Hà Nội

Dịch bệnh Đông Xuân: Bộ trưởng yêu cầu đưa giải pháp tức thì giảm số mắc, tử vong

04-01-2018 10:13 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 4/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2018. Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu cần đánh giá tình hình dịch bệnh và đưa ra các giải pháp tức thì để giảm số mắc, và tử vong.

Theo Bộ trưởng, hiện nay thời tiết mưa lạnh, ẩm ướt là yếu tố thuận lợi xảy ra dịch bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp ở cả người lớn và trẻ em. Thông tin đáng chú ý là ở Anh hiện nay đã tạm ngưng 50.000 ca phẫu thuật tại BV vì dịch cúm mùa.

Thứ hai là vấn đề tiêm chủng, hiện nay tỉ lệ tiêm chủng có nơi tốt nhưng có tỉnh, huyện, xã tỉ lệ tiêm chủng thấp như các bệnh về bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi; tỉ lệ tiêm chủng, tiêm nhắc lại chưa đạt.

Thứ ba là vấn đề dịch bệnh mùa đông các bệnh mới nổi như Mers-CoV, cúm mùa thường xảy ra vào thời điểm này, nếu số mắc tăng nhanh thì tử vong chắc chắn sẽ có, chính vì vậy cần hết sức chú ý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Đặc biệt lưu ý vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV), lây chéo trong BV và thẳng thắn chỉ rõ bài học dịch sởi 2014 với hơn 100 ca tử vong, chủ yếu ở Hà Nội và tại BV Nhi Trung ương. Vấn đề nổi cộm là nhiễm khuẩn chéo đường hô hấp, lưu thông không khí, vấn đề cách ly lây nhiễm, bệnh nhân tử vong trên nền bệnh sởi nặng lây chéo viêm màng não, suy hô hấp, suy đa phủ tạng. Có trường hợp bệnh nhi mắc sởi trước 9 tháng, thậm chí trước 6 tháng. Trong mùa đông xuân hiện nay bệnh sởi rất dễ quay lại nên cần hết sức cảnh giác.

Trong thu dung điều trị, Bộ trưởng lưu ý, với các bệnh nhân cúm thông thường, viêm đường hô hấp trên chưa biến chứng đề nghị không nhập viện mà hẹn khám, điều trị ban ngày để tránh nhiễm khuẩn cho các cháu. Cần sàng lọc bệnh nhân, phân luồng, nghi sởi cần cho nằm riêng nếu có phát ban, tiền sử chưa tiêm chủng, có sốt cần cách ly ngay còn lại điều trị nội trú ban ngày. Không cho nằm chung bệnh nhân viêm đường hô hấp trên với bệnh nhân viêm màng não mủ.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh sớm tổ chức hội nghị phòng chống NKBV, chống nhiễm trùng chéo trên quy mô toàn quốc, đặc biệt với khoa hồi sức tích cực ICU. Thống kê cho thấy tử vong do nhiễm khuẩn ICU chiếm 30%.

Trong tình hình hiện nay, truyền thông cộng đồng cũng cần được chú trọng để tuyên truyền người dân phòng bệnh hiệu quả, giảm số mắc và tử vong.

Ảnh minh họa.

Nguy cơ các bệnh mới nổi xâm nhập

PGSTS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lưu ý, các bệnh nguy hiểm và mới nổi luôn có nguy cơ cao xâm nhập như Cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng, dịch hạch… và bùng phát nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.

"Trong mùa đông xuân, mùa lễ hội có thời tiết lạnh ẩm, tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, tập trung đông người ăn uống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: Cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn...

Tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được >95% quy mô xã phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có dân di biến động lớn. Nguy cơ bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp trong năm 2018"- PGS. Phu nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, các chuyên gia dự báo tình hình dịch sởi và ho gà có thể diễn biến phức tạp trong mùa đông xuân 2017-2018. Sở Y tế HN cho biết đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch sởi mùa đông xuân 2017 -2018 chỉ đạo các đơn vị trong ngành quyết liệt tổ chức tốt việc triển khai tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ dưới 5 tuổi đồng thời thực hiện tốt công tác tiêm chủng thường xuyên theo quy định (các Trạm Y tế của Hà Nội triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tuần thay bằng hàng tháng như trước đây).

