Lao xương: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

19-09-2024 12:25 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lao xương có khả năng lây truyền thấp hơn lao phổi. Tuy nhiên ở người bệnh mắc lao xương kèm lao phổi thì khả năng lây truyền cao.

1. Nguyên nhân gây lao xương

Bệnh lao xương do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây ra ở hệ thống xương khớp. Bệnh lao xương được gọi là bệnh thứ phát. Ban đầu một người có thể bị nhiễm lao do vi khuẩn lao trong môi trường hay lây từ người bệnh. Vi khuẩn lao xâm nhập vào đường hô hấp và phổi sau đó gây bệnh lao. Tiếp đến vi khuẩn lao từ phổi hoặc hệ tiêu hóa sẽ theo đường máu, bạch huyết và khu trú tại một bộ phận nào đó của hệ xương khớp. Chúng sẽ sinh sản và phát triển sau đó hình thành một vùng hoại tử bên ngoài có các tế bào khổng lồ, biểu mô và tế bào đơn nhân.

Vi khuẩn lao thường tấn công ở các xương khớp chịu trọng lực lớn của cơ thể như: cột sống, khớp gối, khớp háng… Đây là căn bệnh có thể gặp ở bất kỳ đối tượng, độ tuổi nào tuy nhiên thường gặp ở trẻ nhỏ chưa tiêm phòng lao. Ngoài ra còn một số đối dễ mắc lao xương là:

  • Người tiếp xúc với nguồn lây lao phổi thường xuyên, liên tục.
  • Người đã và đang điều trị lao sơ nhiễm, lao phổi hoặc một loại lao khác.
  • Người điều trị các thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài.
  • Người mắc bệnh suy giảm miễn dịch.
Lao xương: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Ths.BSCKII Vũ Thị Dịu - Phó trưởng Khoa Hô hấp (Bệnh viện 19-8, Bộ Công an) đang thăm hỏi bệnh nhân.

2. Triệu chứng lao xương

Ban đầu khi mắc bệnh lao xương khớp, người bệnh thường không có biểu hiện gì rõ rệt do vậy rất ít trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

  • Người bệnh có thể có lao sơ nhiễm trước đó, hoặc lao phổi.
  • Người bệnh có thể có các triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc mạn tính của bệnh lao như triệu chứng sốt nhẹ về chiều và tối, sốt dai dẳng, người mệt mỏi, xanh xao, biếng ăn, sụt cân, hay bị đổ mồ hôi trộm.
  • Sưng, đau mỏi và hạn chế về vận động các vùng xương khớp bị tổn thương.
  • Sưng các khớp.
  • Người bệnh gặp khó khăn khi vận động và thấy đau nhẹ các khớp, xương. Ví dụ nếu lao xương cột sống sẽ khó cúi/ngửa người; lao ở khớp háng thì khó dạng khớp háng hay không ngồi xổm, co duỗi chân được.
  • Áp xe lạnh: bên trong ổ áp xe có mủ, tổ chức hoại tử bã đậu… Nếu khám lâm sàng có thể thấy là một khối bùng nhùng và nằm cạnh khớp, khi vỡ ra để lại lỗ dò.
  • Ở giai đoạn muộn có thể gặp một số biểu hiện khác như: cứng vận động khớp, teo cơ, gù/vẹo/gấp khúc cột sống (nếu bị lao cột sống), đi lại khó khăn, tập tễnh (nếu bị lao khớp háng), liệt và rối loạn cơ tròn do ổ áp xe lạnh chèn ép vào tủy sống…

Với bệnh nhân lao xương, phần xương khớp bị vi khuẩn tấn công sẽ có biểu hiện sưng to nhưng không nóng, đỏ giống các bệnh lý viêm khớp cấp tính.

3. Lao xương có lây không?

Căn nguyên gây nên các bệnh lao là do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường không khí do người bệnh hít phải giọt bắn có chứa vi khuẩn lao hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết có chứa vi khuẩn. Lao xương khớp khả năng lây truyền thấp hơn lao phổi, nhưng ở người bệnh mắc lao xương khớp kèm lao phổi thì khả năng lây truyền cao. Các con đường mà bệnh lao xương khớp có thể lây truyền đó là:

  • Đường hô hấp: khi ho, hắt hơi, nói chuyện…
  • Khi tiếp xúc với dịch mủ hoặc máu của người bệnh
  • Bệnh cũng có thể lây từ mẹ sang con nếu như người mẹ trong khi mang thai mắc bệnh lao
Lao xương: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Lao xương là căn bệnh nguy hiểm. Ảnh minh họa

4. Phòng bệnh lao xương

Để phòng ngừa bệnh lao xương, mỗi người cần duy trì lối sống khoa học bằng cách:

  • Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
  • Hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh lao nói chung. Nếu có tiếp xúc cần tuân thủ đúng quy trình bảo hộ như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh tay sạch sẽ khi tiếp xúc với chất dịch của người bệnh…
  • Nếu có tiếp xúc với những người bị bệnh lao cần phải tầm soát lao phổi bằng định kỳ.
  • Người bệnh đã được chẩn đoán lao nói chung và lao xương khớp nói riêng cần tuân thủ phác đồ điều trị để tránh tình trạng kháng thuốc hoặc tái phát bệnh, ở nơi thoáng mát đủ ánh sáng, đeo khẩu trang thường xuyên, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác…
  • Nếu tiếp xúc với người bị bệnh lao mọi người cần tầm soát sớm hoặc khám sức khỏe định kỳ theo lời khuyên của bác sĩ để phát hiện sớm, điều trị lao tiềm ẩn nếu có để tránh chuyển thành bệnh lao.
Lao xương: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Nếu có tiếp xúc với những người bị bệnh lao, chúng ta cần phải tầm soát lao phổi bằng định kỳ. Ảnh minh họa

5. Cách điều trị lao xương

Lao xương là căn bệnh thuộc dạng lao nguy hiểm bởi nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề. Người bệnh có thể bị ảnh hưởng chất lượng cuộc sống do lao xương gây tàn phế hệ xương khớp, tàn tật thậm chí tử vong.

Nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị hiện nay, bệnh lao xương có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh được phát hiện sớm và chữa trị đúng phác đồ. Mục đích trong điều trị lao xương khớp là: giảm đau xương khớp, ngăn ngừa biến chứng, phục hồi và bảo tồn chứng năng của hệ xương khớp và thần kinh.

Có thể áp dụng các biện pháp điều trị như sau:

  • Dùng thuốc theo phác đồ của chương trình chống lao Quốc gia: Phác đồ điều trị bao gồm kết hợp các loại thuốc chống lao với nhau trong thời gian từ 12 - 18 tháng, tùy theo người bệnh nhiễm vi khuẩn lao nhạy cảm hay lao kháng thuốc.
  • Biện pháp không dùng thuốc: Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nên nằm giường cứng để mang lại hiệu quả cao hơn so với nằm giường nệm, tập vận động dần dần để tránh bị cứng khớp sau thời gian 4 - 5 tuần nghỉ ngơi tương đối
  • Phẫu thuật: Được chỉ định cho những trường hợp có biến chứng như biến dạng xương khớp, xuất hiện ổ áp xe lớn, vận động bị hạn chế nhiều.
Điều trị bệnh lao xươngĐiều trị bệnh lao xương

SKĐS - Bệnh lao xương khiến người bệnh đau đớn, giảm vận động, mất khối lượng cơ và biến dạng khớp. Nếu không điều trị, bệnh lao xương có thể gây tử vong...


ThS.BSCKII Vũ Thị Dịu
Phó trưởng Khoa Hô hấp – Bệnh viện 19-8
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn