Chuyến bay VN0054 khởi hành từ London, Anh đáp xuống sân bay Nội Bài rạng sáng 2/3/2020  là ký ức khó quên với nhiều người dân Việt Nam. Sau hơn 20 ngày không có ca bệnh mới, cả nước chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống Covid-19 với nhiều ca bệnh khó, diễn tiến nặng, trong đó có cả bệnh nhân quốc tịch nước ngoài.

Với ông Dixong John Garth, 74 tuổi và vợ là bà Shan Coralie Barker, hai hành khách trên chuyến bay trong "đêm định mệnh", đó cũng là một ký ức không thể quên. Ba năm sau, hai người đã đáp chuyến bay trở về Việt Nam, mang theo những cảm xúc đặc biệt.

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 1.

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 3.

Vào 3 năm trước, ngay khi máy bay hạ cánh, ông bà Shan đã vô cùng háo hức và sẵn sàng cho hành trình khám phá đất nước Việt Nam. Hồi tưởng lại khoảng thời gian đó bà Shan xúc động chia sẻ: "Chúng tôi đã lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ sáu tuần tới Việt Nam và Campuchia nhưng thay vào đó, chúng tôi lại có sáu tuần ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị COVID-19. Khi ấy chúng tôi đã rất buồn. Vì vậy, bây giờ chúng tôi quay trở lại để thực hiện những gì mình đã bở lỡ."

Hai vị khách nước ngoài được ghi nhận là bệnh nhân mắc COVID-19 số 24 và 28. Trong đó, ông Dixong John Garth là một trong số các ca bệnh diễn biến nặng đầu tiên của Việt Nam. Bệnh nhân được chuyển xuống khoa Hồi sức Tích cực trong tình trạng khó thở tăng, cần thở oxy và có tiền sử ung thư máu 10 năm. Ngày 27/3/2020, ông bị suy hô hấp nặng không đáp ứng với oxy lưu lượng cao phải chuyển sang thở máy.

 Là một cựu điều dưỡng, bà Shan hiểu rất rõ tình hình sức khoẻ của chồng và bản thân mình như thế nào, vậy nên khoảng thời gian đầu biết mình mắc COVID-19, họ đã rất sợ hãi khi ở trong bệnh viện: "Cả hai chúng tôi đều nghĩ rằng chúng tôi sẽ chết.". Song, trải qua giai đoạn đứng giữa "lằn ranh sinh tử", họ cảm thấy biết ơn và thậm chí là có phần may mắn khi được điều trị tại Việt Nam.

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 3.

Ngày trở lại, cảm xúc trong họ tuôn trào, vui mừng vì đã được trò chuyện, ngắm nhìn gương mặt của các y, bác sĩ, điều mà hai bệnh nhân không thể khi còn điều trị: Y bác sĩ lúc đó luôn trong trang phục bảo hộ kín mít, nhưng đã tận tụy hàng ngày để cứu sống ông bà cùng các bệnh nhân COVID-19.

"Việc chăm sóc và điều trị trong bệnh viện thật tuyệt vời. Mặc dù có sự bất đồng về ngôn ngữ, chúng tôi vẫn cảm nhận được các y bác sĩ khi ấy đã và đang làm mọi thứ có thể để cứu sống chúng tôi. Có rất nhiều điều khiến tôi ấn tượng khi điều trị tại Việt Nam, đó là hình ảnh các nhân viên y tế ngủ trên xe đẩy, chấp nhận xa gia đình của họ trong nhiều tháng… Sự cống hiến một cách thuần túy. Hay các bữa ăn... Các đầu bếp Việt Nam thậm chí còn cố gắng cho chúng tôi một số món ăn kiểu Anh" – bà Shan kể.

Tại khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, tiếng bíp bíp liên tục của máy thở, nhân viên y tế 24 giờ túc trực theo dõi từng nhịp mạch đập của bệnh nhân, nữ điều dưỡng Vũ Thị Thuỳ Nhinh đang chuẩn bị cho ca làm việc tiếp theo của mình, dành vài phút trò chuyện, chị tâm sự: "Tuyến hồi sức là tuyến cuối cùng, đã vào hồi sức là 50/50, để cứu được bệnh nhân ra khỏi phòng hồi sức là tốn rất nhiều trí óc, tâm huyết của các bác sĩ dồn vào. Nhưng để bệnh nhân ra khỏi phòng hồi sức mà trờ lại bình thường như hai ông bà là quý lắm."

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 4.

 Nói về những ngày không thể quên, "quyết chiến COVID-19" cùng bệnh nhân và đồng nghiệp, khoảng thời gian chăm sóc cho hai bệnh nhân người Anh, chị Nhinh nhớ mãi kỷ niệm cùng ông Dixong John Garth tập hồi phục quanh hành lang bệnh viên. Người điều dưỡng ví mình như một chiếc nạng để bệnh nhân bám vào, vừa kéo bình oxy và cùng tập những bước đi đầu tiên.

