Phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách
Theo Bộ GD&ĐT, đến ngày 12/9, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả nước có khoảng 7,35 triệu học sinh đang học trực tuyến. Tuy nhiên, số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.
Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT đã phối hợp tổ chức lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" với mục đích hỗ trợ cho các em học sinh, đặc biệt là những em ở vùng dịch có trang thiết bị để học tập trực tuyến.
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, chương trình đặt mục tiêu trong tháng 9/2021 phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động ở các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Phủ sóng hơn 1.900 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc, thời hạn hoàn thành trong năm 2021.
Về hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến, chương trình đặt mục tiêu giai đoạn 1 (trong năm 2021) huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc. Trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.
Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.
Tặng thiết bị, hỗ trợ nền tảng phục vụ cho học sinh học trực tuyến
Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, học trực tuyến tiêu tốn rất nhiều băng thông và sẽ là chi phí không nhỏ cho các hộ gia đình nghèo. Vì thế, giá cước viễn thông phù hợp sẽ là yếu tố quan trọng. Một chiếc máy tính bảng để phục vụ học trực tuyến, mức tối thiểu cũng có giá từ 2-3 triệu đồng - vượt quá khả năng chi trả của nhiều hộ nghèo. Giai đoạn 1 của chương trình này sẽ kêu gọi 1 triệu máy tính cho em.
Bộ TT&TT đang chỉ đạo các nhà mạng, trong tháng 9 này, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, các em phải học trực tuyến sẽ không còn điểm lõm sóng internet. Đến hết năm 2021, trên toàn quốc sẽ không còn điểm lõm sóng.
Tính đến thời điểm này, các nhà mạng đã công bố tặng hàng chục nghìn máy tính bảng, miễn phí nền tảng học trực tuyến, miễn phí cước data 3G, 4G. Miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến. Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng CNTT phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ công bố miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam bao gồm: VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS.
Nhiều tỉnh/thành trên cả nước đã tích cực tham gia chương trình quyên góp máy tính, điện thoại thông minh, với quyết tâm không để một học sinh nào thiếu thiết bị học tập trực tuyến. Đến nay, các địa phương trên cả nước cũng đã ủng hộ, đóng góp được hơn 63 tỉ cho chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Trước đó, tại lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em ", các doanh nghiệp thuộc nhiều bộ, ngành đã công bố ủng hộ hơn 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ dạy học online.
Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội