SKĐS - Ước mong được có mẹ, hít hà hơi ấm của mẹ, nhiều đêm người con út của điều dưỡng Tình thì thầm với người chị họ: "Chị ơi, chị cho em mượn mẹ chị nhé!".
Tìm về mảnh đất Tất Thượng, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, làng quê nay đã lấy lại vẻ bình yên sau "bão" COVID-19. Ngoài sân, người thân nữ điều dưỡng Vũ Thị Tình đã chờ đón chúng tôi.
Đã gần 3 năm kể từ cái ngày "định mệnh" ấy, ngày cả gia đình đón tin dữ, người con hiếu thảo, người vợ dịu hiền và người mẹ rất mực yêu con Vũ Thị Tình không may qua đời trong quá trình tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Người đã mất thôi hết những đớn đau, nhưng nỗi day dứt, nhớ thương còn hằn sâu trong tâm khảm của những người ở lại.
Thắp nén nhang cho vợ, anh Nguyễn Văn Quynh, chồng nữ điều dưỡng, đôi mắt đượm buồn khi nhắc lại nỗi đau mà có lẽ cả đời này bố con anh sẽ không bao giờ quên. Suốt khoảng thời gian qua, trong tâm trí anh Quynh nỗi nhớ về người vợ tần tảo sớm hôm, thật khó để nguôi ngoai...
Gia cảnh khó khăn, lấy nhau về hai vợ chồng anh chị cùng nhau vun vén hạnh phúc gia đình. Nhắc đến người con dâu, bà Hoàng Thị Gái hồi tưởng: "Con dâu thì cũng là con của mình. Từ ngày về đây, cứ sáng Tình đi làm tối về chăm lo cho gia đình. Con dâu ngoan, hiền lành. Nhưng giờ không may số phận đã như thế."
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cũng như nhiều nhân viên y tế khác, chị Tình thường xuyên đi sớm, về muộn. Sáng ngày 25/2/2021, trước khi đi trực tại chốt phòng chống dịch COVID-19, điều dưỡng Tình chuẩn bị bữa sáng cho các con, để mẹ cùng các cháu ăn, rồi chị tất tả đến chốt cho kịp giờ.
Vậy mà nữ điều dưỡng "đi luôn", chẳng về nữa… Nghe người ta kể lại, hôm đó điều dưỡng Tình khi lưu thông trên đường đã không may xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến tử vong tại chỗ.
Lúc nghe tin chị mất ai nấy trong gia đình đều bàng hoàng, mẹ ruột của chị là bà Vũ Thị Ngát nay đã 70 tuổi, ngất lịm. Không nỗi đau nào bằng "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh".
Mấy hôm sau người nhà kiểm tra thấy trong cốp xe của chị hôm ấy còn cất hai chiếc bánh chưng và mấy hộp sữa là bữa trưa chị để dành, tối mang về cho hai đứa con nhỏ. Sữa và bánh khi ấy cũng đã hư, hai đứa nhỏ chẳng kịp ăn miếng bánh mẹ để phần.
Người đã mất thôi hết những đau đớn, nhưng nỗi nhớ trong lòng người ở lại vẫn mãi khắc khoải, khôn nguôi. Video: Minh Ánh - Viết Bảo
Mẹ chị Tình cho biết, còn nhớ cách đấy không lâu, chị Tình thủ thỉ với hai mẹ dự định sửa sang lại nhà cửa. Dù còn nhiều khó khăn, công việc thu nhập cũng không cao, nhưng hai anh chị cũng phấn đấu, tích góp một khoản để sửa sang căn nhà đã cũ, xây thêm công trình phụ cho cả gia đình sinh hoạt. Dự định sửa sang lại nhà cửa của anh Quynh và chị Tình cũng dở dang, chẳng thành.
Bà Vũ Thị Ngát - mẹ đẻ của điều dưỡng Tình kể với chúng tôi trong tiếng nấc nghẹn, có lần hai đứa cháu ngoại dắt nhau đến nhà bà, chúng bảo: "Bà ơi chúng cháu mất mẹ rồi!… Nước mắt tôi cứ thế tuôn trào". Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ, căn nhà nhỏ ấm áp ngày nào giờ cũng trống vắng, hiu quạnh hơn.
Vợ chồng anh chị có với nhau 3 con. Nhưng thật không may, người con thứ nhất đã mất do bệnh ung thư máu quái ác. Một thời gian dài, hai vợ chồng anh cũng vắt kiệt sức lực, "chạy ngược chạy xuôi" cứu chữa cho cháu, nhưng may mắn không đến với con. Cháu nhỏ tuổi nhất cũng không may mắc căn bệnh về phổi, thường xuyên ốm đau, nằm viện.
