Giây phút quốc kỳ Việt Nam được kéo lên sau trận chung kết môn bóng đá nữ tại kỳ Sea Games 32, đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia Việt Nam chính thức đi vào lịch sử của giải đấu. 

Huy chương Vàng bóng đá nữ thứ 8 và là tấm huy chương vàng thứ 4 liên tiếp tại các kỳ SEA Games, thành quả đó có được thật sự rất kỳ công.

“Tôi cùng đồng đội, ban huấn luyện, các vận động viên của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam rất vui mừng và hạnh phúc khi nhìn lại những nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và chúng ta đã đạt được thành tích lịch sử.” – Bác sĩ Trần Thị Trinh, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, nói.

Bén duyên với nghề bác sĩ thể thao và đồng hành với đội tuyển nữ từ năm 2003, trải qua các kỳ thi đấu, giải đấu quan trọng cũng đội tuyển cũng là quá trình bác sĩ Trinh tích lũy kinh nghiệm cho chính mình. 

Từ năm 2019 đến nay, bác sĩ Trần Thị Trinh công tác tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.

Những 'người hùng' cần mẫn sau tấm huy chương - Ảnh 1.

Bác sĩ thể thao không lạ lẫm tại các quốc gia có nền thể thao phát triển, tuy nhiên tại Việt Nam, vai trò của các bác sĩ thể thao mới dần được công nhận trong thời gian gần đây.

Là bác sĩ trên sân cỏ cũng đồng nghĩa với việc phải thực hiện những công việc thầm lặng. Sự âm thầm theo họ từ bước chạy vội vã vào sân, đến những bước chân đồng hành cùng các cầu thủ.

Những 'người hùng' cần mẫn sau tấm huy chương - Ảnh 2.

Để chuẩn bị cho giải đấu, số lượng cầu thủ được gọi trong mỗi đợt tập trung khoảng 20-30 người, trong khi đó lực lượng đội ngũ y tế theo đội lại mỏng. 

Tại đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam, hiện có 2 bác sĩ thể thao trực tiếp theo đội là bác sĩ Trần Thị Trinh, phụ trách chính, cùng đồng đội là kỹ thuật viên Lương Thị Thuý. Bên cạnh đó, tùy vào từng giải đấu, sẽ có sự hỗ trợ lực lượng từ các bệnh viện.

Trong thể thao, cuộc đời vận động viên sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu gặp các chấn thương không được phát hiện kịp thời. 

Bên cạnh công tác điều trị và tập luyện, dinh dưỡng cũng là vấn đề mà đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thường xuyên gặp phải khi tập huấn hay thi đấu quốc tế.

Khác biệt về nền ẩm thực ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng, khi đó các bác sĩ theo đội "hóa thân" thành những người đầu bếp. Trực tiếp đi chợ, vào bếp, điều chỉnh khẩu vị phù hợp, cải thiện chất lượng bữa ăn cho vận động viên.

“Để chăm sóc cho cầu thủ, yêu cầu đầu tiên là bác sĩ cũng phải đảm bảo sức khỏe và luôn yêu thương vận động viên như là con em trong nhà. Bởi trong thời gian tập luyện và thi đấu căng thẳng, phải xa gia đình thời gian dài, các bạn cần những lời động viên, bác sĩ sẽ là những người chia sẻ, đồng cảm cùng các bạn về những khó khăn trong cuộc sống, để vận động viên có thể đạt được tâm lý thi đấu đỉnh cao. Cùng với ban huấn luyện, đội ngũ bác sĩ luôn luôn đưa ra những phương án để giải tỏa tâm lý cho vận động viên. Điều đó rất quan trọng.” – Bác sĩ Trinh chia sẻ.

Ảnh: Bác sĩ Trần Thị Trinh chăm sóc sức khỏe cho cầu thủ đội tuyển Bóng đá nữ Quốc gia

“Theo chân” các vận động viên tại rất nhiều giải đấu từ cấp khu vực cho đến châu lục, có thể nói bác sĩ Trinh và kỹ thuật viên Thúy giống như những người mẹ, người chị tảo tần, họ chăm lo "bữa ăn, giấc ngủ," điều trị những chấn thương, theo dõi sức khỏe của các vận động viên. 

Việc nhiều, nhưng số bác sĩ còn ít, vậy nên có đôi khi bác sĩ như “gánh vác” cả đội tuyển.

Những 'người hùng' cần mẫn sau tấm huy chương - Ảnh 4.

Trước khi tiếng còi trận đấu vang lên, bác sĩ là người chuẩn bị cho những công tác quan trọng nhất về mặt sức khỏe và tinh thần cho vận động viên.

Khi trận đấu đang diễn ra, mỗi khi tiếng còi tạm dừng vang lên, một vận động viên phải tạm dừng thi đấu vì chấn thương, ngay lập tức là sự có mặt của đội ngũ bác sĩ trên sân để kịp thời sơ cấp cứu. Sau khi trận đấu kết thúc, họ phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và phục hồi cho cầu thủ.

Sự tận tụy và tâm huyết này là những điều luôn xuất hiện nhưng ít người được chứng kiến trên sân cỏ.

Ảnh: Các bác sĩ thể thao là người đồng hành, điểm tựa sức mạnh của vận động viên trên hành trình chinh phục các giải đấu đỉnh cao.

Luôn chân luôn tay, chỉ đến khi đảm bảo mỗi vận động viên đều đã nhận được sự chăm sóc tối đa, mới là thời điểm các bác sĩ được nghỉ ngơi. 

