Vinh dự là một trong 10 gương mặt Thầy thuốc trẻ tiêu biểu năm 2021 vừa được Trung ương Đoàn, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tuyên dương, BS Đặng Thị Yến Vy, BVĐK Mỹ Phước, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương nhỏ nhẹ: Khi dịch căng thẳng, là người thầy thuốc trẻ chúng em sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu.
Trưởng thành
Yến Vy kể, ngày 5/8/2021, em đi trực ở bệnh viện, nhận được quyết định điều động đến bệnh viện dã chiến. Sáng 6/8, về nhà lúc 4h, nhét vội vài bộ quần áo vào balô rồi quay lại bệnh viện, leo lên xe đến bệnh viện thu dung ngay. "Đến nơi rồi điện thoại về nhà báo thì gia đình mới biết em tham gia chống dịch", Yến Vy bật cười, nhớ lại.
Và không chỉ Yến Vy, rất nhiều y bác sĩ trẻ của Bình Dương đã nhanh chóng, hăng hái lên đường như vậy.
Tự nhận mình là người "vô tư, vô lo" nhưng nữ bác sĩ Đặng Thị Yến Vy thừa nhận: làm việc ở vùng khó khăn đúng là... khó khăn thật! Chị và đồng nghiệp luôn căng mình với những bất ngờ không có trong sách vở hay giáo án trên trường.
Nhớ lại những ngày nóng bỏng ở Khu điều trị Thới Hòa nơi BS Đặng Thị Yến Vy được phân công chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Chị nhớ lại, đêm 2/9/2021, Khu điều trị bất ngờ được thông báo nhận thêm 2.000 người mắc COVID-19, trong khi nhân lực khi đó chỉ hơn 300 người cả thầy thuốc, tình nguyện viên, công an.
"Anh cứ hình dung, chỉ trong 1 đêm 2.000 con người, một biển người đổ xuống khu điều trị. Chúng em phải phân loại, làm không ngơi tay, nói không hết lời để kịp đưa người dân vào nhận giường, bố trí chỗ ngủ. Công việc không tránh khỏi quá tải vì điều kiện thiếu thốn. Đến sáng hôm sau, bữa sáng mang vào khu điều trị không đủ, cả ngàn con người gào thét, xô cửa tràn ra ngoài. Hình ảnh đó không bao giờ quên với thầy thuốc trong những ngày đó"– BS Vy bồi hồi.
Không phải là lần đầu tiên tham gia hoạt động phòng chống COVID-19, bác sĩ trẻ Đặng Thị Yến Vy (Khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, BVĐK Mỹ Phước) cho biết, 93 ngày tham gia tại Khu điều trị bệnh nhân COVID được coi là lớn nhất Việt Nam khi ấy là những ngày giúp chị trưởng thành trong chuyên môn và có thêm những tình bạn từ khắp mọi miền đất nước.
Là bác sĩ đầu tiên tham gia công tác điều trị tại Khu điều trị COVID-19 Thới Hoà thuộc Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Dương, Yến Vy cùng BS CKI. Lê Ngọc Vũ (Giám đốc chuyên môn của khu) xây dựng quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân phù hợp nhất với tình hình lúc đó.
Sử dụng phần mềm, công tác chăm sóc theo dõi sức khoẻ người bệnh, triển khai bệnh án điện tử đáp ứng số lượng hàng nghìn bệnh nhân điều trị cùng một lúc tại khu điều trị.
Dịch bệnh lúc đó vô cùng căng thẳng, thiết kế ban đầu của Khu điều trị là 5.000 giường rồi lên 7.000, 9.000 giường và lúc cao điểm là 13.000 giường.
Thầy thuốc từ nhiều địa phương phía Bắc được tăng cường đến Bình Dương hỗ trợ, Yến Vy được giao làm đầu mối kết nối với các đoàn bác sĩ của các địa phương.
