Đèo Pha Đin, hay là dốc Pha Đin, có độ dài 32km, thuộc Quốc lộ số 6, là cửa ngõ vào tỉnh Điện Biên. Điểm cao nhất của đèo là 1.648m so với mực nước biển, với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Là nơi tiếp giáp giữa đất và trời, theo ngôn ngữ của người Thái, nơi bắt đầu của hành trình kéo pháo cao xạ bằng sức người của bộ đội Việt Nam trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Đèo Pha Đin nhìn từ trên cao.
Theo PV ghi nhận, đèo Pha Đin có điểm khởi đầu, điểm kết thúc, song chặng giữa thì chỉ có thể đo đếm được bằng những gian nan của người lính pháo cao xạ. Đây là hành trình kéo pháo cao xạ bằng sức người qua nhiều đèo, dốc, vực sâu, núi cao, hướng tới cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, Hầm De Castries….
70 năm trước, khi đó đèo Pha Đin nằm trong tuyến đường huyết mạch tiếp vận vũ khí, đạn dược và lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ của bộ đội Việt Nam. Đây là nơi đã ghi dấu chân của 8.000 thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến với hàng trăm lượt gánh gồng, tải đạn, chở gạo qua đây mỗi ngày. Nó cũng là tuyến đường hành quân của các lực lượng bộ binh, pháo binh…
Đường kéo pháo vào Điện Biên không chỉ có một mà có nhiều chặng, nhiều hướng đi, nhiều đích đến. Có lúc, đó là đường dùng cho cả chiến dịch. Nhưng có khi, nó chỉ tồn tại để pháo được kéo qua trong vài giờ đồng hồ, rồi sau đó lại ẩn mình trong rừng sâu, núi thẳm như chưa từng có bao giờ.
Trong hệ thống đường kéo pháo bằng sức người chưa từng có trên thế giới ấy có một quãng đường đặc biệt được làm chỉ trong vòng 20 giờ, với chiều dài 15km, chạy từ cửa rừng Nà Nham, qua đỉnh Pha sông cao 1.150m, xuống Bản Tấu, Bản Nghễu.
Trên đoạn đường ấy, bộ đội Việt Nam đã kéo những khẩu pháo nặng 2,4 tấn hoàn toàn bằng sức người, vượt qua dốc núi cheo leo, đèo cao hiểm trở, vực sâu và máy bay địch gầm rít trên đầu. Gian nan không kể xiết, để rồi 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm vẫn kịp đồng loạt bắn cấp tập vào cứ điểm Him Lam, mở màn trận Điện Biên Phủ lúc 17 giờ ngày 13/3/1954.
Cụm tượng đài bằng đá sừng sững, phác họa 29 nhân vật trong tư thế kéo khẩu pháo 105 ly ngược dốc, tựa vào sườn đồi - do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tác. Tổng thể khối tượng đài dài 21m; cao 13,5m, rộng 7m; trọng lượng nặng 1.200 tấn, đặt trên bệ móng cao vững chãi. Khối tượng có nhiều mảng đường nét khoẻ khoắn, thanh thoát, mô tả tán cây xum xuê, dây leo chằng chịt, thể hiện sự nguyên sơ của núi rừng che chở bộ đội.
Theo các chuyên gia văn hóa, tượng đài kéo pháo bằng tay là một công trình nghệ thuật độc đáo, hình ảnh cả dân tộc vào trận, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, khẳng định ý chí "Không có gì quý hơn độc lập - tự do". Đặc biệt, đường kéo pháo xuyên rừng dài gần 4km, vắt ngang sườn núi, phục chế nguyên trạng có ý kiến thẩm định của một số cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử, bảo đảm đúng giá trị lịch sử: vết bánh xe khẩu pháo lún sâu, vết cày xới đất, cho chúng ta cảm nhận hình ảnh bộ đội găm mũi dày xuống đất, gồng mình kéo khẩu pháo nặng ngược dốc.