Áo quý vua ban cho đồng bào Pa Kô và cách làm hay để lưu giữ, phát huy ý nghĩa của báu vật

13-08-2022 07:03 | Thời sự

SKĐS - Dùng báu vật vua ban cho đồng bào người Pa Kô từ trăm năm trước làm hiện vật trực quan giới thiệu về văn hóa, lịch sử của quê hương cho các học sinh và các bậc hậu nhân là cách làm hay đang được thực hiện.

Áo quý vua ban cho người Pa Kô

Tại bản A Xớp, xã A Xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), một gia đình người đồng bào Pa Kô đang lưu giữ một báu vật giữa đại ngàn Trường Sơn. Đó chính là gia đình ông Kôn Thí (Vỗ Ngôn) với báu vật vua ban cho dòng họ A Xớp từ trăm năm trước là chiếc "Vân Phụng tiên y" (hay áo tiên Vân Phụng).

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đổi thay của những bản làng nơi đại ngàn, chiếc "áo vua" vẫn được các thế hệ cất giữ cẩn thận. Chiếc áo được xem như vật thiêng, kỷ niệm riêng của gia đình ông Kôn Thí. Chỉ những người đủ uy tín mới được gia đình cho tiếp cận, "mục sở thị" chiếc áo.

Theo Thạc sĩ Lê Đức Thọ, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Quảng Trị thì "Vân Phụng tiên y" là áo vua Nguyễn dùng để ban thưởng cho một số tri châu ở miền núi Quảng Trị. Lệ ban "Vân phụng tiên y" có từ thời vua Minh Mạng.

Áo quý vua ban cho đồng bào Pa Kô và cách làm hay để lưu giữ, phát huy ý nghĩa của báu vật - Ảnh 1.

"Vân Phụng tiên y" được trưng bày trang trọng trong căn nhà sàn của người Pa Kô.

Việc tặng chiếc áo trên thể hiện chính sách cai trị mềm dẻo đối với các tộc người đồng bào miền biên viễn của triều đình nhà Nguyễn, với mục đích khuyến khích các tù trưởng bảo vệ biên giới quốc gia.

Người dân xem chiếc áo này như vật linh thiêng, chỉ có trưởng làng mới có quyền được mặc. "Vân Phụng tiên y" là vật chỉ được trao truyền cho thành viên thuộc nội thân. Sau khi người cha mất, người con trưởng được kế tục chức vị và chiếc áo này.

Áo quý vua ban này không chỉ được xem là "quan phục" khi các "Thổ Tri Châu" vào triều đình, mà còn là "lễ phục" không thể thiếu trong việc cúng tế thần linh, mà người được mặc là trưởng làng.

Các thế hệ con cháu của dòng họ A Xớp luôn tự hào về ông cha của mình và đã gìn giữ chiếc áo vua ban như một báu vật. Tác nhân thời gian đã khiến "Vân Phụng tiên y" có nhiều hư hại, nhưng áo quý vẫn được con cháu dòng họ A Xớp nâng niu, xem là báu vật. Đến nay ở Quảng Trị chỉ còn duy nhất "Vân phụng y tiên" của dòng họ A Xớp.

Dùng vật báu trở nên có ý nghĩa với thế hệ sau

Chuyện dùng chiếc áo vua ban cho dòng họ người Pa Kô ở vùng cao Quảng Trị làm hiện vật lịch sử giới thiệu đến học trò đã được thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing đóng trên địa bàn xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ấp ủ và thực hiện.

Áo quý vua ban cho đồng bào Pa Kô và cách làm hay để lưu giữ, phát huy ý nghĩa của báu vật - Ảnh 2.

Ý tưởng dùng chiếc áo quý vua ban làm hiện vật để giáo dục truyền thống văn hóa, và lịch sử tới các em học sinh được thực hiện.

Vào cuối năm 2021, thầy Trọng tình cờ phát hiện trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã A Xing (nay là xã Lìa) thời kỳ 1930 - 2010 có chép: "Trong thời kỳ đánh đuổi thực dân, có một dòng họ được vua ban "Vân Phụng tiên y".

Biết người dân trên địa bàn đang lưu giữ một hiện vật rất quý, thầy Trọng cất công tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và hiện trạng của báu vật.

Sau khi đọc được những thông tin ghi trong Lịch sử Đảng bộ xã, cùng với việc đã nghiên cứu, tìm hiểu về "Vân Phụng tiên y", nhận thấy đây là sự kiện lịch sử rất ý nghĩa của dòng họ A Xớp (xã A Xing). Đó là một trong những nội dung giáo dục lịch sử địa phương nên thầy Trọng cùng nhà trường quyết định đưa vào làm nội dung ngoại khóa cho học sinh.

Áo quý vua ban cho đồng bào Pa Kô và cách làm hay để lưu giữ, phát huy ý nghĩa của báu vật - Ảnh 3.

Các em học sinh hứng thú lắng nghe kể về truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất mình sinh sống.

Khi Ban giám hiệu Trường Tiểu học và THCS A Xing đặt vấn đề, gia đình ông Kôn Thí đã tin tưởng và đồng ý giới thiệu đến học sinh. Nhà trường đã biến ngôi nhà của Kôn Thí, nơi đang lưu giữ "Vân Phụng tiên y", thành một điểm ngoại khóa về lịch sử của học trò.

"Những lần tham gia xây dựng mô hình, tôi nhận thấy việc giáo dục lịch sử, văn hóa là rất cần thiết, giúp học sinh biết về nguồn cội, lịch sử cha ông. Qua đó, giúp các em có niềm tin trong học tập. Ngoài kiến thức được học trên trường, thầy cô giảng dạy mang tính cơ bản, cốt lõi, học sinh được trải nghiệm thực tế giúp các em nhớ lâu hơn", thầy Nguyễn Mai Trọng chia sẻ.


Đức Hùng
Ý kiến của bạn