14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo tổng số tiền 825 triệu đồng
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các sở GD&ĐT, các đại học, học viện, trường đại học, trường CĐSP thông báo thủ đoạn lừa đảo phụ huynh học sinh.
Qua thông tin từ các đơn vị chức năng của Bộ Công an, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo tổng số tiền 825 triệu đồng.
Bộ GD&ĐT cho biết, các đối tượng thường tự xưng là giáo viên thể dục, nhân viên y tế nơi học sinh đang học để gọi điện thoại thông báo cho phụ huynh về việc con bị té ngã khi hoạt động thể dục, con bị tai nạn dẫn tới chấn thương sọ não đang nhập viện nên cần tiền để mổ gấp.
Đối tượng tạo sự tin tưởng bằng cách thông tin chính xác về tên, tuổi của học sinh, phụ huynh. Tiếp đó, đối tượng chuyển điện thoại đến 1 người tự xưng là bác sĩ khoa cấp cứu bệnh viện để trao đổi, thông tin về tình trạng bệnh, yêu cầu chuyển tiền để mổ cấp cứu gấp.
Do tâm lý lo lắng, nhiều phụ huynh học sinh không nghi ngờ và đã chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp.
Khi nhận thấy phụ huynh có thái độ tin tưởng và đã thực hiện chuyển tiền, các đối tượng tiếp tục gọi điện thoại thông báo chưa nhận được tiền và yêu cầu chuyển tiền vào một số tài khoản khác.
Vụ việc này đã gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh, sinh viên về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong các nhà trường và cơ sở giáo dục.
Nhanh chóng triển khai một số nhiệm vụ
Từ tình hình trên, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm phối hợp chặt chẽ với công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh và học sinh, sinh viên biết về hình thức lừa đảo nêu trên và các phương thức thủ đoạn lừa đảo khác qua điện thoại, internet và mạng xã hội (như cho vay tiền nhanh qua ứng dụng trên điện thoại di động, sàn giao dịch tiền ảo, bán hàng đa cấp, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo…).
Các nhà trường khẩn trương rà soát công tác bảo mật, cung cấp thông tin của học sinh, sinh viên tại các nhà trường và cơ sở giáo dục; kịp thời khắc phục các lỗ hổng bảo mật (nếu có), không để các đối tượng xấu chiếm đoạt nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các nhà trường cần vận động phụ huynh, học sinh, sinh viên bị lừa đảo kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan công an để điều tra, xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả.
TP HCM là địa phương đầu tiên ghi nhận chiêu lừa "chuyển tiền gấp để cấp cứu cho con", sau đó lần lượt xuất hiện tại các tỉnh, thành khác.
Sở GD&ĐT Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Gia Lai đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này.