Lan truyền clip nghi "deep fake" bác sĩ BV Quân y 108 giới thiệu sách "chữa lành", chào mời TPCN

18-05-2023 11:30 | Y tế

SKĐS - Hình ảnh ngụy tạo một nhân vật trong trang phục quân y nhận là bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 nói về giải pháp "chữa lành" từ sách được một số tài khoản mạng xã hội lan truyền khiến nhiều người tưởng thật.

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (gọi tắt là BV Quân y 108) nhận được một đoạn clip có âm thanh và ký tự trên clip mạo danh bác sĩ của Bệnh viện chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông".

Cụ thể, người này khẳng định cuốn sách mới có thể chữa bệnh cho mọi người chứ không phải các phương pháp y học hiện đại. 

Không những vậy, một số cá nhân đã chia sẻ đoạn clip trên lên trang Facebook, tiêu biểu như tài khoản H.V.N (có đến 203.000 người theo dõi) nhằm tạo niềm tin rằng "bác sĩ Quân y 108" đã khẳng định chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả" và dần dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng.

Lập lờ, mạo danh bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108  để trục lợi - Ảnh 1.

Hình ảnh, clip mạo danh bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 được lan truyền trên facebook của một số cá nhân.

Theo Bệnh viện TWQĐ 108, việc mạo danh, lấy thương hiệu "bác sĩ Quân y 108" để trục lợi cá nhân, mua bán các thực phẩm chức năng, thuốc, sách… làm ảnh hưởng tới uy tín của BV TWQĐ 108, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật.

Hiện Bệnh viện chỉ có một địa chỉ duy nhất tại: Số 1, đường Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bệnh viện và cán bộ nhân viên Bệnh viện không bán thực phẩm chức năng và không bán thuốc ngoài phạm vi Bệnh viện.  Khuôn mặt thể hiện trong clip cũng không phải của người nào từng công tác tại Bệnh viện TWQĐ 108.

Lan truyền clip nghi "deep fake" bác sĩ BV Quân y 108 giới thiệu sách "chữa lành", chào mời TPCN - Ảnh 2.

Trang cá nhân có hơn 200.000 người theo dõi đăng tải clip mạo danh bác sĩ BV Quân y 108

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Sức khỏe và Đời sống và tham khảo từ một số chuyên gia về hình ảnh, đoạn video đang lan truyền mạnh trên Facebook và Tiktok này CÓ THỂ là một dạng deep-fake bằng công nghệ AI.

Nếu xem ở chế độ toàn màn hình máy tính sẽ thấy nhiều điểm bất thường. Cụ thể như sau: Bộ quân phục thể hiện đang mang hàm thượng tá, chứ không phải đại tá như âm thanh trong clip thể hiện; Hậu cảnh có thể đã được ghép, không phải hội trường nào đó; Tỷ lệ khuôn mặt không bình thường, màu sắc các vùng cũng bất thường. Màu khuôn mặt không thay đổi mỗi khi hướng ánh sáng với camera thay đổi; Vùng trán phía bên phải clip còn lộ các vùng cắt ghép mờ và giữ nguyên mỗi khi nhân vật chuyển động; Khu vực tiếp giáp giữa cổ với cổ áo có chuyển màu bất thường, đôi lúc hiển khoảng trống khi nhân vật cử động.

Clip mạo danh bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 đang lan truyền trên mạng.

Nguyễn Hà
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn