt nhiều đối tượng khác có liên quan đến vụ án nhằm kịp thời chặn đứng hoạt động của băng nhóm này, giải quyết mối nguy hại cho xã hội.


D. Kiên - Ngọc Đỗ
Ý kiến của bạn