Khi còn vợ còn chồng, vợ chồng anh Quynh thay nhau đưa đón, chăm sóc con cái, nếu cả hai đều bận thì nhờ bà nội, bà ngoại trông cháu, lúc lại nhờ các bác, các thím. Song đến nay, hai bà tuổi cũng đã cao, chị Tình mất đi, anh Quynh vừa làm bố vừa làm mẹ chăm 2 đứa con...
Vốn bản tính hiền lành, ít nói lại dễ xúc động, suốt buổi trò chuyện anh Quynh không chia sẻ nhiều điều, người đàn ông ấy chỉ lẳng lặng nhìn lên di ảnh vợ rồi lại nhìn xuống hai đứa con đang chơi đùa với đôi mắt đỏ hoe.
"Thật sự không muốn nhắc lại quá nhiều, vì nó rất khó nguôi ngoai, phải mất hơn một năm sau khi chị mất, anh mới vơi bớt đi được nỗi nhớ. Lúc nào cũng nghĩ đến, nhất là khi có việc bận rộn hay buổi tối nằm trên giường, nhìn sang bên cạnh…" – anh Quynh nói.
Nhìn di ảnh người vợ trên ban thờ, anh Quynh mắt đượm buồn.
Nhìn lên chiếc bàn thờ đơn sơ cùng di ảnh của chị Tình, dõi theo anh Quynh và hai đứa cháu nhỏ, bà nội, bà ngoại không khỏi xót xa. Bữa cơm nhà mới ngày nào còn tiếng mẹ, tiếng cha, tối có mẹ nhắc học bài không được lười biếng, nay chẳng bao giờ còn được nghe thấy.
Mất mẹ thuở mới lên 2, ngày mẹ ra đi mãi mãi, với đứa út đó đơn thuần chỉ là một giấc ngủ say nhưng đứa nhỏ còn chưa hiểu được thế nào là "âm dương cách biệt" ấy đã có lần vì nhớ mẹ, nhớ giọng nói của chị Tình mà bé thì thầm với người chị họ: "Chị ơi, chị cho em mượn mẹ chị nhé!" . Còn đứa con trai lớn chẳng nói chẳng rằng cũng đã đôi lần một mình đạp xe ra thăm mộ mẹ.
Nỗi đau ấy quá lớn, là vết thương chẳng gì có thể bù đắp. Trong buổi gặp hôm ấy, cũng mấy lần tôi bắt gặp hai đứa nhỏ say sưa ngắm di ảnh mẹ trên ban thờ.
Sinh thời, điều dưỡng Vũ Thị Tình công tác tại Trạm Y tế xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, là một nhân viên y tế đôn hậu, chăm chỉ, đồng nghiệp yêu mến.
Mặc dù có hai con nhỏ, gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhưng giai đoạn cả nước căng mình chiến đấu với dịch bệnh, nữ điều dưỡng chẳng ngại vất vả.
"Biết là dịch bệnh nguy hiểm, cũng lo lắm nhưng vì nhiệm vụ nhà nước giao phó, ai cũng sợ thì ai làm… Có những ngày nó đi suốt cả ngày lẫn đêm, dù đã hoàn thành công việc của mình, nhưng khi đồng nghiệp có việc nhờ, Tình vẫn sẵn sàng giúp." – bà Ngát kể.
Trong suốt thời gian công tác, năm nào điều dưỡng Tình cũng nhận được khen thưởng. Ngày chị mất, bạn bè đồng nghiệp đến tiễn đưa chị rất đông, họ chia sẻ với gia đình niềm tiếc thương vô hạn.
Mất mát đau thương, khó khăn chồng chất, dẫu mất mẹ, những đứa trẻ vẫn sẽ lớn lên trong sự bù đắp yêu thương của bố, của bà. Dù anh Quynh khó có thể làm một công việc ổn định hơn ngoài đi làm công trình vì còn phải lo lắng, đưa con đi viện thăm khám nhưng anh vẫn đang cố gắng từng ngày thay vợ chăm sóc con, chăm sóc hai mẹ.
Năm tháng đi qua, vết thương trong lòng những người thân yêu của chị Tình dần kín miệng, nhưng những mất mát của gia đình chị và các y bác sĩ trong đại dịch COVID-19 luôn nhắc nhở những người đang sống phải sống cho xứng đáng với những sự hy sinh.