Những đứa trẻ phải cắt bỏ một bên tinh hoàn vì đến viện muộn
Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhi Nhữ M.Q (14 tuổi) vào viện trong tình trạng đau tức vùng bẹn bìu bên trái. Với chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn trái, bé phải mổ cấp cứu ngay.
Th.S Ma Ngọc Ba, Trưởng Khoa Ngoại thận – Tiết niệu Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết bé Q sưng đau bìu trái 3 ngày không đi khám và điều trị do lo ngại tình trạng dịch COVID-19.
"Trẻ đến khám muộn, trong quá trình phẫu thuật thấy tinh hoàn trái bị xoắn 2 vòng, tím đen hoàn toàn" - BS Ba cho biết. Kíp phẫu thuật và kíp gây mê đã tháo xoắn tinh hoàn trái, dùng nước ấm chườm, phong bế bằng thuốc giúp cung cấp máu lại cho tinh hoàn nhưng tinh hoàn vẫn tím đen không hồi phục.
"Khi kiểm tra động mạch và tĩnh mạch thừng tinh của bé hoàn toàn là máu đông, do vậy chúng tôi đã phải cắt bỏ tinh hoàn trái của bệnh nhi" - nam bác sĩ thông tin. Sau ca phẫu thuật, bé được chuyển về khoa Ngoại thận – Tiết niệu tiếp tục theo dõi và điều trị.
Đây không phải là trường hợp đặc biệt hay lần đầu tiên các bác sĩ tiếp nhận. Dù đã truyền thông rất nhiều nhưng nhiều gia đình vẫn chủ quan dù thấy con có triệu chứng đau "của quý" nhưng e ngại đi khám.
Mới đây, bé trai 11 tuổi ở Hà Nội bị đau bìu hai ngày nhưng không đi viện do sợ lây nhiễm COVID-19. Bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, bé cũng phải cắt bỏ tinh hoàn do tinh hoàn xoắn bị hoại tử. Bác sĩ cho biết khi nhập Bệnh viện E, bé rất đau đớn, vùng bìu sưng mất nếp nhăn, thừng tinh xoắn nhiều vòng mất tín hiệu mạch máu nuôi dưỡng.
Dấu hiệu xoắn tinh hoàn, thời gian vàng điều trị
Các bác sỹ khuyến cáo, tất cả các trường hợp xoắn tinh hoàn thường có biểu hiện đầu tiên là đau bụng cấp, đau bìu cấp, tinh hoàn bên bị xoắn treo cao.
Xoắn tinh hoàn là cấp cứu ngoại khoa cần can thiệp phẫu thuật, thời điểm vàng để phẫu thuật là trước 6 tiếng kể từ khi phát hiện ra triệu chứng đầu tiên. Nếu để tình trạng xoắn quá lâu, tinh hoàn có thể tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.
"Sau 24 giờ, gần như tất cả tinh hoàn xoắn đều hoại tử" - PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức, khẳng định.
Ông cho biết xoắn tinh hoàn ngoài màng thường xảy ra ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh do tinh hoàn có thể xoay tự do và di động nhiều trong bìu. Bình thường tinh hoàn được treo và cố định bởi cấu trúc tinh hoàn – mào tinh hoàn ở phía sau. Trong trường hợp bất thường với dị tật "hình cái kẹp chuông" tinh hoàn dễ bị xoắn do thiếu sự cố định trong bìu và thường là xoắn tinh hoàn trong màng.
Sự phát triển không tương xứng giữa tinh hoàn và thừng tinh, sự co cơ bìu cũng có thể là nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn.
Cũng theo BS Quang, xoắn tinh hoàn ngoài màng chiếm khoảng 5%. Trong đó, 70% xảy ra trước sinh và 30% xảy ra sau sinh. Tình trạng này liên quan đến thai nhi có cân nặng lớn. Xoắn 2 bên thường rất hiếm gặp.
Xoắn tinh hoàn trong màng chiếm khoảng 16% các trường hợp, thường gặp ở nam giới dưới 30 tuổi, hay gặp nhất ở độ tuổi từ 12-18. Tỷ lệ mắc xoắn ở nam giới dưới 25 tuổi là khoảng 1/4.000. Tinh hoàn bên trái hay gặp hơn bên phải. Xoắn 2 bên chiếm 2% tổng số trường hợp xoắn.
"Một số trường hợp báo cáo xoắn tinh hoàn có tính chất gia đình. Trong một nghiên cứu trên 70 bé trai bị xoắn tinh hoàn thì 11,4% người bệnh có tiền sử gia đình ít nhất 1 thành viên bị xoắn tinh hoàn trước đó" - PGS.TS Nguyễn Quang cho hay.
Hiện, tại các cơ sở y tế luôn chú trọng thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo công tác chuyên môn khám chữa bệnh. Vì vậy, người bệnh nếu thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.