Gắn tinh hoàn giả cứu quý ông bị teo bằng hạt lạc

30-11-2021 14:28 | Giới tính
google news

SKĐS - Nhiều người khá tò mò về việc đặt tinh hoàn giả song đây là phương pháp phẫu thuật an toàn giúp các đấng mày râu xoá bỏ mặc cảm, lấy lại phong độ, tự tin hơn với bạn tình.

BS. Hạ Hồng Cường - Khoa Nam học và Y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhân 48 tuổi khá đặc biệt. Bệnh nhân kể cách đây 8 năm, bệnh nhân bị viêm tinh hoàn trái. Sau khi điều trị hết viêm thì tinh hoàn cũng teo dần và sau đó chỉ còn nhỏ bằng hạt lạc, nhưng không thấy ảnh hưởng gì đến cuộc sống nên bệnh nhân không lo lắng nhiều.

Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi, nhưng cách đây 2 năm, bệnh nhân ly hôn vợ cũ, và hiện tại có bạn gái mới và mong muốn kết hôn. Cô gái này năm nay mới khoảng 25 tuổi, xinh xắn và chưa có gia đình. Do đó bệnh nhân rất mặc cảm tự ti về chuyện bộ phận sinh dục của mình không hoàn thiện, cảm giác sợ người yêu chê mình dị dạng sinh dục.

Người đàn ông đến gặp bác sĩ, có nguyện vọng muốn đặt 1 tinh hoàn giả để trở nên hoàn thiện hơn.

1. Tinh hoàn giả là gì?

Tinh hoàn giả là một bộ phận giả hình trứng được đặt vào khoang bìu, để thay thế cơ học cho tinh hoàn không có trước đó.

Có rất nhiều vật liệu có thể được sử dụng để chế tạo tinh hoàn giả, nhưng hiện nay đa phần tinh hoàn giả được làm bằng silicon hoặc túi nước muối (do tạo được cảm giác tự nhiên hơn).

2. Trường hợp nên đặt tinh hoàn giả

Ở nam giới, việc không có hoặc mất đi một bên tinh hoàn gây ra ảnh hưởng tâm lý vô cùng nặng nề, khiến họ mặc cảm, tự ti. Cho nên đặt tinh hoàn giả được xem là cứu cánh giúp bệnh nhân ổn định tâm lý, giảm đi mặc cảm. Từ đó họ dần có lại sự cam đảm và mạnh mẽ của đàn ông.

Phẫu thuật đặt tinh hoàn giả được chỉ định cho các đối tượng:

- Nam giới sinh ra đã không có tinh hoàn

- Đã cắt một hoặc hai bên tinh hoàn do bệnh lý (chấn thương, hoại tử tinh hoàn,ung thư)

- Teo tinh hoàn bệnh lý (quai bị)

Phẫu thuật đặt tinh hoàn giả khá đơn giản. Sau khi lựa chọn kích cỡ tinh hoàn bằng silicone tương ứng, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở vị trí giấu sẹo để đưa vào rồi khâu lại. Bệnh nhân sớm được ra viện và gần như không có biến chứng gì.

3. Ai không nên đặt tinh hoàn giả?

Việc đặt tinh hoàn giả chống chỉ định với các trường hợp:

- Nhiễm trùng đường tiết niệu sinh dục, hoặc vùng bẹn bìu chưa được điều trị triệt để

- Các khối bất thường vùng sinh dục

Gắn tinh hoàn giả cứu quý ông bị teo bằng hạt lạc - Ảnh 2.

Hình ảnh tinh hoàn giả được đặt cho người bệnh.

4. Những điểm cần lưu ý khi đặt tinh hoàn giả

- Tinh hoàn nhân tạo không có chức năng nội tiết và tạo tinh trùng như tinh hoàn thật. Đặt tinh hoàn giả giúp cải thiện thẩm mỹ, từ đó giúp bệnh nhân trở nên tự tin, xoa dịu tâm lý lo lắng sợ hãi về tình trạng khiếm khuyết cơ thể của mình.

- Tinh hoàn giả không thay thế được chức năng sinh học của tinh hoàn, vì vậy cần tầm soát chức năng sản xuất testosterone và sản xuất tinh dịch của bệnh nhân để có kế hoạch theo dõi và điều trị cho phù hợp.

Theo BS. Cường, tại khoa Nam học và Y học giới tính, BV Đại học Y Hà Nội cũng đã từng tiến hành đặt tinh hoàn giả cho một số trường hợp và cho kết quả tốt, không có biến chứng hay khó chịu gì gây phiền hà cho người bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, nam giới khi có các bất thường về bộ phận sinh dục cần thăm khám bác sĩ nam khoa để có biện pháp điều trị kịp thời. Với phẫu thuật đặt tinh hoàn giả, đây là phẫu thuật đơn giản, an toàn nếu tuân thủ đúng chỉ định và đảm bảo các nguyên tắc vô trùng. Hiệu quả của phẫu thuật tương đối cao, đa số bệnh nhân hài lòng sau phẫu thuật. Trong trường hợp này, rõ ràng là giả mà khi làm xong thì chắc chắn như thật.

Viêm tinh hoàn do vi khuẩn lao: Đường lây truyền và cách điều trịViêm tinh hoàn do vi khuẩn lao: Đường lây truyền và cách điều trị

SKĐS - Khi hút lấy dịch mủ của bệnh nhân làm xét nghiệm, kết quả trả lời có vi khuẩn lao trong dịch mủ. Như vậy, nguyên nhân gây bệnh ở đây là một vi khuẩn đặc biệt, nên chắc chắn các phác đồ điều trị viêm tinh hoàn thông thường không thể khỏi được.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm vaccine COVID-19: Vì sao trẻ em không nên vận động mạnh sau khi tiêm?


Minh Đức
Ý kiến của bạn