Hà Nội

Thanh niên chưa vợ đã phải cắt "của quý", bác sĩ chỉ rõ thủ phạm gây điều này

ThS.BS Nguyễn Đình Quân

ThS.BS Nguyễn Đình Quân

Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương

12-06-2020 08:57 |
google news

SKĐS - Bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám do có khối sùi, chảy dịch ở đầu dương vật, mùi hôi khó chịu và cứ nghĩ mình mắc bệnh lây truyền nào đó. Tuy nhiên, qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán anh này bị ung thư dương vật giai đoạn 2 và phải cắt bỏ 1/2 dương vật.

ThS.BS Nguyễn Đình Quân - Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhân đến khám với tâm lý ngượng ngùng vì bệnh ở "vùng kín". Khai thác tiền sử cho thấy, anh này bị hẹp bao quy đầu nhưng do không thấy bị làm sao nên đã chủ quan không đi khám. Tuy nhiên, cách đây gần một năm bỗng dưng xuất hiện các triệu chứng như đau vùng bìu, thâm nhiễm, có hiện tượng loét chảy dịch, "của quý" xuất hiện khối sùi và có mùi hôi khó chịu.

Cứ nghĩ mình mắc "bệnh xã hội" nên anh này đã tự mua thuốc, đắp thuốc điều trị nhưng không hiệu quả. Chỉ đến khi tình trạng này ngày càng nặng, gây đau đớn, khó chịu, bệnh nhân mới đến bệnh viện khám. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dương vật giai đoạn 2.

"Bệnh nhân tuy chưa có gia đình nhưng căn cứ vào tình trạng bệnh, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ lưỡng rồi mới đi đến quyết định cắt bỏ 1/2 dương vật của bệnh nhân, tiến hành điều trị hóa chất..."- BS. Quân nói.

ThS.BS Nguyễn Đình Quân.

Đáng lưu ý, đây không phải là trường hợp cá biệt phải tiến hành cắt dương vật khi đến viện. Hầu hết nam giới đến viện khám khi phát hiện bất thường ở "cậu nhỏ" hàng năm trời, khiến bệnh đã không còn ở giai đoạn sớm. Nhiều trường hợp đã có tình trạng di căn xa, phải cắt bỏ toàn bộ dương vật, nạo vét hạch hai đùi.

Bên cạnh đó cũng có không ít người tự tìm đến các bài thuốc không rõ nguồn gốc bằng đắp lá khiến cho tổn thương ngày càng lan rộng, vùng kín đau nhiều, chảy dịch hôi thối... lúc này mới đến bệnh viện chữa trị vừa tốn kém, hiệu quả điều trị lại không cao.

90% bệnh nhân ung thư dương vật có hẹp bao quy đầu

Theo BS. Quân, đối tượng mắc ung thư dương vật chủ yếu rơi vào nam giới độ tuổi 40-50, chỉ một số ít rơi vào người trẻ như bệnh nhân trên. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư dương vật, tuy nhiên phần lớn bệnh gặp ở bệnh nhân có hẹp bao quy đầu, một số ít trường hợp do nhiễm virus papillomavirus ở người (HPV)....

"Có đến 90% bệnh nhân ung thư dương vật có hẹp bao quy đầu. Với tình trạng hẹp bao quy đầu, dù không phải nguyên nhân gây ung thư dương vật nhưng là yếu tố tạo điều kiện khiến nam giới bị viêm mạn tính niêm mạc bao quy đầu và quy đầu. Viêm kéo dài nhiều năm có thể gây biến đổi tế bào và diễn tiến thành ung thư.

Tuy nhiên, bệnh rất khó được phát hiện và điều trị sớm do tình trạng hẹp bao quy đầu về lâu dài không ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như quan hệ tình dục nên nhiều nam giới thường không để ý hoặc chủ quan bỏ qua"- BS. Quân cho biết thêm.

Trong khi đó, với ung thư dương vật phát hiện sớm thì việc điều trị bảo tồn, cơ hội sống rất tốt cho bệnh nhân. Còn nếu đến muộn (từ giai đoạn 2) việc điều trị đã rất phức tạp, đại đa số phải cắt cụt hoàn toàn, nạo vét hạch bẹn hai bên, xem tình trạng đã xâm lấn di căn hay chưa.

Ảnh minh họa.

Do đó, chuyên gia da liễu khuyến cáo, khi bị hẹp bao quy đầu, nam giới cần được điều trị. Thực hiện tiểu phẫu bao quy đầu rất đơn giản, chỉ mất khoảng 15 phút, bệnh nhân ra viện ngay trong ngày. Song cần lưu ý, nam giới hẹp bao quy đầu cần đến các cơ sở chuyên khoa, cơ sở y tế được cấp phép, tránh tình trạng làm ở những nơi không đảm bảo khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng, phải điều trị biến chứng rất phức tạp.

Thực tế, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị biến chứng nhiễm trùng sau khi phẫu thuật hẹp bao quy đầu ở cơ sở y tế không đảm bảo. Đặc biệt, có trường hợp do phẫu thuật viên phẫu thuật quá tay đã cắt luôn phần hãm ở dương vật khiến “cậu nhỏ” sau khi chữa bao quy đầu bị cong vẹo, không thể thẳng như trạng thái bình thường trước đó.

Nam giới khi thấy xuất hiện các tình trạng bất thường như viêm, sưng khi bị hẹp bao quy đầu, có nốt sùi nhỏ, loét ở vùng quy đầu, dễ chảy máu khi vệ sinh hoặc khi quan hệ tình dục... cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, điều trị tốt nhất.

Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý kiểm tra bao quy đầu cho trẻ từ khi còn nhỏ, nếu có hẹp bao quy đầu nên xử trí càng sớm càng tốt. Thông thường trẻ sơ sinh bị hẹp bao quy đầu sinh lý khi mới đẻ nhưng việc vệ sinh kém hoặc thủ thuật lộn tách bao quy đầu không đúng có thể dẫn đến hẹp bao quy đầu bệnh lý.

Những trường hợp trẻ ở tuổi dậy thì (14-15 tuổi hoặc sớm hơn) nếu không tự lộn được bao quy đầu nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, điều trị, phòng tránh nguy cơ ung thư "cậu nhỏ" và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Hiện nay, việc kỹ thuật phẫu thuật hẹp bao quy đầu khá đơn giản, bệnh nhân được thực hiện bằng phương pháp không gây chảy máu, giảm đau tốt nên được xuất viện ngay trong ngày và trở lại sinh hoạt nhanh chóng.


Dương Hải
Ý kiến của bạn