Dù có không ít khó khăn và vất vả do số lượng bác sĩ tham gia trong giải đấu tương đối ít, đồng nghĩa mỗi bác sĩ phải thực hiện khối lượng công việc cao, song, theo bác sĩ Trinh: “Cùng toàn thể ban huấn luyện, chúng tôi cũng thảo luận để có kế hoạch làm việc phù hợp, chẳng hạn sau mỗi trận đấu, sẽ tập trung chăm sóc phục hồi cho các cầu thủ ở đội hình thi đấu chính, sau đó mới đến các cầu thủ dự bị. May mắn, ở đội tuyển bóng đá nữ, hầu hết các cầu thủ đều đã dày dặn kinh nghiệm thi đấu, các bạn cũng hỗ trợ các bác sĩ tự chăm sóc cho nhau. Nhờ đó, chúng tôi cũng được chia sẻ phần nào áp lực trong công việc.”

Bên cạnh đó, với sự phát triển của nền y học thể thao, sự quan tâm và đầu tư kịp thời từ lãnh đạo Liên đoàn thể thao, đội ngũ y bác sĩ có thêm sự hỗ trợ từ các trang thiết bị y tế hiện đại. Công tác chăm sóc sức khỏe cho vận động viên được đảm bảo và nâng cao hơn.

Những 'người hùng' cần mẫn sau tấm huy chương - Ảnh 6.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu bắt đầu công tác, khi nền y học thể thao của Việt Nam còn chưa phát triển, hạn chế và chưa đủ để phục vụ công tác thể thao, bác sĩ Trần Thị Trinh chia sẻ: “Khi ấy, tôi cùng với bác sĩ Phạm Thị Thủy, chúng tôi cũng chỉ có cái máy siêu âm, máy massage cầm tay mang đi,đa số chỉ massage bằng tay. Hiện nay, được sự quan tâm của Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn bóng đá Việt Nam thì đội tuyển Bóng đá nữ đã được đầu tư bài bản về máy móc, trang thiết bị y tế, thuốc men cho vận động viên để kịp thời điều trị tại chỗ, đối với công tác khám bệnh chuyên sâu chúng ta cũng đã có các chuyên khoa đầu ngành tại các bệnh viện.”

Cõ lẽ, không riêng bóng đá, ở bất kỳ một môn thi đấu nào của thể thao Việt Nam, với truyền thống đoàn kết dân tộc, dù mỗi một công việc, nhiệm vụ đều có những khó khăn, vất vả riêng nhưng khi việc tới tay dù là bác sĩ hay nhân viên vật lý trị liệu hay các vận động viên đều chung tay. Đoàn kết chính là sức mạnh tiềm tàng đưa thể thao Việt Nam bước tới đỉnh cao.

Những 'người hùng' cần mẫn sau tấm huy chương - Ảnh 7.

Cùng làm công tác chăm sóc sức khoẻ, song, so với những người đồng nghiệp trong ngành, công tác chuyên môn của bác sĩ thể thao cũng có nhiều đặc thù riêng và cả những thiệt thòi nhất định.

Đối với các vận động viên thì các chấn thương lớn gây ảnh hưởng đến tính mạng ít xảy ra, tuy nhiên bệnh lý thể thao thường tiềm ẩn, khó phát hiện, cần sự hiểu biết sâu và cần có phương tiện chuẩn đoán chuyên khoa, đồng thời tham khảo tài liệu của các nước phát triển, các câu lạc bộ lớn...Việc thăm khám cho các vận động viên cũng có những đặc thù. Những chấn thương dai dẳng không phát hiện kịp thời khiến các vận động viên không thể tập trung tập luyện và thi đấu.

Bác sĩ Trần Thị Trinh chia sẻ về công tác chăm sóc sức khỏe cho vận động viên - Video: Minh Ánh

Do đó, đối với những tình huống vận động viên bị thương khi thi đấu đòi hỏi bác sĩ thể thao cần lập tức có sự đánh giá tổng quát tình hình chấn thương, đưa ra quyết định ngay tức khắc. Nhất là với các môn thể thao tập thể như bóng đá, trạng thái thi đấu của một cầu thủ sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung.

Vừa là một bác sĩ nhưng bác sĩ Trinh, bác sĩ Thủy hay nhiều bác sĩ thể thao khác cũng là những người cha, người mẹ. Phần lớn thời gian dành cho đội tuyển, chăm lo cho vận động viên về tập luyện, ăn uống, khẩu phần ăn dinh dưỡng nhưng với gia đình, thì chính các bác sĩ thể thao lại không thể chăm lo được chu toàn.

Những 'người hùng' cần mẫn sau tấm huy chương - Ảnh 8.

Sau mỗi tấm huy chương lấp lánh, mỗi một thành tích vẻ vang, người ta thường gắn liền vinh quang đó đối với tên tuổi của các vận động viên. Dù cho ánh hào quang không chiếu vào, dù cho còn nhiều nữa những vất vả không nói nên lời, nhưng điều đáng quý là niềm đam mê với nghề vẫn luôn giữ họ một lòng ở lại bên đường pitch.

Với ngôi sao trên ngực áo, cả dân tộc ngàn năm văn hiến sau lưng, gác lại nỗi niềm riêng, đội ngũ bác sĩ cùng đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam tiếp tục siết chặt tay nhau, cùng hướng đến chiến công hiển hách, vang dội hơn nữa cho thời khắc lịch sử tại giải World Cup nữ 2023.

Ý kiến của bạn