"Điện thoại của em luôn trong tình trạng phải sạc pin. Vì mình là thầy thuốc tại địa phương, đồng nghiệp tỉnh bạn gặp khó cần giúp đỡ là đến em. Từ tờ giấy A4 thiếu đến thuốc đánh răng của bệnh nhân chưa đủ, cũng cần đến mình. Cảm giác sợ tiếng chuông điện thoại đến tận bây giờ, em vẫn chưa quên", Vy kể.
Hơn 100 thầy thuốc của Bình Dương và các địa phương đến đây hỗ trợ, bác sĩ Vy quản lý, sắp xếp gần hết các hoạt động từ chuyên môn đến ngoài chuyên môn nên lịch làm việc "xoay như chong chóng".
Những tháng ngày khó quên...
Khi được hỏi về một ngày áp lực nhất, giọng Yến Vy thoáng chút trầm ngâm: Trong thời gian cao điểm nhất của đại dịch, mỗi ngày chúng em phải tham gia điều trị, chăm sóc cho hơn 13.000 bệnh nhân.
Riêng em phải trực tiếp thăm khám và theo dõi điều trị cho hơn 300 bệnh nhân COVID, bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng vừa và nhẹ, bệnh nhân nặng và cả bệnh nhân nặng phải thở ôxy dòng cao HFNC.
"Áp lực công việc lớn có lúc phải làm việc liên tục 18 đến 20 tiếng mỗi ngày, có ngày làm liên tục 24 giờ không nghỉ. Em không hiểu tại sao lúc đó em… khỏe đến thế", Vy cười tươi.
Có tận mắt chứng kiến Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa mới thấu hiểu vất vả, khổ cực của thầy thuốc. Khu điều trị bệnh nhân được xây dựng trong thời gian chưa đến 1 tuần dựa trên các nhà xưởng, nhà kho.
Dù tỉnh Bình Dương đã nỗ lực lắp ráp hoàn chỉnh giường bệnh, quạt máy, nhưng chuyển công năng từ nhà kho thành nơi điều trị dã chiến cho 13.000 bệnh nhân COVID không tránh khỏi thiếu thốn. Từ nơi phơi quần áo, nhà vệ sinh, nước uống…. đều đến tay bác sĩ Vy và các thầy thuốc tăng cường ở các địa phương.
Thầy thuốc của Khu điều trị tham gia trực và cấp cứu, theo dõi sát diễn biến, chuyển viện kịp thời theo đúng quy định, giảm thiếu được nguy cơ tử vong cũng như chuyển biến nặng cho hàng trăm bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Phân loại nhanh, sàng lọc sớm, kịp thời điều trị người có diễn tiến bệnh nặng theo đúng phác đồ của Bộ Y tế nhằm giảm tải người bệnh phải cách ly, giảm gánh nặng cho tuyến trên là những công việc thường nhật của Vy và các đồng nghiệp..
Bộn bề với công việc chuyên môn, nhưng đến ngày Tết Trung thu, nhìn ngắm những ánh mắt trẻ thơ trong veo ở khu điều trị chưa được về nhà rước đèn, ngắm trăng, BS Vy đề xuất lên ban lãnh đạo, Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức 1 đêm tết Trung thu cho trẻ em tại khu điều trị.
"Có đèn ông sao, có bánh nướng, bánh dẻo, túi quà cho cả người lớn và trẻ con trong đêm Trung thu. Ánh mắt rạng ngời của bọn trẻ, bàn tay run run đón nhận túi quà của các bà, các chị làm chúng em quên hết mệt mỏi, tạm quên đi mình đang là bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID"- BS Vy nhớ lại.
Hôm nay, Bình Dương đã trở lại bình thường mới. Không còn những con đường vắng ngắt. Không còn nhiều tiếng còi xe cứu thương chạy dọc phố. Không còn những con hẻm chăng dây. Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa khi trước, nay đã trở lại là nhà xưởng chất đầy hàng hóa chờ ngày xuất xưởng.
Cuộc sống trở lại bình thường nhưng không cho phép chúng ta được quên những ngày gian khó chống đại dịch....