Hiện tại, bệnh sởi và ho gà trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn đang được kiểm soát tốt, chỉ ghi nhận các ca bệnh đơn lẻ, rải rác tương tự như một số năm trở lại đây, không ghi nhận các ổ dịch lớn.

Tại TP.HCM, để giảm mắc và khống chế dịch lan rộng, Sở Y tế cho biết thực hiện kiểm soát bệnh truyền nhiễm xâm nhập tại các cửa khẩu, thực hiện tờ khai y tế đối với hành khách nhập khẩu từ các quốc gia đang có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải kiểm dịch theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thê giới (như MERS-CoV, Cúm độc lực cao, Ebola, Lassa...), kiểm soát trung gian truyền bệnh dịch hạch tại các cảng hàng hóa đường biển, đường sông...; thực hiện cách ly điều trị ca bệnh, kích hoạt quy trình kiểm dịch người tiếp xúc, người về từ vùng dịch; thực hiện vệ sinh khử khuẩn đối với phương tiện vận chuyển bệnh nhân hoặc có mang trung gian truyền bệnh....

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, kết quả giám sát cúm, SARI trên người ghi nhận chủ yếu là cúm A(H3N2) (37,2%), A(H1N1) (34,7%), B (28,1%), không ghi nhận cúm A(H7N9), A(H5N1). Các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn rải rác xảy ra tại một số địa phương.

Bệnh sởi: ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh miền Nam, trong đó 431 trường hợp phát ban nghi sởi, 0 tử vong, (141 trường hợp dương tính với sởi). Trong 141 ( ) có 54 trường hợp (TH) (38,3%) dưới 9 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 55 TH (39%) không tiêm chủng, 22 TH (15,6%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 10 TH (7,1%) có tiêm vắc xin sởi. Năm 2017, số mắc giảm 29,2% so với năm 2016 (609 trường hợp mắc).

Bệnh ho gà: ghi nhận số mắc chủ yếu tại miền Bắc. Năm 2017, ghi nhận 571 mắc, trong đó 353 TH dương tính, 3 tử vong; số mắc tăng so với năm 2016. Trong 353 ( ) có 133 TH (37,7%) dưới 2 tháng chưa đến độ tuổi tiêm chủng, 111 TH (31,4%) không tiêm chủng, 25 TH (7,1%) không rõ tiền sử tiêm chủng, 84 (23,8%) trường hợp có tiêm vắc xin. Năm 2017 số mắc ghi nhận nhiều những tháng đầu năm, giảm mạnh các tháng cuối năm.

Bệnh bạch hầu: Trong các năm qua, ghi nhận rải rác tại Gia Lai, Bình Phước, Quảng Nam. Năm 2017 ghi nhận các rải rác các trường hợp mắc tại Quảng Nam.

Bệnh liên cầu lợn: Năm 2017 ghi nhận 169 trường hợp mắc, rải rác tại một số tỉnh miền Bắc, miền Nam, miền Trung. Số mắc cao hơn so với năm 2016 (104 trường hợp mắc). Số mắc ghi nhận rải rác các tháng trong năm.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu: Năm 2017, ghi nhận các ca bệnh rải rác với 52 trường hợp mắc, 3 tử vong. Số mắc tăng 9 trường hợp, số tử vong giảm 3 trường hợp so với năm 2016 (43 mắc, 6 tử vong). Ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc.

Bệnh thủy đậu: Năm 2017 ghi nhận 38.898 trường hợp mắc, so với năm 2016 số mắc tăng 45,9%. Bệnh có xu hướng gia tăng vào những tháng mùa xuân.

Bệnh Sốt xuất huyết: Ghi nhận 183.287 trường hợp mắc (154.552 nhập viện), 30 trường hợp tử vong. Số mắc tăng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8/2017, từ đầu tháng 9 đến nay số mắc giảm sâu và liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Năm 2017 bệnh sốt xuất huyết ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố. Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và miền Bắc.

Bệnh tay chân miệng: Năm 2017 ghi nhận 105.953 trường hợp mắc (48.404 nhập viện), 01 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện giảm 0,9%. Số mắc ghi nhận tăng từ tháng 7 và giảm liên tục từ cuối tháng 10. Bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, miền Bắc.

Dương Hải
Ý kiến của bạn