Ngày 30/1, kinh tế trưởng của IMF Pierre Olivier - Gourinchas cho biết định chế tài chính này hạ dự báo tăng trưởng của Singapore và các nền kinh tế Đông Nam Á khác trong năm 2023, do tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ lấn át tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Theo đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore năm 2023 từ mức 2,3% được đưa ra hồi tháng 10/2022 xuống còn 1,5%.
Với nhóm 5 nước ASEAN (gồm: Singapore, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Philippines), IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 4,5% đưa ra hồi tháng 10/2022 xuống còn 4,3%.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF Daniel Leigh cho rằng tăng trưởng kinh tế của ASEAN khó có thể đạt được tốc độ như năm 2022 (với mức tăng 5,2%), nhưng vẫn nhấn mạnh "tốc độ đáng ngạc nhiên" của các nền kinh tế này khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, tình trạng phân cực địa chính trị vẫn là yếu tố tác động tiêu cực đối với triển vọng của các nước ASEAN, dù một số nền kinh tế được hưởng lợi từ việc chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Cùng ngày, IMF đã công bố báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế thế giới. Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 2,9% từ mức 3,4% của năm 2022.
Với kinh tế Mỹ, IMF dự báo tăng trưởng chậm lại chỉ đạt 1,4% sau khi tăng trưởng 2% năm 2022. Trong khi đó, sau khi tăng trưởng 3,5% năm 2022 thì năm 2023, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng trưởng chạm đáy ở mức 0,7%.
Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi mức tăng trưởng dự kiến sẽ tăng khiêm tốn ở mức 4%.
Tại Trung Quốc, sau khi mở cửa trở lại, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ phục hồi lên mức 5,2%.
Giá Vàng Tiếp Tục Giảm, Dự Báo Sẽ Còn Hạ Đến “Khó Tin”