Có nên bổ sung quy định chống bạo hành cán bộ y tế trong Luật Khám chữa bệnh?

13-08-2022 16:49 | Y tế
google news

SKĐS - Trò chuyện với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị nhấn mạnh việc bảo vệ bác sĩ chính là bảo vệ sức khỏe người bệnh, sức khỏe toàn dân. Đây là công việc bắt buộc phải thực hiện, đồng thời phải cụ thể hóa vào các văn bản luật.

Thời gian vừa qua, tình trạng các y bác sĩ bị hành hung đã và đang diễn ra phức tạp, gây bất an cho đội ngũ nhân viên y tế, bất bình trong dư luận. Dù vậy, khung pháp lý hiện tại vẫn chưa thật nghiêm khắc để bảo vệ an toàn cho các bác sĩ khi thực hiện công tác cứu người.

Chia sẻ với Báo Sức khỏe & Đời sống, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị cho rằng, ngoài việc ngành y tế cần chủ động trong công tác bảo vệ bác sĩ thì việc hoàn thiện khung pháp lý, có những hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe với hành vi hành hung bác sĩ là điều quan trọng. Việc này sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ yên tâm dành trọn đôi tay, khối óc cho công tác cứu người, đồng thời sẽ góp phần giúp bệnh viện không còn là "nơi nguy hiểm".

Nghiêm khắc xử lý hành hung bác sĩ là để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân - Ảnh 1.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định- nơi xảy ra vụ hành hung bác sĩ.Ảnh TL

Thưa Luật sư, liên tiếp trong thời gian qua, tình trạng hành hung bác sĩ có chiều hướng ngày càng tăng, luật sư có nhận đình như thế nào về thực trạng này?

Luật sư Quách Thành Lực: Hành hung bác sĩ không chỉ là hành vi đe dọa tính mạng và sức khỏe người khác, mà còn là sự thách thức lương tri, thách thức pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.

Việc tấn công bac sĩ thể hiện ích kỷ cá nhân của nhiều người, đề cao giá trị lợi ích của mình mà xem nhẹ quyền lợi của người khác. Dưới góc độ đạo đức, dù bất cứ nguyên nhân gì thì hành vi tấn công bác sĩ đang điều trị cho bản thân hoặc người nhà mình là hành vi vô ơn, đi ngược lại truyền thống đạo đức của dân tộc.

Nghề bác sĩ là một nghề đặc thù với nhiệm vụ thiêng liêng là cứu người. Việc bảo vệ đội ngũ y bác sĩ là điều nhất thiết phải làm để họ có thể toàn tâm toàn ý dồn 100% sức lực cho công tác bảo vệ sức khỏe toàn dân. Vì vậy, bảo vệ bác sĩ chính là bảo vệ sức khỏe người bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trên phương diện pháp luật, những người thực hiện hành vi hành hung bác sĩ thể hiện sự coi thường pháp luật. Đây là hành vi xã hội cần lên án và phải xử lý bằng những chế tài của pháp luật.

Nghiêm khắc xử lý hành hung bác sĩ là để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân - Ảnh 2.

Đối tượng hành hung bác sĩ làm việc tại cơ quan công an.

Theo Luật sư đâu là nguyên nhân gia tăng tình trạng hành hung bác sĩ hiện nay?

Luật sư Quách Thành Lực: Việc hành hung bác sĩ có thể đến từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong tình huống giao tiếp giữa bác sĩ với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Trên tâm lý của người nhà bệnh nhân, ai ở trong tình huống đó cũng sẽ có phần lo lắng, sốt ruột cho tình trạng người thân, muốn người thân của mình được cung cấp dịch vụ y tế một cách sớm nhất, tốt nhất có thể. Cùng với đó là việc chưa nắm rõ quy trình cấp cứu, nhập viện và thiếu kiến thức y tế, cho rằng người thân của mình đang gặp nguy hiểm nên càng nôn nóng yêu cầu bác sĩ xử lý vấn đề ngay lập tức.

Do đó, trong nhiều trường hợp cảm thấy bác sĩ chậm trễ, không tích cực, làm việc không tốt... theo cảm quan dẫn tới sự nóng giận, cáu gắt, thậm chí là dọa nạt, uy hiếp, hành hung  bác sĩ như những vụ việc đã từng xảy ra.

Về phía nhân viên y tế, thực tế tại các bệnh viện ghi nhận một số người chưa khéo léo khi giao tiếp với bệnh nhân; xử lý tình huống hay giải thích chưa thấu đáo trong bối cảnh bệnh viện quá tải, môi trường làm việc khắc nghiệt, căng thẳng và áp lực về thời gian cũng là nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng trong giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Về chủ quan, nhiều trường hợp gây rối là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sử dụng rượu bia, chất kích thích, hoặc côn đồ vào viện gây rối trật tự. Những hành vi này cần đặc biệt lên án và có chế tài xử lý nghiêm minh.

