Con cái thể hiện sự sành điệu, phụ huynh "tối tăm" mặt mũi
Ngày 22/8, tại Trường THPT Yên Hưng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), một học sinh nữ lớp 11 khi đi học mang theo thuốc lá điện tử sau đó rủ các bạn hút cùng. Đến khi gần vào tiết đầu tiên, 7 học sinh có biểu hiện chóng mặt và nôn trong lớp sau khi hút thuốc lá điện tử.
Việc học sinh hút thuốc lá điện tử không còn là mới nhưng nhiều gia đình vẫn sốc. Chia sẻ với PV, chị Lan Anh (có con học lớp 9 ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Sau ngày tựu trường vào đầu tháng 8, con trai chị đi học được vài hôm thì húng hắng ho. Nghĩ con bị viêm họng và chưa đưa con đi bác sĩ khám được nên chị Lan Anh đã mua cho con viên ngậm và cho vào balo để con mang đến lớp uống vào buổi trưa thì tá hỏa phát hiện trong balo của con có một điếu thuốc lá điện tử hình USB. Theo chị Lan Anh, sau khi tra hỏi thì cháu khai là đã hút cùng bạn từ cuối năm học vừa rồi.
"Tôi rất sốc vì bình thường con trai tôi rất ngoan, không hiểu nghe bạn bè lôi kéo kiểu gì mà con tôi lại hút thuốc lá điện tử. Mấy tuần vừa qua, cả gia đình đã phải vào cuộc để giúp con bỏ thuốc lá, đồng thời kết hợp với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường vận động nhóm học sinh trong lớp cùng bỏ thuốc để tạo môi trường tốt cho con".
Ngoài lo ngại về con hút thuốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thì chị Lan Anh còn lo lắng khi con sử dụng thuốc lá điện tử còn là nguy cơ khiến học sinh gia nhập các băng nhóm thanh thiếu niên, gia tăng tình trạng cô lập và bắt nạt học đường, gây nhiều bất ổn trong trường học.
Khi được hỏi về lý do sử dụng thuốc lá điện tử, T.T.L - con trai chị Lan Anh cho biết: "Lúc đầu em thử vì tò mò, dùng vài lần thấy quen. Mỗi khi chúng em đi chơi hay đá bóng thì đều mang đi để hút cùng nhau. Cầm điếu thuốc trên tay và đưa lên miệng hút cảm thấy mình thật phong cách, thời thượng, có khí chất đàn ông. Bạn nào không biết hút sẽ bị cho là "nhạt".
Trả lời câu hỏi về tác hại của thuốc lá điện tử, T.T.L. ngây thơ nói: "Em và bạn bè đều biết tác hại của thuốc lá nhưng chúng em nghĩ thuốc lá điện tử không phải làm từ sợi thuốc, không đốt bằng lửa… nên không có hại như thuốc lá thường".
Theo khảo sát của PV Sức khoẻ&Đời sống, lướt qua một số trang mạng như Youtube, Instagram, hay các sàn thương mại điện tử, người dùng có thể dễ dàng và tìm mua bất cứ sản phẩm thuốc lá điện tử nào.
Bằng thao tác gõ từ khóa "thuốc lá điện tử" trên thanh công cụ tìm kiếm Google đã cho ra hàng triệu kết quả tìm kiếm với nhiều chỉ dẫn chi tiết về địa chỉ, thông tin sản phẩm, giá bán cũng như những lời quảng cáo hoa mỹ (từ vài chục nghìn đến vài triệu động với đủ các hình dạng bút bi, bút dạ quang, USB, son môi... với đa dạng hương vị dâu, cam, xoài, dưa hấu, trà sữa…). Hầu hết các sản phẩm này đều là hàng"xách tay", nhập lậu và quảng cáo sai sự thật, đánh lừa người tiêu dùng.
Tại một số cổng trường THCS, THPT mỗi khi tan học cũng không khó để bắt gặp hình ảnh những cô, cậu học sinh vô tư thả khói với đủ mùi hương khác nhau, trong số đó có không ít các trường hợp vẫn còn mặc bộ quần áo đồng phục trên người.
Sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi không hồi phục
Là một chuyên gia trong lĩnh vực về bệnh hô hấp nhiều năm, PGS. Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (BV Bạch Mai) cho biết, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khỏe, nhiều hoá chất tương tự như thuốc lá truyền thống, nhiều hoá chất khác với thuốc lá truyền thống.
Chất nicotine trong các sản phẩm này là chất gây nghiện mạnh làm cho người sử dụng trở nên phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này, đồng thời việc sử dụng chúng có thể dẫn đến hoặc duy trì việc sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá, cũng như tăng nguy cơ sử dụng rượu, ma tuý và các chất gây nghiện khác. Nicotine có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thậm chí có thể gây tổn thương bào thai.
Ngoài ra, khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… ở người sử dụng chúng.
Nhiều loại thuốc lá điện tử sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm hấp dẫn (mùi bạc hà, cam, dâu tây, socola, caramen…) có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ nhỏ do uống nhầm hoặc kích thích trẻ em, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử và đây là con đường dẫn đến việc sử dụng các chất gây nghiện khác bao gồm cả hút thuốc lá truyền thống, sử dụng rượu bia, ma tuý…
PGS. Phan Thu Phương cảnh báo, việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi không hồi phục. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới do sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi, vì vậy cũng làm tăng nguy cơ bỏng và các tai nạn khác, bao gồm các vụ nổ từ thiết bị sạc điện bị lỗi hoặc sử dụng sai.
Nên cấm hoàn toàn sản phẩm này
Theo nghiên cứu của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá, tại các trường học, độ tuổi học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng sớm và trẻ hơn.
Nói về tác hại của thuốc lá điện tử, bà Đoàn Thu Huyền - Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá cho biết, theo WHO, bất kỳ một sản phẩm thuốc lá nào đều có hại cho sức khỏe. Sản phẩm thuốc lá điện tử hiện nay có hơn 15.000 hương vị, hầu hết các hương vị đều thu hút giới trẻ. Đặc biệt, thuốc lá điện tử còn được phối trộn những hợp chất, hóa chất bên ngoài vào khi mà các con tiếp cận với những hóa chất bên ngoài đó sẽ gây ngộ độc cấp cho cơ thể.
Theo bà Đoàn Thu Huyền, hiện nay, thống kê của nhiều nước trên thế giới đã có những tổn thương ở phổi cấp do thuốc lá điện tử. "Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, chúng tôi khuyến nghị chúng ta nên cấm hoàn toàn sản phẩm này".
Các chuyên gia lưu ý thêm, các bậc phụ huynh nếu thấy những lọ tinh dầu, mùi thơm khác lạ trong phòng của các con hoặc trên quần áo, sách vở thì cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện và kịp thời nhắc nhở. Gia đình cần phải thường xuyên quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, tiếp cận sinh hoạt hằng ngày của con, đặc biệt là mối quan hệ của con mình với bạn bè. Khuyến khích con có lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động ngoại khóa…