Bước chân lên đường vào tham gia chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh, vào Bệnh viện Hồi sức COVID-19, chúng tôi không bao giờ có thể hình dung được đây là quãng thời gian đầu tiên và có lẽ là duy nhất trong đời, chúng tôi nghe nhiều đến vậy những câu nói đầy bi quan, chán nản này từ chính các bệnh nhân của mình.
Khối lượng công việc nhiều, áp lực công việc lúc nào cũng như sức nặng ngàn cân treo trên đầu, thực ra không phải là việc chúng tôi bất ngờ.
Bởi lẽ là mỗi người thầy thuốc, khi bước chân vào về đã luôn luôn cảm nhận được và có tâm thế sẵn sàng với những điều này rồi. Nhưng ở đây mỗi bác sĩ chúng tôi không chỉ phải tập trung chú ý mọi lúc mọi nơi mỗi diễn biến mới nhất, nhỏ nhất của từng người bệnh, mà mỗi nhân viên y tế cũng phải cùng trải qua và thấu hiểu tất cả các cung bậc cảm xúc cùng người bệnh của mình.
Đối với những người bệnh chưa thở máy, ngoài việc điều trị bằng thuốc cho bệnh chính cũng như các bệnh nền của họ, có một việc hết sức quan trọng và có ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả điều trị đó là sự hợp tác của người bệnh đối với những hướng dẫn, y lệnh của bác sĩ.
Nếu người bệnh hợp tác tốt với những hướng dẫn của bác sĩ thì tiên lượng sẽ tốt hơn rất nhiều. Kinh nghiệm của chúng tôi và nhiều các bạn đồng nghiệp là đối với những người bệnh không hợp tác tốt thì càng cần chú ý theo dõi vì tiên lượng đối với họ thường không thuận lợi.
Vẫn biết là thế và chúng tôi cũng thường tư vấn kĩ cho người bệnh từ khi mới vào viện, tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng hợp tác tốt với những hướng dẫn của bác sĩ điều trị, cho dù họ đang trong tình trạng nguy kịch.
Lý do có thể nhiều, có thể bệnh nhân không hiểu, hoặc do tính cách của họ, nhưng cũng còn rất nhiều những lý do khác nữa. Trong thời gian ở đây, chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều trường hợp người bệnh không hợp tác, không chịu giao tiếp, không tuân thủ với những hướng dẫn của bác sĩ và thậm chí tự ý làm theo ý mình, tự tháo các phương tiện hỗ trợ hô hấp như mask, như ống thở của máy HFNC, tự gây nguy hiểm cho mình mà bản thân họ có lẽ cũng không biết.
Chính vì vậy, người bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân ở đây ngoài việc phải rất tập trung chú ý, sát sao với người bệnh của mình, chúng tôi còn phải hiểu tình cảnh và tâm lý, tâm tư nguyện vọng người bệnh của mình mới có thể tạo dựng được sự hợp tác của họ để chữa chạy cho chính họ.
Có trường hợp bệnh nhân nữ, hơn 70 tuổi rồi, cứ đòi ra viện, đòi về nhà. Chúng tôi đã rất quan tâm và giải thích cho bác nhưng dường như không ăn thua gì.
Cho đến khi, tôi nghe được vài đoạn khi bệnh nhân nói chuyện rất to qua điện thoại với con. Lúc đầu cũng chữ được chữ mất vì việc riêng của họ nên mình không để ý nội dung, nhưng mình vẫn để ý theo dõi diễn biến câu chuyện của họ để hiểu được tâm tư của bác ấy.
Chỉ đến khi tôi nghe thấy bác ấy thổn thức gào lên với người con qua điện thoại rằng: "Con ơi, bố đâu rồi? cho mẹ nói chuyện với bố. Tao nhớ ông ấy quá rồi." tôi chợt hiểu ra và chia sẻ câu chuyện này với mọi người trong kíp trực. Mọi người khi đó thì đã vỡ nhẽ ra và không cảm thấy thắc mắc hay khó chịu với thái độ của bác ấy nữa.
Lại cũng có những trường hợp bệnh nhân cứ đòi về nhà. Khi nói chuyện kĩ với bác ấy, bác ấy chia sẻ: "Bác sĩ ơi, cho tui về nhà đi. Tui đau mũi, tui chịu hết nổi rồi." thì tôi hiểu được lý do. Những người bệnh khi họ phải vào đây, là bất đắc dĩ vì bệnh nguy kịch, họ cũng đồng thời phải trải qua biết bao sự khó chịu của suy hô hấp, thở không nổi, hít không vào, chịu sự ngột ngạt của mask thở, chịu sự vướng víu và đè ép gây đau của đầu họng ô xy của ống thở máy HFNC với dòng ô xy rất mạnh, rồi nhiệt độ khí thở, độ ẩm của khí thở,…
Thấu hiểu điều đó, chúng tôi lắng nghe cảm giác và tâm tư từ các bệnh nhân của mình.
