Theo PGS.TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), ít tuần đầu đi học, có thể một số học sinh sẽ rất vui vẻ, hào hứng nhưng khi đối diện với kiến thức, cảm thấy mình thua kém, tụt hậu khi đó mới nảy sinh tâm lý chán nản, mệt mỏi. Nếu ở nhà cũng bị ức chế, các em sẽ có hành vi gây hấn với bạn bè nhằm thu hút sự chú ý.
Do đó, theo PGS.TS.Trần Thành Nam: "Trong năm học mới, nhà trường phải tổ chức nhiều hoạt động để học sinh có cảm giác gắn kết với lớp học, thầy cô, bạn bè.
Ngoài ra, hoạt động tư vấn tâm lý thực sự cần thiết trong mỗi nhà trường. Vì vậy, cần được sự quan tâm đúng mức và kịp thời của các cấp quản lý giáo dục, nhằm cung cấp cho học sinh, sinh viên "liều thuốc tinh thần", giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý và giúp giải quyết những khó khăn trong học đường và ngoài xã hội. Các cơ sở giáo dục, đào tạo cần có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo, lịch sự tạo tâm lý thoải mái và gần gũi cho học sinh".
Ngoài việc quan tâm tới tinh thần của các em học sinh thì chế độ ăn uống giúp các em học tập tốt hơn cũng là điều rất quan trọng.
Theo PGS.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, sức khỏe ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của trẻ. Khi trẻ khỏe mạnh sẽ học tập tốt hơn, tiếp thu bài nhanh và hiệu quả hơn. Ngược lại, khi mệt mỏi, trẻ sẽ không muốn học. Nặng hơn, ốm vặt có thể khiến trẻ phải gián đoạn việc học, nên khó đạt kết quả cao nhất.
"Năm học mới cũng là thời điểm giao mùa với những sự thay đổi thất thường về thời tiết. Đây là thời điểm có nhiều dịch bệnh đối với trẻ em, trẻ dễ bị ốm hơn các thời điểm khác trong năm. Nếu cơ thể trẻ không có sức đề kháng tốt, nguy cơ nhiễm bệnh và bị ốm sẽ cao hơn. Bố mẹ nên chủ động tìm các giải pháp phù hợp để giúp trẻ cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho bé", PGS.TS. Bùi Thị Nhung khuyến cáo.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025
Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em, học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học, nhân viên phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học và cha mẹ học sinh.
Đồng thời tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây rối loạn sức khỏe tâm thần trong trường học, góp phần hỗ trợ phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của trẻ em, học sinh.
Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện là đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục về sức khỏe tâm thần cho học sinh; lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục trong các môn học và hoạt động giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, thể thao; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe tâm thần, các diễn đàn, các câu lạc bộ sức khỏe trong trường học...
Bên cạnh đó, tổ chức mạng lưới các chuyên gia về tâm lý, giáo dục, bác sĩ điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần để tư vấn, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh và cung cấp dịch vụ tham vấn, điều trị chuyên nghiệp…