Bộ trưởng Y tế trăn trở vấn đề bạo hành trong bệnh viện

04-01-2018 10:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong quản lý, điều hành công việc, một trong những vấn đề mà Bộ trưởng quan tâm và trăn trở nhất hiện nay là bảo đảm môi trường làm việc an ninh và an toàn cho người thầy thuốc.

Kiến nghị xử lý hành vi hành hung thầy thuốc như hành vi chống đối người thi hành công vụ

Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã, hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc.

Đáng chú ý có thể kể đến các vụ: bác sĩ bị bố bệnh nhân nhi đập cốc uống nước vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội (tháng 4/2017); 20 côn đồ khống chế bác sĩ, chém bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (6/2017); bác sĩ bị đánh và bị bắt quỳ lạy tại Bệnh viện Thể thao Hà Nội, bác sĩ  bị đập máy đo huyết áp vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Việt Yên, Bắc Giang (tháng 7/2017);  bác sĩ bị chém đa chấn thương tại Trạm y tế xã Hương Long, Hà Tĩnh (tháng 9/2017); bác sĩ bị đánh rách mi mắt trái lẫn giác mạc tại BV Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình); bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình bị đánh vỡ mũi (tháng 12/2017)…

Ngoài những vụ hành hung thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi hành hung khác về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa. Có một thực tế đáng buồn đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ, hay những đối tượng có tiền án tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước hay doanh nhân thành đạt.

Hình ảnh một vụ hành hung bác sĩ được camera bệnh viện ghi lại.

 

Bộ Y tế ghi nhận sự vào cuộc tích cực của chính quyền và cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thái Bình… đã nhanh chóng bắt giữ những kẻ hành hung thầy thuốc và xử lý nghiêm theo pháp luật. Thông qua báo Đại biểu Nhân dân, Bộ Y tế kiến nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, điều chỉnh các quy định luật pháp để những hành vi hành hung thầy thuốc phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ.

Bộ Y tế cũng kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.

Nhiều vụ bạo hành có lỗi do thái độ thầy thuốc?

Một vấn đề góp phần gây nên tình trạng bạo hành thầy thuốc, như cơ quan công an cho biết, có do thái độ thầy thuốc. Bộ trưởng cho biết đã có các biện pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Các văn bản hướng dẫn quản lý chất lượng được xây dựng và ban hành mang tính chất khoa học, thực tiễn, cụ thể trên phạm vi toàn quốc đã giúp các bệnh viện từng bước cải tiến chất lượng, đáp ứng sự hài lòng người bệnh. Một số văn bản tiêu biểu như Thông tư 19/2013/TT-BYT về việc hướng dẫn quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, Thông tư 01/2013/TT-BYT về hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm, QĐ 4276/QĐ-BYT về việc ban hành Chương trình hành động quốc gia nâng cao quản lý chất lượng; Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 03 tháng 12 năm 2013 về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện và năm 2016 đã được ban hành chính thức theo QĐ 6858/QĐ-BYT, trong đó ban hành 83 tiêu chí đánh giá chất lượng Bệnh viện; quán triệt quan điểm “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị” trong mọi hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ trên các văn bản hướng dẫn, bệnh viện trên cả nước đã tích cực cải tiến chất lượng.

Mặc dù cả hệ thống KCB của ngành y tế đang nỗ lực chuyển mình cải tiến chất lượng, nhưng vẫn có những bệnh viện, nhân viên y tế chưa nỗ lực hết mình, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân như ý kiến ĐBQH phải ánh.

Hình ảnh một vụ hành hung bác sĩ được camera bệnh viện ghi lại.

 

Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như: Tích cực triển khai các biện pháp đổi mới phong cách thái độ, hướng tới sự hài lòng người bệnh, tổ chức học tập nâng cao thái độ ứng xử, y đức… Toàn bộ các bệnh viện cũng đã triển khai Chỉ thị 09 về đường dây nóng và việc khảo sát sự hài lòng người bệnh theo QĐ 6859/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thông qua kênh đường dây nóng và việc khảo sát này giúp bệnh viện nắm bắt và ghi nhận kịp thời các ý kiến chưa hài lòng của người bệnh.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân. Toàn ngành y tế hiện nay vẫn đang tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh toàn diện, đổi mới quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện nhằm thực hiện tốt các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi đến khám tại bệnh viện.

Tiếp tục việc đẩy mạnh đánh giá chất chất lượng và cải tiến chất lượng theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Các bệnh viện đánh giá theo 83 tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế nhằm giúp bệnh viện tự xác định những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề còn yếu, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân để đưa ra các vấn đề ưu tiên cần cải tiến.

Giải pháp lâu dài là sẽ gắn kết quả đánh giá chất lượng vào việc thanh toán giá dịch vụ y tế. Đây chính là biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ các bệnh viện cải tiến chất lượng tích cực hơn nữa. Với các biện pháp quyết liệt nêu trên thì có thể tin rằng, chất lượng khám, chữa bệnh, tinh  thần thái độ và giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế… sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.


Dương Hải
Ý kiến của bạn