Xe ở nhà, vẫn báo qua trạm thu phí hoặc… vi phạm
Vào lúc 8h43 ngày 8/8 vừa qua, anh L.S., trú tại ngõ 62 Trần Bình, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội nhận được điện thoại của nhân viên trạm thu phí Liêm Tuyền trên cao tốc Hà Nội-Ninh Bình thông báo xe mang biển số 30G-605.xx của anh vừa đi qua trạm thu phí nhưng số tiền trong tài khoản ETC không đủ trả phí, đề nghị nạp tiền để thanh toán dịch vụ. Anh S. rất bất ngờ vì thực tế xe đang đậu ở trụ sở cơ quan tại Hà Nội, không đi qua trạm thu phí này.
Còn chủ phương tiện có biển số xe 89A-294.xx phản ánh trên diễn đàn OFFB (Diễn đàn cộng đồng ô tô và giao thông trên Facebook với gần 1 triệu thành viên), cả ngày không đưa xe ra khỏi nhà nhưng nhận được thông báo trừ phí qua cầu Bạch Đằng với số tiền trừ 34.000 đồng.
Cũng trên diễn đàn OFFB, anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ô tô của anh bị thông báo "phạt nguội" 4 lần trong một tháng tại Hà Tĩnh, Nghệ An và cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Nhưng thời gian trên, phương tiện này không ra khỏi Hà Nội.
Cụ thể, gần cuối kỳ đăng kiểm xe, anh Tuấn Anh vào website tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Kết quả cho thấy, ô tô màu trắng, kiểu dáng sedan biển số 30E-261.xx được thông báo vi phạm trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chủ xe đã liên hệ với Phòng Cảnh sát giao thông công an Hà Tĩnh thì nhận được thông tin xe vi phạm mang biển số giống xe của anh nhưng kiểu dáng lại là xe SUV.
Còn theo chia sẻ của anh Hải Nguyễn trên diễn đàn OFFB, khi vào App của VETC thì bất ngờ nhận được thông báo xe của anh (BKS: 30A 763.xx) bị trừ tiền phí đi qua trạm BOT Pháp Vân–Cao Bồ ngày 14/7/2022. Tuy nhiên vào ngày đó, anh Hải Nguyễn không đi qua tuyến đường đó.
Đồng bộ hóa kỹ thuật và tạo hành lang pháp lý nghiêm minh
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Luật sư Mạnh Xuân Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, ông nhận được nhiều phản ánh về việc xe mang biển giả đi qua trạm thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến đường cao tốc và các trạm đã trừ tiền trong tài khoản của xe mang biển số thật. Theo Luật sư Sơn, đây là lỗi nhận dạng trong hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ và đơn vị thu phí cần hoàn trả tiền cho chủ phương tiện mang biển thật, xin lỗi công khai và có giải pháp khắc phục hệ thống. Đây là không phải lỗi của khách hàng, nếu đơn vị thu phí không giải quyết thỏa đáng thì chủ phương tiện có thể khởi kiện ra tòa.
Luật sư Sơn cũng cho biết, hành vi dùng biển đăng ký giả, che biển, dán biển hoặc chỉnh sửa thông tin trên biển số xe đều cho thấy động cơ không minh bạch. Tình trạng này đang gây phiền toái, bức xúc cho chủ phương tiện mang biển số thật và khó khăn, phức tạp cho các cơ quan chức năng.
Để khắc phục tình trạng này, theo Luật sư Sơn, trước tiên, cơ quan chức năng phải có giải pháp về mặt công nghệ để nhận dạng và phát hiện những trường hợp làm sai lệch biển số, tránh xử lý oan người dân. Mặt khác, cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm hành vi này trong thời gian tới.
Về phía người dân, khi phát hiện bị trừ phí hoặc phạt nguội oan, chủ phương tiện cần báo ngay cho lực lượng chức năng tại địa bàn đặt trạm thu phí hoặc phát sinh lỗi phạt nguội để xử lý kịp thời.
Về vấn đề này, TS. Luật học Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện có rất nhiều "chiêu trò" được sử dụng như dùng băng dính đen hoặc trắng chỉnh sửa, thay đổi các ký tự trên biển số xe, dùng mảnh vải, khăn, khẩu trang hay thậm chí thực phẩm để che một phần hoặc toàn bộ biển số. Một hình thức nữa cũng được các đối tượng lợi dụng là cố tình để bụi, bùn đất che mờ biển số.
Theo các chuyên gia pháp luật, những hành vi này cũng giống như làm và sử dụng giấy tờ giả nên cần có chế tài xử lý thật nghiêm.
Theo đó, trường hợp cá nhân làm biển kiểm soát giả để bán hoặc sử dụng có thể bị truy cứu về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Các đối tượng làm, sử dụng biển giả có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Còn theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển ô tô, bao gồm cả loại xe rơ moóc và sơ mi rơ moóc, cũng như là các loại xe tương tự với ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng, ngoài ra có thể bị tịch thu biển số không đúng quy định, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, nếu vi phạm một trong các hành vi sau đây:
Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.
Đối với những người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, bao gồm cả xe máy điện và các loại xe tương tự xe mô tô và xe gắn máy, nếu có các hành vi như trên sẽ bị phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng.
Về lâu dài, theo TS. Trần Minh Sơn, ngoài việc đồng bộ hóa, hiện đại hóa phương tiện kỹ thuật để kịp thời phát hiện và xử lý ngay những phương tiện vi phạm, các nhà làm luật cần chú trọng hơn việc tạo ra một hành lang pháp lý nghiêm minh, thuận tiện, và có tính răn đe cao.
Đường Nguyễn Trãi sau phân làn vẫn mạnh ai nấy đi