Một lần, một bệnh nhân nữ trẻ tuổi, mới vào viện. Các bạn điều dưỡng báo cáo chị không tuân thủ y lệnh tốt, luôn lục xục thế này thế kia. Trong đêm trực, khi chị nói chuyện với người nhà qua điện thoại thì tôi bắt đầu để ý khi nhận thấy giọng điệu thổn thức, khóc mếu của chị:
"Em sợ quá, chị ơi, sợ quá à!
Em sợ là sẽ chết đó, chị ơi! Sợ quá à!".
Và chúng tôi, hiểu ra điều tâm tư sâu thẳm của chị.
Một lần khác, bác sĩ trẻ báo tôi về một trường hợp bệnh nhân khác. "Có bệnh nhân chống đối, không hợp tác khác", bạn ấy báo cáo lại như thế. Bác bệnh nhân này mới vào viện nhưng gần như không hợp tác gì, không giao tiếp, không chịu ăn tối, không trả lời và gần như không quan tâm đến những dặn dò của bác sĩ.
"Lần duy nhất bác ấy trả lời em là khi em hỏi bác có muốn về không?", bác sĩ em kể lại. Chúng tôi đã rất kiên nhẫn với bác ấy và cuối cùng phải gọi điện để nói chuyện với con trai bác ấy để rồi cuối cùng phát hiện ra được vấn đề.
Mấu chốt là bác ấy đi cấp cứu vì covid nhưng lại cất theo cả tiền và vàng trong hành lý mang theo, và bây giờ khi phát hiện ra không còn hành lý nào đi theo mình nữa thì bác đinh ninh rằng đã mất hết sạch rồi. Nhưng thực ra là anh con trai đã biết và đã giữ lại ở nhà. Và mọi việc đã được giải quyết chỉ đến khi anh con trai gọi điện vào:
"Má ơi, má cứ yên tâm, con đã giữ ở nhà đây rồi. Không mất gì cả đâu, má yên tâm điều trị đi má nhé!".
Chiều nay, đang ngồi kiểm tra kết quả xét nghiệm mới trả về của các bệnh nhân của khoa ở quầy hành chính cạnh cửa khoa, tôi sửng sốt khi bác bệnh nhân của khoa, vẫn đang ngồi trên xe đẩy, vẫn dáng vẻ mệt mỏi, gầy rộc, cố gọi tôi và với giọng run run, đầy cảm xúc khẩn khoản và tha thiết, bác nói: "Bác sĩ ơi, tôi không biết nói gì hơn. Tôi cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm. Hôm nay tôi được ra viện. Cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm nhé".
Vẻ mệt mỏi còn hiện rõ, nhưng tôi thấy rõ là bác ấy vội vàng quay sang nói ngay như sợ rằng tôi lại quay vào bệnh phòng với các bệnh nhân khác bất kỳ lúc nào thì sẽ day dứt lắm nếu như không kịp nói ra trước khi ra viện.
Thực ra, trong cuộc đời làm bác sĩ, đối với mỗi chúng tôi thì chuyện những người bệnh khi ra viện thường tỏ lòng cảm ơn đối với các thầy thuốc giúp đỡ mình cũng là nếp văn hóa đẹp của người Việt, và chúng tôi cũng đã từng trải qua nhiều lần, kể cả ở ta hay ở bên trời Tây xa xôi.
Nhưng cũng chính thế nên tôi càng ấn tượng và nhớ mãi khoảnh khắc bác ấy cất lời. Và không phải chỉ mình tôi, chắc hẳn bất kỳ ai nếu được chứng kiến cái khoảnh khắc xúc động ấy, cái khoảnh khắc mà cái giọng run run, vừa khẩn khoản vừa tha thiết, cái giọng mà chỉ khi tình cảm chân thành của con người ta được dồn nén từ trong tận đáy lòng mình, từ con tim đang đập hối hả vì vừa vượt qua cửa tử, được thốt lên, những cảm xúc mà người ta phải thấp thỏm chờ đợi bao nhiêu ngày, cái cảm xúc trào dâng mà được dồn nén lại chỉ để chờ dịp được vỡ òa thì đó sẽ là một điều mà có lẽ cả đời không thể nào quên được.
Trong tâm dịch, chúng tôi đã làm việc, đã học hỏi rất nhiều về chuyên môn từ các bạn đồng nghiệp từ các bệnh viện khác, từ khắp mọi miền và cũng đã nhận lại biết bao cung bậc cảm xúc, biết bao bài học từ những người bệnh của mình.
Những trải nghiệm này sẽ là hành trang đi theo suốt cuộc đời người bác sĩ chúng tôi, nâng đỡ và động lực để chúng tôi tiếp bước các thế hệ thầy thuốc Việt Nam chăm lo cho sức khỏe nhân dân, ráng học tập từ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Người thầy thuốc như người mẹ hiền".