6 câu hỏi thường gặp với bệnh lao xương

24-07-2024 07:29 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lao xương được biết đến là một bệnh lý khởi phát từ tình trạng nhiễm trùng của xương do sự tấn công của vi khuẩn lao có tên là Mycobacterium Tuberculosis. Bệnh lý này thường khởi phát ở bệnh nhân sau khi mắc bệnh lao phổi.

1. Đông y có chữa được bệnh lao xương không?

Lao xương khớp, y học cổ truyền gọi là “cốt cao” hoặc “lưu đàm”. Nguyên nhân sinh bệnh do tiên thiên bất túc, tinh huyết của can thận bị hao tổn, xương bị yếu, đàm độc nhân thể xâm phạm làm khí huyết ngưng trệ mà gây nên bệnh.

Tùy từng giai đoạn, tổn thương thực thể và triệu chứng toàn thân mà thầy thuốc sẽ kê bài thuốc phù hợp. Tuy nhiên, những bài thuốc Đông y mang tính chất hỗ trợ điều trị, giúp giảm nhẹ triệu chứng và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh là chủ yếu.

Theo bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, lao xương khớp là bệnh của hệ thống xương khớp do vi khuẩn lao gây ra. Đây được coi là bệnh lao thứ phát do vi khuẩn lao từ phổi hoặc hệ tiêu hóa đi theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó trong hệ xương khớp gây ra. Bệnh lao xương khớp có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào khi bị vi khuẩn lao tấn công và thường gây bệnh ở các xương khớp chịu trọng lực lớn như khớp háng, khớp gối và cột sống.

Lao xương khớp được coi là một trong những dạng bệnh lao nguy hại nhất, nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống. Hậu quả của bệnh này là gây tàn phế nặng nề tới các xương khớp bị lao và để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của người bệnh.

2. Bệnh lao xương có nguy hiểm không?

6 câu hỏi thường gặp với bệnh lao xương- Ảnh 1.

Bệnh lao xương nếu không được phát hiện sớm và điều trị dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.

Lao xương là bệnh lý có tiến triển nhanh chóng, mức độ nặng nề và dễ gây ra biến chứng nếu không phát hiện, điều trị kịp thời. Ở giai đoạn muộn khi không được chẩn đoán và điều trị, bệnh nhân có nguy cơ bị teo cơ, cứng vận động khớp; gù vẹo, gấp khúc cột sống trong lao cột sống, đi tập tễnh lệch người trong lao khớp háng; liệt và rối loạn cơ tròn do ổ áp-xe lạnh gây chèn ép vào tủy sống...

Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh lao xương còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm suy giảm miễn dịch, tác động tiêu cực đến quá trình sinh hoạt và làm việc, có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác.

3. Bệnh lao xương có lây không?

Bệnh lao là căn bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người khi bị lây vi khuẩn lao qua đường hô hấp. Bệnh lao xương cũng do Mycobacterium tuberculosis gây ra nhưng không giống như bệnh lao phổi, một số nghiên cứu cho thấy bệnh lao xương có thể không lây lan qua không khí mà lây lan qua máu nếu tiếp xúc với dịch hay mủ của người bệnh.

Trên thực tế, dù lao xương không lây sang người khác như cơ chế lây truyền của lao phổi nhưng nếu người bệnh bị lao xương và kèm theo lao phổi thì có nguy cơ lây cho người khác.

4. Bệnh lao xương có chữa khỏi được không?

ThS.BS Nguyễn Thị Hằng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, nhờ những tiến bộ về mặt chẩn đoán và điều trị, hiện nay bệnh lao nói chung và lao xương khớp nói riêng có thể được chữa khỏi hoàn toàn với điều kiện chẩn đoán sớm, điều trị sớm đúng nguyên tắc.

5. Cách chăm sóc người bệnh lao xương

Sau quá trình điều trị lao xương, bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Vì sau quá trình sử dụng thuốc, cơ thể người bệnh thường rất yếu ớt, thường xuyên mệt mỏi, tinh thần chán nản.

Sau khoảng thời gian nghỉ ngơi và nằm quá lâu (khoảng 4 - 5 tuần đầu tiên trong quá trình điều trị), bệnh nhân nên hoạt động lại từ từ. Vì sau thời gian dài không hoạt động thì việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn do khớp xương bị cứng. Đặc biệt, nếu vận động nhiều hoặc mạnh sẽ khiến khớp xương dễ bị tổn thương.

6 câu hỏi thường gặp với bệnh lao xương- Ảnh 3.

Sau quá trình điều trị lao xương, bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người bệnh cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống. Nên ăn các thực phẩm giàu sắt, canxi, vitamin D, kẽm, omega 3 (hàu, thịt bò, trứng, cá hồi, sữa và chế phẩm từ sữa), rau xanh, trái cây tươi giúp xương chắc khỏe, tăng cường hệ miễn dịch. Chế biến món ăn đa dạng và thường xuyên thay đổi thực đơn để kích thích vị giác của người bệnh. Chia 3 bữa ăn chính thành 5 – 6 bữa nhỏ trong ngày để người bệnh hấp thụ dưỡng chất tốt hơn.

Nên kiêng các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đường, muối, rượu bia, đồ hộp vì có thể gây kích ứng, sưng đỏ chỗ đau, ngăn hấp thụ canxi của xương, giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao, khiến vết thương lâu lành.

6. Chi phí khám bệnh lao xương

Chi phí khám bệnh lao xương phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi cá nhân. Bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm như khám tổng quát, xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính... Người bệnh có thể lựa chọn khám chữa bệnh với các lựa chọn khám theo chế độ BHYT hoặc khám dịch vụ. Nếu có bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ được chi trả một phần chi phí khám chữa bệnh theo quy định của cơ quan bảo hiểm. Chi phí điều trị bệnh cũng dựa trên kết quả khám bệnh.

Tham khảo giá một số dịch vụ khám, xét nghiệm theo yêu cầu:

- Khám lâm sàng: 160.000 - 320.000 đồng tùy theo lựa chọn GS, TS, trưởng khoa, bác sĩ…

- Chụp X-quang, mức giá phụ thuộc vào vị trí chụp:

  • X-quang: 100.000 - 150.000 đồng/lần.
  • X-quang cột sống: 150.000 - 200.000 đồng/lần.
  • X-quang khớp: 200.000 - 300.000 đồng/lần.

- Các cận lâm sàng tùy thuộc vào loại xét nghiệm:

  • Xét nghiệm máu: 50.000 - 100.000 đồng/xét nghiệm.
  • MRI: 1.500.000 - 3.000.000 đồng/lần.
  • CT scan: 800.000 - 2.000.000 đồng/lần.

Xem thêm:

Bài tập tốt cho người bệnh lao xươngBài tập tốt cho người bệnh lao xương

SKĐS - Bệnh lao xương có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh nhưng tập thể dục và rèn luyện thể lực có thể giúp họ quản lý và phục hồi bệnh.



Bảo Hưng
Ý kiến của bạn