Và sau một khoảng lặng dài, vợ tôi tiếp: "Anh cũng biết là sức khỏe mình không tốt, mình cũng đang phải hoàn thành luận án đúng hạn mà".
Và rồi mếu máo: Anh mà có làm sao thì mẹ con em biết phải làm sao. Các con thì đang nhỏ dại quá".
Tôi biết phải nói thế nào bây giờ?
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu cũng như trong nước. Bệnh viện chúng tôi là đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế, đã sớm có đầy đủ các phương án chuẩn bị chống dịch ở tại cơ quan, đồng thời cũng sẵn sàng chi viện cho các tuyến.
Chuyện tôi thuộc danh sách lực lượng sẵn sàng tham gia chống dịch cả nhà đều biết nhưng vợ tôi vẫn không khỏi sững sờ khi tôi có quyết định lên đường.
Việc lên đường chi viện chống dịch với một bác sĩ chúng tôi là việc hết sức bình thường. Bởi, trong thời điểm mà các cán bộ y tế cùng người dân đang phải oằn mình gánh chịu một áp lực quá lớn để vừa khoanh vùng, dập dịch, vừa cứu chữa cho số lượng người bệnh tăng chóng mặt… Chúng tôi lên đường thôi.
Chúng tôi hiểu đất nước mình đã trải qua và vươn mình lớn dậy qua biết bao cuộc chiến. Những cuộc chiến đó đã đi vào lịch sử như những dấu son chói lọi. Và cuộc chiến này cũng vậy.
"Mỗi người chiến sĩ áo trắng chúng tôi xác định mình cần phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi người là một mảnh ghép, cùng làm tròn vai chúng tôi sẽ hoàn thiện được bức tranh tổng thể, sẽ góp phần dẫn tới thắng lợi cuối cùng của cả cuộc chiến". Đó chính là câu trả lời của tôi với các phóng viên báo, đài khi phỏng vấn các bác sĩ trước khi vào tâm dịch.
Tinh thần đồng đội hay làm việc theo nhóm và tuân thủ nguyên tắc, tính kỉ luật đã luôn luôn là nguyên tắc căn bản cho sự thành công của bất cứ việc gì kể từ khi hình thành xã hội.
Ở những nơi mà nguyên tắc này được đề cao, được mỗi người ý thức rõ ràng và tuân thủ nghiêm ngặt thì ở đó, những thành quả sẽ xuất hiện.
Nhìn về lịch sử, hướng tới tương lai, những chiến sĩ áo trắng chúng tôi trên mặt trận chống dịch hôm nay có thể không phải trải qua cái khốc liệt của chiến tranh nhưng hơn ai hết chúng tôi hiểu cái giá phải trả cũng sẽ vô cùng ghê gớm nếu như không nhanh chóng chiến thắng đại dịch.
Thực tế đang diễn ra ở các nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển, có tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới, đã chứng minh điều đó.
Chúng tôi phải chiến đấu với kẻ thù vô hình, không biết đâu là chiến tuyến và chiến tuyến cũng có thể là bất cứ đâu. Kẻ thù không những có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp mà còn vô cùng tinh vi với sự liên tục xuất hiện những biến chủng ngày càng có độc tính cao hơn, vô hiệu hóa ngày càng mạnh hơn các vũ khí mà chúng ta đang có.
Hàng ngày chúng tôi nhìn thấy cả xã hội phải giãn cách, mọi hoạt động bị đình trệ, chúng tôi nhìn thấy sự khát khao đến trường và được ra ngoài đường của các bạn nhỏ nhưng cũng từng ngày phải chứng kiến sự sợ hãi trong mắt con trẻ, sự lo lắng của vợ hay chồng mình và cha mẹ già.
Chúng tôi ý thức rõ rằng hơn lúc nào hết đất nước cần những chiến sĩ chống đại dịch. Chúng tôi lên đường với ý chí chiến thắng đại dịch, quyết là tấm lá chắn vững chắc bảo vệ những người bệnh đang ngày đêm chống chọi với dịch hiểm nguy, quyết trả lại cuộc sống bình yên cho mỗi xóm làng, thành phố, trả lại nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt của con thơ và gia đình lại được sum họp, vui vầy.
Chúng tôi sẽ sát cánh bên nhau, làm việc kỉ luật, hiệp đồng tác chiến phối kết hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp, các lực lượng, mỗi người quyết hoàn thành nhiệm vụ được phân công, tất cả cùng trên một chiến tuyến với tinh thần hào khí "Đông A".
Trong lòng tôi cứ vang vọng giai điệu dịu dàng da diết của bài hát "Hà Nội, trái tim hồng". Lời bài hát cứ rong ruổi theo mỗi bước chúng tôi đi, như nói hộ tấm lòng biết bao "người chiến sĩ":
"Người Hà Nội hôm nay ra đi
Mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ
Những ánh đèn qua ô cửa sổ
Bầu trời đêm cháy bỏng tình yêu".
Chắc chắn rồi, mỗi chúng tôi sẽ là mảnh ghép để trả về cuộc sống muôn màu bức tranh hoàn chỉnh, sinh động.