Cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mấy ngày gần đây, một số phụ huynh của trường nhận được cuộc gọi từ số lạ thông báo học sinh đã mua hàng hoặc đồ ăn, quần áo, vật dụng… nhưng chưa trả đủ tiền và để thẻ học sinh lại. Đó là lý do đối tượng xấu đưa ra để yêu cầu phụ huynh gửi tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.
Trường THPT Kim Liên đã có thông báo gửi tới toàn bộ cha mẹ học sinh các khối cảnh báo về hiện tượng lừa đảo mới xuất hiện. Thông báo nêu: "Ban giám hiệu nhà trường đề nghị thầy cô giáo thông tin đến toàn thể phụ huynh và học sinh các lớp đề cao tinh thần cảnh giác, tránh mắc phải hiện tượng lừa đảo".
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, thời gian qua, kẻ xấu đã dùng rất nhiều chiêu trò để lừa đảo phụ huynh, thậm chí đe dọa cả học sinh. Cách đây không lâu, một số phụ huynh của trường cũng đã nhận được điện thoại của người lạ thông báo, con bị tai nạn nhập viện cấp cứu, đề nghị chuyển tiền gấp để làm thủ tục mổ. Hoặc có những cuộc gọi, nhắn tin cho học sinh với nhiều lời lẽ đe doạ, gây áp lực vì lí do phụ huynh nợ tiền. Học sinh này tắt máy để học, khi mở ra có đến 300 cuộc gọi nhỡ. "Với trường hợp đó, khi nhận được báo cáo, nhà trường một mặt đã làm công tác tâm lý cho học sinh ổn định để học tập, mặt khác đã báo cáo công an Phường để có hướng dẫn, can thiệp kịp thời".
Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên đề nghị phụ huynh bình tĩnh, cảnh giác trước các chiêu trò và khi có bất kỳ thông tin lạ, ngờ vực cần liên hệ với giáo viên, nhân viên của trường để xác nhận.
Liên quan đến các thủ đoạn lừa đảo, chia sẻ trên báo chí, Thiếu tướng Đào Thanh Hải - nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, công tác phòng ngừa vấn đề này không khó, trước mắt, ngành công an cần phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền sâu rộng đến cha mẹ các em học sinh.
Theo Thiếu tướng Đào Thanh Hải, có thể phát tờ rơi cho các em học sinh mang về đưa cho bố mẹ xem để nắm được thông tin thủ đoạn lừa đảo để chủ động phát hiện, tố giác. Hoặc nhà trường có thể sử dụng các hội nhóm chung giữa cô giáo và phụ huynh để tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo mới nhằm cảnh báo.
Trong các vụ án lừa đảo nói trên khi nạn nhân đã chuyển tiền, phát hiện mình bị lừa và trình báo cơ quan công an, thì tiền trong tài khoản đã bị các đối tượng rút hoặc chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để tẩu tán tài sản, khả năng thu hồi rất thấp. Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng số điện thoại không chính chủ và tài khoản mạng xã hội ảo gây khó khăn trong công tác điều tra xác minh.
Thiếu tướng Đào Thanh Hải cũng cho rằng, cần nâng cao tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân về phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm sử dụng công nghệ cao và quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi mua, bán, cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng.
Mới đây, sau chiêu lừa "con đang cấp cứu, phải chuyển tiền ngay", Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, trường cao đẳng sư phạm để thông báo thủ đoạn lừa đảo phụ huynh học sinh.
Trong đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, trường cao đẳng sư phạm phối hợp chặt chẽ với công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh và học sinh, sinh viên biết về hình thức lừa đảo nêu trên và các phương thức thủ đoạn lừa đảo khác qua điện thoại, internet và mạng xã hội (như cho vay tiền nhanh qua ứng dụng trên điện thoại di động, sàn giao dịch tiền ảo, bán hàng đa cấp, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo…).
Các đơn vị, nhà trường cần khẩn trương rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên tại các nhà trường và cơ sở giáo dục; kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có), không để các đối tượng xấu chiếm đoạt nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự. Đồng thời, các trường cần vận động phụ huynh, học sinh, sinh viên bị lừa đảo kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an để điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả.