Mì ăn liền (còn gọi là mì gói, mì tôm) đã trở thành món ăn quen thuộc đối với nhiều người. Đặc biệt là mùa World Cup, nhiều người có thói quen thức đêm xem bóng đá thường ăn gói mì vừa nhanh vừa gọn. Nhưng hầu như không ai suy nghĩ hoặc để tâm đến mì gói có giá trị dinh dưỡng gì với sức khỏe chúng ta.
Cơ thể con người cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo cho các hoạt động hàng ngày và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Một bữa ăn cân bằng, lành mạnh sẽ bao gồm đầy đủ các nhóm sau: đạm, tinh bột - đường, chất béo, xơ, đa dạng vitamin và khoáng chất. Chúng được cung cấp qua thực đơn các món chúng ta ăn hàng ngày. Vậy, ăn mì tôm thường xuyên có làm cơ thể bị ảnh hưởng gì không?
1. Ăn mì tôm kéo dài gây hại gì?
Xét về các thành phần cơ bản, trong 1 gói mì cung cấp năng lượng dồi dào 400 - 500kcal tương đương 1 tô hủ tiếu hay tô phở, cũng có các nhóm: tinh bột từ bột mì, một lượng đạm nhỏ được thêm vào, chất béo trong lúc chiên mì và trong gia vị, ngoài ra cung cấp một lượng nho nhỏ vitamin và khoáng chất.
Nhiều người có thắc mắc ăn mì trong thời gian dài có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không? Thậm chí còn có thông tin ăn nhiều mì gói dễ gây ung thư. Điều này là chưa có cơ sở. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đều cho rằng bạn không nên ăn mì gói thường xuyên.
Nếu bạn dùng trong thời gian ngắn, trong lúc cần thiết thì rất tiện lợi đặc biệt đối với những người dân ở vùng lũ lụt bị chia cắt khi xảy ra thiên tai... nhưng nếu bạn thường xuyên dùng trong thời gian dài, xem mì gói thay thế bữa ăn thì cơ thể bạn sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ.
Mì gói thường được chế biến bằng phương pháp chiên và khi chiên ở nhiệt độ cao thì dầu bắt đầu biến tính trở thành chất béo dạng Trans (hay gọi là chất béo chuyển hóa dù tên này chưa thật sự chính xác) loại chất béo này sẽ bắt đầu gây ra những nguy cơ tiềm tàng về tim mạch, chuyển hóa, nội tiết cho người dùng.
Với nhiều người, ăn mì gói thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng nổi mụn trầm trọng hơn kể cả khi bạn ăn loại mì được quảng cáo "không nóng" như mì khoai tây vì các tuyến bã nhờn trên da phải hoạt động mạnh hơn để đào thải chất béo ra khỏi cơ thể.
Một lý do quan trọng khác khiến chúng ta không nên coi mì gói là "món khoái khẩu hằng ngày" vì lượng vitamin và khoáng chất của mì tương đối thấp, không thể thay thế lâu dài một bữa ăn lành mạnh. Do đó, nếu ăn mì kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu vi chất, làm cho các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể bị rối loạn.
2. Cách chế biến mì gói an toàn
Nếu bạn quá bận rộn, thỉnh thoảng dùng 1 gói mì thay thế cho bữa ăn chính thì đó là sự lựa chọn tiện lợi và nhanh chóng. Tuy nhiên, hãy nhớ không nên thay thế mì gói cho các bữa ăn thông thường đầy đủ dinh dưỡng.
Nếu bắt buộc phải dùng mì gói, chúng ta có thể chế biến theo cách sau:
- Chần mì qua nước sôi và đổ đi lần nước đầu.
- Chỉ cho 1/2 gói gia vị thay vì toàn bộ gói.
- Thêm các loại rau củ để bổ sung chất xơ rất quan trọng là thứ mà mì gói hầu như không có, đồng thời làm tăng hàm lượng vitamin và khoáng chất.
- Thêm trứng và thịt để tăng lượng đạm.
Những thông tin ăn mì gói gây ung thư là chưa có cơ sở khoa học. Có người cho rằng ăn mì gói như "thuốc độc", gây đột biến, suy gan thận,... là những thông tin mang tính chất chủ quan, một chiều. Khi ăn mì bạn nên tích cực bổ sung thêm thành phần chất xơ, rau củ và chất đạm để cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Trong trường hợp bạn không có sẵn các món bổ sung vào tô mì cho đủ chất thì vào bữa ăn sau đó bạn nên ăn thêm trái cây, chất xơ, sữa chua để giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều bữa trong 1 tuần.
Xem thêm video đang được quan tâm
7 lợi ích của vitamin C