Dựa vào kết quả của hàng loạt nghiên cứu khoa học, trang Superdrug đã tạo ra hệ thống biểu đồ điểm mặt các "thủ phạm" khiến số lượng "con giống" của cánh mày râu bị sụt giảm, để họ có biện pháp phòng tránh thích hợp.
Quần hoặc đồ lót bó chặt
Khi một người đàn ông đang cố gắng có con, anh ta tốt nhất nên thay thế những chiếc quần jean hoặc quần lót bó chặt bằng quần dài rộng và quần đùi thoải mái.
Một nghiên cứu phát hiện, chứng "sốt" tinh hoàn bắt nguồn từ việc mặc đồ lót và quần chặt suốt 120 ngày liên tục, đã dẫn đến sự suy giảm số lượng tinh trùng di động và có thể sống sót được ở ngày thứ 20 và giảm số lượng tinh trùng nói chung vào ngày thứ 34.
Trong quá trình nghiên cứu, một số nam giới thậm chí còn giảm 100% số "con giống" sản xuất ra.
Tuy nhiên, tin tốt lành là, các đối tượng nghiên cứu có thể khôi phục số lượng và chất lượng tinh binh về mức bình thường 73 ngày sau khi bỏ dùng các món đồ bó chặt trên.
Cân nặng
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến số lượng "con giống" của đàn ông là cân nặng và ta có thể dùng chỉ số BMI để đánh giá xem mức cân nặng đó có lợi cho sức khỏe của mỗi cá nhân hay không.
Trong đó, chỉ số BMI được tính như sau (trọng lượng cơ thể tính bằng kg)/ (chiều cao x chiều cao tính bằng mét).
Các nhà nghiên cứu phát hiện, những nam giới có BMI>25 có thể suy giảm tới 22% lượng tinh binh cũng như suy giảm nồng độ tinh dịch và sự di động của "con giống".
Còn những quý ông có BMI>35 tăng gấp 19 lần nguy có lượng "con giống" thấp.
Tương tự như vậy, những người đàn ông nhẹ cân, với BMI<18,5 cũng bị giảm 8,6% thể tích tinh dịch mỗi lần xuất tinh và các con giống của họ có xu hướng suy giảm khả năng di động.
Theo các nghiên cứu, uống rượu, bia làm suy giảm số lượng, nồng độ cũng như tỉ lệ tinh trùng bình thường của đàn ông.
Trong khi đó, hút thuốc làm tổn hại ADN, dẫn đến đột biến tinh trùng. Vì vậy, cắt giảm sử dụng rượu, bia và thuốc lá sẽ tốt cho sức khỏe nói chung cũng như việc sản xuất "con giống" ở phái mạnh.
Các sản phẩm chứa PFC
Các chất PFC thường được tìm thấy trong nồi, chảo chống dính và nhiều sản phẩm gia dụng khác.
Mặc dù mục đích của chúng là chống các vết bám bẩn và nước, nhưng chúng cũng đồng thời ngăn cản khả năng thụ tinh của nam giới.
Các chất PFC được phát hiện làm giảm tổng số lượng tinh trùng sản sinh ra, đặc biệt là số tinh trùng khỏe mạnh, bình thường.
Thoa kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi các tia cực tím gây hại, nhưng lại không có lợi cho "con giống" của quý ông.
Các hóa chất được phát hiện trong kem chống nắng như octinoxate và oxybenzone, có thể làm giảm tới 33% số lượng tinh binh.
Giải pháp tốt nhất đối với các nam giới là hạn chế thời gian ở ngoài nắng và rửa sạch kem chống nắng ngay sau khi vào bên trong nhà.
Các sản phẩm chứa BPA
Các chuyên gia khuyến nghị mọi người tránh tiếp xúc quá mức với các hóa chất gây hại bất kỳ khi nào có thể, đặc biệt là bisphenol A (BPA).
BPA thường được sử dụng để chế tạo nhiều đồ dùng bằng nhựa phổ biến, chẳng hạn như chai đựng nước hay lớp lót của các hộp đựng thực phẩm bằng kim loại.
Tiếp xúc với nồng độ BPA cao ảnh hưởng tiêu cực đến sự di động và chức năng của tinh trùng.
Kiêng khem tình dục
Mặc dù một số người khuyên "tiết kiệm" tinh trùng, nhưng nghiên cứu phát hiện, "kiêng khem chuyện ấy" trong thời gian quá dài thực tế có thể làm giảm cơ hội thụ thai.
Đàn ông khỏe mạnh kiêng khem "quan hệ" trong 11 - 14 ngày có thể giảm tới 24,7% số lượng tinh trùng bình thường. Do đó, nếu đang cố gắng có con, các quý ông được khuyến nghị không nên "nhịn yêu" quá 10 ngày.
Cần sa
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hút càn sa có thể ảnh hưởng tới kích thước và hình dáng của tinh trùng, và do đó hạn chế chức năng của các "con giống".
Bỏ điện thoại ra khỏi túi quần và cất giữ chúng ở nơi khác có thể làm tăng khả năng sinh sản của cánh mày râu.
Theo các nghiên cứu, nhiệt nóng hay bức xạ điện từ phát ra từ điện thoại di động có thể làm giảm sự di động của tinh trùng tới 8,1% và khả năng sống sót của chúng tới 9,1%.
(Theo Daily Mail)