Ngoài ra, vấn nạn hành hung bác sĩ còn liên quan vấn đề văn hóa. Việc ứng xử bạo lực như trở thành một thói quen của một số người, chẳng hạn khi ra đường chỉ cần va quẹt xe, ngồi quán nhậu nhìn nhau cũng có thể dẫn đến xô xát, đâm chém nhau.

Nếu bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không hài lòng với hành vi của y bác sĩ có thể gọi đường dây nóng, nhờ lãnh đạo bệnh viện can thiệp, báo công an xử lý. Trường hợp cho rằng việc làm của bác sĩ ảnh hưởng tới sức khỏe, tài sản của mình thì thậm chí có thể kiện ra tòa. Do đó, đối với hành vi khi không vừa ý thì chửi bới, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa, tổn thương cơ thể đội ngũ y bác sĩ, làm ảnh hưởng việc điều trị những bệnh nhân đang cần cấp cứu là điều không thể chấp nhận được.

Nghiêm khắc xử lý hành hung bác sĩ là để bảo vệ sức khỏe bệnh nhân - Ảnh 3.

Vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn gây bức xúc dư luận. Ảnh IT

Thưa Luật sư, theo quy định pháp luật hiện hành, những đối tượng hành hung bác sĩ có thể bị xử lý như thế nào?

Luật sư Quách Thành Lực: Với hành vi như trên, các đối tượng hành hung bác sĩ hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị xử lý hình sự.

Cụ thể, những đối tượng hành hung bác sĩ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về "Vi phạm quy định về trật tự công cộng" với các hành vi: Gây mất trật tự công cộng; khiêu khích, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhâm phẩm của người khác; Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và hành Cố ý gây thương tích nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự. Tổng số tiền phạt có thể lên đến 16,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu đáp ứng đủ yếu tố gây thương tích, người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội "Cố ý gây thương tích", quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, tội cố ý gây thương tích được quy định là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe người khác dưới dạng thương tích cụ thể. Đây được coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đồng thời xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người khác.

Cụ thể, cố ý gây thương tích là loại tội phạm chỉ bị cấu thành khi có thương tổn xảy ra từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các điều kiện của pháp luật quy định. Tội cố ý gây thương tích được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực (có hoặc không sử dụng vũ khí) hoặc thủ đoạn khác tác động lên cơ thể ngưòi khác gây tổn thương cho họ. Các thương tích nhìn chung có thể thấy rõ.

Ngoài ra, dựa trên khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội "Đe dọa giết người", nếu người nhà bệnh nhân có hành vi đe dọa giết người và có căn cứ làm cho bác sĩ lo sợ rằng điều này sẽ thành hiện thực, người này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo quy định của của các văn bản luật hiện hành như luật sư vừa trả lời thì việc hành hung bác sĩ có phải là tình tiết tăng nặng hay không?

Luật sư Quách Thành Lực: Các quy định về tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 52 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, các tình tiết sau được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, v.v...

Trong các tình tiết này, hành vi hành hung bác sĩ chưa được coi là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, với các hành vi có tính chất côn đồ hoặc phạm tội vì động cơ đê hèn cũng được coi là một trong những tình tiết tăng nặng.

Thưa Luật sư, cho đến nay nhiều trường hợp bác sĩ bị hành hung khi đang khám bệnh cho bệnh nhân nhưng chưa đối tượng nào bị khởi tố và xử lý tội "Chống người thi hành công vụ" mà chỉ bị xét xử với tội danh "Cố ý gây thương tích". Luật sư có thể giải thích vấn đề này thế nào?

Luật sư Quách Thành Lực: Căn cứ Điều 3 của Nghị định 208/2013 quy định và giải thích về người thi hành công vụ. Khái niệm người thi hành công vụ được là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan và lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội thì bác sĩ không phải là người thi hành công vụ.

Do đó, hành vi hành hung bác sĩ không bị xử lý theo tội "Chống người thi hành công vụ" mà được xem xét để xử lý theo tội "Cố ý gây thương tích" thông thường như các trường hợp phạm tội bình thường.

Trong thời gian tới, việc xây dựng Luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng là cơ hội để xem xét một cách thấu đáo việc có cần thiết phải bổ sung nội dung chống bạo hành cán bộ y tế vào trong luật. Cần phải làm rõ khái niệm khi bác sĩ làm việc có phải là đang thi hành công vụ hay không? Nếu bác sĩ là người thi hành công vụ thì phải có các chế tài bảo vệ và xử lý kèm theo cụ thể.

Xin cảm ơn luật sư./.

Xem thêm video được quan tâm:

Gia đình luật sư bị chém tử vong ở TP.HCM muốn được hỗ trợ pháp lý và bảo vệ quyền lợi | SKĐS 


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn