Mới: Hà Nội tổ chức tiêm chủng hàng tuần, thay vì hàng tháng như trước đây

05-01-2018 07:42 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - "Các Trạm Y tế của Hà Nội triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tuần thay bằng hàng tháng như trước đây"- ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2018 diễn ra ngày 4/1, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước đây, việc tổ chức tiêm chủng 30 ngày/lần, nhiều trẻ bị ốm, có việc đột xuất phải hoãn tiêm chủng, chờ cả tháng mới được tiêm lại. Chưa kể, có những trẻ đã đợi, đến gần ngày tiêm lại ốm. Vì thế, Hà Nội quyết định tổ chức tiêm chủng 7 ngày một lần tại Trạm Y tế xã.

“Tuy cách tổ chức tiêm này tốn kém về kinh phí hơn nhưng chúng tôi chấp nhận, để trẻ em được tiếp cận vắc xin nhiều hơn, tăng tỉ lệ tiêm chủng, tăng cường miễn dịch cộng đồng” - ông Hạnh nói.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2017, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 83 trường hợp mắc sởi, 01 tử vong. Kết quả điều tra cho thấy: 71/83 trường hợp (chiếm 85,5%) chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi (trong đó 23/83 trường hợp chưa đến tuổi tiêm (chiếm 27,7%), 22/83 trẻ ốm trước ngày tiêm (chiếm 26,5%), 5/83 trẻ có bệnh bẩm sinh (chiếm 6%).

Hà Nội cũng ghi nhận 125 trường hợp mắc ho gà, 01 tử vong trong năm 2017. Kết quả điều tra cho thấy 114/125 trường hợp (chiếm 91,2%) chưa được tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh ho gà, trong đó có 46 trường hợp là trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm chủng (chiếm 37,8%).

Cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa.

 

Cũng theo ông Hạnh, đến nay, ngành y tế Hà Nội đã thực hiện tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho 128.038/130.788 trẻ đạt 97,9%; tiêm đầy đủ vắc xin phòng uốn ván cho 132.153/133.502 phụ nữ có thai đạt 99%.

Hiện nay 99,2% trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi đã được tiêm sởi mũi 1 và 98,4% trẻ từ 18 tháng đến dưới 5 tuổi đã được tiêm sởi mũi 2 theo quy định. Đặc biệt cho đến nay 100% các trạm Y tế xã phường thị trấn của Hà Nội đã thực hiện việc áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia trong việc quản lý đối tượng và tiền sử tiêm chủng.

Trước dự báo tình hình dịch sởi và ho gà có thể diễn biến phức tạp trong mùa đông xuân 2017-2018, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành quyết liệt tổ chức tốt việc triển khai tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ dưới 5 tuổi đồng thời thực hiện tốt công tác tiêm chủng thường xuyên theo quy định. Ccác Trạm Y tế của Hà Nội triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tuần thay bằng hàng tháng như trước đây.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không trì hoãn và không đưa trẻ đi tiêm muộn. Thường xuyên giám sát tình hình dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế để kịp thời khoanh vùng xử trí các ca bệnh mới phát sinh. Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc phân luồng, cách ly điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm chéo, hạn chế tối đa tử vong...

 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá cao việc tổ chức tiêm chủng theo tuần của Hà Nội bởi sẽ giúp tăng cường tiếp cận vắc xin. Nhiều nước trên thế giới thậm chí người ta tổ chức tiêm hàng ngày. Bởi với tiêm vắc xin không chỉ cần đủ mũi và cần phải đúng lịch mới sinh kháng thể tối ưu bảo vệ trẻ.

"Thực tế, thời tiết miền Bắc nắng nóng, mưa nhiều, mùa đông xuân nồm ẩm khiến rất nhiều trẻ bị lỡ lịch tiêm chủng vì ốm, sốt trước mỗi đợt tiêm. Nhiều bà mẹ chia sẻ, cứ sắp đến lịch tiêm chủng lại thấp thỏm, con ốm khỏi vài ngày, chuẩn bị đến lịch tiêm lại ốm. Không ít trẻ quá lịch tiêm chủng mũi nhắc lại, quá tuổi lịch tiêm chủng vài tháng liền"- PGS. Phu nêu thực tế.

Chính vì vậy, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ số mũi các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Với những vắc xin chưa được đưa vào tiêm chủng mở rộng có thể tiêm thêm những loại bệnh dễ lây lan như thủy đậu, rota vi rút... để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ.

Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn