Chị Trần Hoa Lê (quận Hà Đông) sốt ruột khi con gái mình chuẩn bị vào lớp 1 mà vẫn chưa biết đọc, chưa biết viết nên đã gửi con tới lớp tiền tiểu học hơn 1 tháng nay.
Chị Lê chia sẻ: "Từ đầu tháng 4, tôi đã gom nhóm cho các con cùng lớp mẫu giáo với con mình tham gia một lớp tiền tiểu học. Mấy tuần qua, các con đã được cô giáo dạy đọc, dạy viết trước. Nếu như những năm trước chưa có dịch COVID-19 thì tại các trường mầm non, trẻ được làm quen với con số, chữ cái thì năm nay lại toàn phải ở nhà. Gia đình lo lắng khi con vào lớp 1 sẽ vất vả và không theo kịp các bạn nên đã cho con đi học trước kiến thức lớp 1 để yên tâm hơn".
Trên các diễn đàn mạng xã hội, các hội nhóm phụ huynh có con sinh năm 2016, chủ đề lớp tiền tiểu học cũng nhận được sự quan tâm lớn của các bậc phụ huynh. Đa số phụ phụ huynh đều sợ con không tiếp thu và bắt kịp kiến thức mới nên đã quyết định tìm lớp cho con học thêm từ rất sớm.
Trẻ có cần đi học trước các lớp tiền tiểu học?
Trước tâm lý phân vân, lo lắng của các bậc phụ huynh về việc có nên cho con đi học tiền tiều học hay không, thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Trường liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi khuyên các bậc phụ huynh không nên sốt ruột cho con đi học trước. Cho con đi học trước chỉ có hại vì sau này trẻ cậy đã học trước nên khi vào lớp sẽ không chú ý, các cô giáo sẽ khó dạy. Hơn nữa, việc dạy trước sẽ không đúng theo quy tắc, hướng dẫn mang tính nghiệp vụ sâu của lớp 1 mà chỉ các cô giáo lớp 1 mới thạo, mới làm được".
Theo thầy Hòa, nếu các bậc phụ huynh cho con đi học tiền tiểu học thì nên chọn lớp mà con được làm quen, con được vui chơi, được huấn luyện quen nề nếp học tập, quen trường quen lớp, chứ đừng bắt con học nhiều.
Còn cô Nguyễn Phương Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, thay vì cho con đi học các lớp tiền tiểu học, cha mẹ nên gần gũi tâm tình với con và có thể cho con đến các trường tiểu học dự thính xem các anh chị học, thăm quan, trải nghiệm...
"Các trường mẫu giáo nên có chương trình ngoại khóa hướng tới phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, các trường nên liên kết với trường tiểu học trên địa bàn phường cho các con đi thăm quan, trải nghiệm để các con vừa có cơ hội làm quen dần với hoạt động và không khí tiểu học vừa tạo cho con trí tò mò cũng như niềm phấn khởi khi đi học lớp 1", cô Hoa nói.
Ở góc độ chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thu Nga (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết trước khi con vào lớp 1, tâm lý chung phụ huynh đều lo con sẽ không bắt kịp các bạn.
Tuy nhiên, về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính học sinh. Việc học trước cũng dẫn đến hệ lụy giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học có em biết chữ trước và có em chưa biết, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên.
Mặt khác, chương trình lớp 1 hiện hành được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng 4 tiết, chiều không quá 3 tiết. Trẻ học cả ngày, các kiến thức cơ bản đã hoàn thành tại lớp. Do đó, phụ huynh không nên lo lắng và đặt ra chuyện phải cho trẻ học tiền lớp 1.
Theo các chuyên gia, những lo lắng của các bậc phụ huynh khi con sắp lên lớp 1 là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu gây áp lực quá hoặc sai phương pháp sẽ biến thành lợi bất cập hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và nhận thức của con em mình. Thay vì cho bé học những lớp tiền tiểu học, học trước kiến thức, cha mẹ nên trang bị những kỹ năng cần thiết và chuẩn bị tâm lý vững vàng cho con trước khi bước vào lớp 1.