 "Người ông cao to gấp hai gấp ba lần tôi, nhớ mãi hôm ông suýt trượt chân ngã, mình rất sợ, bởi bệnh nhân điều trị trong phòng cấp cứu ICU mà ngã, hậu quả có thể xảy rất nhiều tai biến. Thế nhưng ông chỉ cười và bảo "tôi có thể vít lên được", ông rất cố gắng" – chị Nhinh nhớ lại.

Hơn thế, chị Nhinh cũng đặc biệt ấn tượng và ngưỡng mộ tinh thần lạc quan, tình cảm mà ông bà Shan dành cho nhau. Mỗi lần được vào thăm chồng, bà Shan luôn gửi lời động viên và cảm ơn tới y, bác sĩ. Không những vậy, với kinh nghiệm có được khi còn là điều dưỡng bên nước Anh, bà cũng hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân dưới sự hướng dẫn và quan sát của nhân viên y tế bệnh viện.

Hành lí trở lại Việt Nam lần này của ông bà Shan còn mang theo một món quà đặc biệt gửi tặng đội ngũ nhân viên y tế như một lời cảm ơn sâu sắc đó là cuốn sách đã ghi lại những tháng ngày điều trị COVID-19: " A diverse nurse thanks Viet Nam – A story of life, laughter, loss, and love". 

Cuốn sách đầu tay của ông John và bà Shan là món quà cảm ơn y bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Lời mở đầu trong cuốn sách bà Shan bày tỏ: "Cuốn sách này xin được dành tặng cho tất cả những con người đang làm việc chăm chỉ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với tình yêu và lời cảm ơn vì sự quan tâm chăm sóc tuyệt vời của họ"

Không có nhiều kinh nghiệm trong viết sách, nhưng với mong muốn được chia sẻ, lan toả, bà Shan vẫn quyết định xuất bản cuốn sách đầu tay của mình là câu chuyện về cuộc sống, niềm vui, sự hy sinh và tình yêu mà hai ông bà đã trải qua tại Việt Nam.

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 8.

Quay ngược lại thời gian cách đây 3 năm về trước, COVID-19 là gì?… Lo lắng và sợ hãi là tâm trạng chung của hầu hết các bệnh nhân và kể cả những người thầy thuốc.

Trực tiếp tham gia điều trị cho hai bệnh nhân người Anh, bác sĩ Phạm Văn Phúc, cho biết: "Mặc dù đã có sự chuẩn bị từ trước, nhưng chúng ta vẫn không có quá nhiều thông tin nghiên cứu, phác đồ điều trị chưa rõ ràng, cũng không có thuốc điều trị cụ thể. Đối với việc điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài, khó khăn cũng nhiều hơn khi chúng ta có sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá."

_Bác sĩ Phạm Văn Phúc người trực tiếp tham gia điều trị cho hai bệnh nhân người Anh (video Minh Ánh)

Triền miên trong những tháng ngày căng thẳng, xa người thân, xa gia đình, khoác trên người đồ bảo hộ, đôi tay khám chữa bệnh đã không có được cảm giác thật nhất do 4,5 lớp găng tay y tế, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, các ngón tay lại săn hết lại. Sự ngột ngạt, tâm lý lo sợ việc lây nhiễm đè nặng trong lồng ngực mỗi thầy thuốc.

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 10.

Nhân lực hạn chế nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo, các y bác sĩ thay nhau làm mọi thứ vừa điều trị, vừa chăm sóc cho bệnh nhân.

" Thật sự rất kinh khủng, khó tả, nhưng nếu mà mình cứ sợ mình không tiến vào để cứu bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ mất đi cơ hội sống. Giai đoạn đó cũng có một cái mục tiêu cho anh em y tế là: Bệnh nhân còn ít, chúng ta phải cố gắng làm sao mà không để bệnh nhân tử vong. Điều đó càng tăng thêm áp lực cho nhân viên hồi sức. Làm sao để chăm sóc bệnh nhân không nhiễm khuẩn, làm sao để bệnh nhân nhanh rút ống và bệnh nhân khỏi bệnh…" – chị Nhinh bộc bạch.

Gần 9 năm công tác trong ngành y, chưa khi nào chị Nhinh cảm thấy bản thân mình áp lực và ý định muốn buông xuôi dồn nén bản thân kinh khủng như thời điểm 3 năm trước. Vẫn không gian làm việc quen thuộc, nhưng mọi thứ trở nên nặng nề hơn rất nhiều.

