Từ vụ người đàn ông ngộ độc sau hút thuốc lá điện tử, cảnh báo hiểu nhầm tai hại về sản phẩm này

07-07-2022 19:04 | Y tế
google news

SKĐS - Một người đàn ông 46 tuổi ở Tuyên Quang bị run tay chân, hoa mắt chóng mặt, đứng không vững sau khi hút điếu thuốc lá điện tử.

Sau hút điếu thuốc lá điện tử do khách bỏ quên 2 ngày tại cửa hàng nơi làm việc, anh Nguyễn Văn V. (46 tuổi, trú tại thành phố Tuyên Quang) thấy run tay chân, hoa mắt chóng mặt, đứng không vững… 

Tình trạng càng lúc càng nghiêm trọng, anh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Bác sĩ chẩn đoán ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu. Sau 1 ngày điều trị theo phác đồ ngộ độc, bệnh nhân ổn định sức khỏe và xuất viện.

thuoc_la.jpeg

Nam bệnh nhân ngộ độc sau hút thuốc lá điện tử được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Thuốc lá điện tử hay thuốc lá truyền thống đều nguy hiểm

Nhiều người quan niệm rằng hút thuốc lá điện tử sẽ an toàn hơn thuốc lá truyền thống hay thuốc lào, thậm chí có người kỳ vọng thuốc lá điện tử có thể cai nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng hút thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện và có hại. Thậm chí nếu đem so sánh thuốc lá điện tử với thuốc lá điếu truyền thống thì nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra cao gấp 15 lần thuốc lá điếu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra kết luận trong báo cáo về "Đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2021" công bố ngày 27/7 năm ngoái, rằng các loại thuốc lá điện tử hoặc các thiết bị tương tự đều nguy hiểm đối với sức khỏe người sử dụng và cần phải được kiểm soát.

WHO đưa ra các bằng chứng hiện tại cho thấy rằng dung dịch có trong thuốc lá điện tử khi bị đốt nóng không hoàn toàn tạo ra chỉ là "hơi nước" như thường được quảng cáo. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ phơi nhiễm nicotin và nhiều chất độc khác của người không hút thuốc và những người xung quanh.

Nhiều hương liệu độc hại có trong thuốc lá điện tử

Bộ Y tế cho biết hiện tại Việt Nam đang xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (rlectronic nicotine delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (heated tobacco product - HTPs), shisha...

Theo WHO, để sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe, các sản phẩm này đều có chất nicotine là chất gây nghiện.

Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha (gọi chung sản phẩm thuốc lá mới) rất có hại cho sức khỏe cả người hút và người xung quanh. Đây còn là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc nicotine, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.

Thuốc lá điện tử ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ

Năm 2019, kết quả điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% (năm 2015 tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 0,2%).

Nghiên cứu do Viện Chiến lược và chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho kết quả tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%, độ tuổi học sinh lớp 10 - 12 cao hơn với 12,6%.

Sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và lối sống của giới trẻ. Nhất là hậu quả lâu dài như rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần.

Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn. Vì thế, ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Ngoài nguy cơ ung thư, thuốc lá điện tử còn gây hại tới nhiều cơ quan

Ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đến sức khỏe đã được nghiên cứu có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng phổi; gây tổn hại các tế bào biểu mô ở đường hô hấp, khiến chúng bị nhiễm trùng do các chất lỏng chứa nicotine trong thuốc lá điện tử ức chế hệ miễn dịch tại phổi; gây tăng huyết áp và nhịp tim...

Đặc biệt, phụ nữ hút thuốc lá điện tử trong quá trình mang thai không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của phổi và não em bé, mà các chất độc trong thuốc lá này còn gây sinh non, trẻ nhẹ cân và thậm chí là chết lưu. 

Các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng thuốc lá bao gồm cả thuốc lá điện tử và truyền thống, thuốc lào. Thầy thuốc cũng cảnh báo người dùng thuốc lá điện tử có cử động chậm chạp, lơ mơ, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe... cần đến cơ sở y tế sớm.
Hút thuốc lá có thể làm co mạch máu, gây cục máu đông nghiêm trọngHút thuốc lá có thể làm co mạch máu, gây cục máu đông nghiêm trọng

SKĐS - Hút thuốc lá không chỉ gây ra ung thư phổi và các vấn đề về khoang miệng mà còn có tác động xấu đến các cơ quan khác của cơ thể bao gồm cả tim.



V.Thu
Ý kiến của bạn