Tuy vậy trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân chị Nhinh luôn tự động viên và tâm niệm: "Khi mình làm việc xuất phát bằng trái tim, sẽ cảm nhận được cái thành quả khi đó, mà người bệnh quay lại cảm ơn mình nó ấm áp lắm, truyền thêm động lực cho mình mạnh mẽ lắm."

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 9.

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 12.

Khi bệnh nhân một mình trong phòng bệnh, nhân viên y tế vừa là "lương y" cũng vừa là "từ mẫu". Quá trình từ tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc", đến cùng bệnh nhân bắt đầu lại với những bước đi đầu tiên và sau đó là bệnh nhân khoẻ mạnh ra viện, đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ, đáng tự hào của các y bác sĩ Việt Nam.

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 11.

Khoảnh khắc ông John vẫy tay chào cán bộ nhân viên y tế là hình ảnh khó quên với điều dưỡng Vũ Thị Thuỳ Nhinh

Bày tỏ về sự ấn tượng của mình đối với ngành Y tế Việt Nam, theo bà Shan Coralie Barker,  các nhân viên bệnh viện đã làm việc rất chăm chỉ để tránh bất kỳ trường hợp tử vong nào. 

Việt Nam đã nhận thức và ứng phó với dịch COVID-19, quyết liệt khi truy vết các trường hợp có nguy cơ nhiễm virus và bao gồm cả các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đợt dịch bùng phát.

Bà Shan chia sẻ tình cảm về đất nước, con người Việt Nam

"Đối với ngành y, không có một biên giới nào cả, tất cả nhân viên y tế đều mong là có thể chăm sóc sức khoẻ tốt cho bệnh nhân, dù là bệnh nhân trong nước hay nước ngoài. Mình đều mong muốn có thể chăm sóc tốt nhất cho họ. Sau một quá trình điều trị họ vẫn nhớ đến mình, đó là niềm vui, một niềm động viên. Điều đó cũng tạo lên một mối quan hệ, sự gắn kết đặc biệt giữa bác sĩ và người bệnh" – bác sĩ Phạm Văn Phúc chia sẻ.

Việt Nam đối với ông Dixong John Garth và bà Shan Coralie Barker không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch thú vị, đó là nơi đã giữ lại cho ông bà cơ hội được sống. Con người Việt Nam khiêm tốn, lịch sự và hoà nhã.

Sau quá trình điều trị COVID-19 tại Việt Nam, ông John và bà Shan đã gửi lại những hình ảnh mà họ kịp ghi lại trước khi quay trở về Anh cho các nhân viên y tế, các bức hình đã khiến họ không khỏi xúc động. 

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 13.

Chuyến du lịch sau ba năm mới có thể thực hiện của ông John và bà Shan tại Việt Nam.

Đối với điều dưỡng Thuỳ Nhinh, ấn tượng đẹp đẽ của nhân viên y tế trong mắt bạn bè quốc tế là một sức mạnh to lớn: "Ồ mọi người sẽ biết đến sự nỗ lực của y tế Việt Nam, đây là động lực này cho anh em ngành y này, cùng cố gắng phát triển, cùng vươn ra, không chỉ chữa bệnh cho bệnh nhân Việt Nam mình mà còn ứng phó được tất cả, chăm sóc được toàn diện hơn."

Mặc dù bệnh nhân đã trở về Anh quốc song các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn giữ liên lạc và tư vấn sức khoẻ cho vợ chồng ông bà Shan. Họ cũng thường xuyên gửi những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày để các y bác sĩ nắm bắt tình trạng sức khoẻ và tiến triển phục hồi hậu COVID-19. 

Niềm vui ngày hội ngộ sau "cuộc chiến COVID-19" - Ảnh 16.

Bác sĩ Phúc đến thăm ông bà Shan nhân chuyến công tác tại London, Anh.

Thành công trong việc cứu chữa cho bệnh nhân nước ngoài và cuộc hội ngộ đặc biệt tượng trưng cho tinh thần dân tộc những con người yêu chuộng hoà bình và coi trọng sự sống vượt qua biên giới quốc gia dân tộc. Tài năng và tâm huyết của các bác sĩ Việt Nam như một điểm sáng ấm áp giữa đại dịch COVID-19 nguy hiểm.

Không chỉ thể hiện tinh thần y đức của người thầy thuốc Việt Nam luôn luôn hết lòng phục vụ cho người bệnh không phân biệt trong nước hay quốc tế, bằng tất cả các biện pháp mà ngành y tế Việt Nam có thể thực hiện được. Đó còn cho thấy những giá trị nhân văn sâu sắc, sự cống hiến thuần tuý của y bác sĩ góp phần nâng cao vị thế, niềm tin của đất nước ta trong mắt bạn bè quốc tế.

Ý kiến của bạn