Phụ huynh và học sinh nháo nhác vì... học online

06-09-2021 22:15 | Xã hội
google news

SKĐS - Học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến. Trong ngày đầu tiên triển khai học online,, tình trạng nghẽn mạng xảy ra ở nhiều nơi khiến phụ huynh và học sinh nháo nhác.

Lễ khai giảng qua truyền hình, đặc biệt và khó quênLễ khai giảng qua truyền hình, đặc biệt và khó quên

SKĐS - Sáng nay (5/9), nhiều tỉnh, thành phố đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 với nhiều hình thức linh hoạt khác nhau từ trực tiếp, đến trực tuyến, khai giảng qua truyền hình phù hợp với điều kiện địa phương và tình hình dịch bệnh.

"Mẹ ơi, mẹ ơi, mạng lại hỏng rồi"

Do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Hà Nội đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên học trực tuyến là phương án tối ưu. Tuy nhiên, trong ngày đầu học online cũng ghi nhận nhiều sự cố làm ảnh hưởng đến chất lượng của tiết học.

Chị Hương Liêu (Hà Đông, Hà Nội) có hai con học trực tuyến, trong đó có một con là học sinh lớp 2 học vào buổi tối chia sẻ: "Lớp của con tôi giáo viên không thể dạy học theo đúng thời gian của một tiết học vì nhiều học sinh không đăng nhập được vào lớp. Có tiết đăng nhập được thì mạng bị nghẽn khiến con tôi không thể nghe cô giảng bài".

Sau khai giảng, phụ huynh và học sinh nháo nhác vì học online - Ảnh 2.

Chị Hương Liêu cho biết, tình trạng nghẽn mạng cũng xảy ra với nhiều học sinh trong lớp của hai con.

Em Đỗ Chí Hiếu (học sinh lớp 8, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Em đã quen với hình thức học tập trực tuyến nên không bỡ ngỡ. Nhưng hôm nay, khi vừa vào được phần mềm zoom thì em phải thoát ra rồi đăng nhập lại nhiều lần khiến việc học của em rất khó khăn". 

Chị Mai Khanh (Cầu Diễn, Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 lo lắng, nếu tình trạng học online của con tiếp diễn như hôm nay  thì rất khó cho phụ huynh. "Buổi học hôm nay tôi nhận được gần chục cuộc gọi của cô giáo vì đang học lại không thấy con trong lớp. Con đang học thì lại gọi: Mẹ ơi, mẹ ơi, mạng lại hỏng rồi. Tôi vừa phải làm việc, vừa phải hỗ trợ con học trực tuyến trong tình trạng không ổn định của đường truyền internet khiến tâm lý của cả hai mẹ con bị ảnh hưởng".

Hiện nhiều trường công lập trên địa bàn TP. Hà Nội đang dạy học qua phần mềm zoom vì được miễn phí. Theo phản ánh của giáo viên, học sinh bị tình trạng như trên do số lượng học sinh học cùng lúc quá đông, phần mềm bị quá tải.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, nhiều học sinh học trường tư thục trên địa bàn Hà Nội học phần mềm Microsoft teams thì mạng internet cũng bị chậm gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.

Tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.

Trao đổi về vấn đề học trực tuyến nhân dịp đầu năm học mới, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung.

Trước đây, chúng tôi đã có công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu".

"Năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Song song với việc này, dạy học trực tuyến làm sao để đảm bảo chất lượng, không quá tải cũng là một yêu cầu", PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Bộ GD&ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến tren internet và truyền hình và tới đây Vụ Giáo dục Trung học phối hợp với địa phương tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay. Tinh thần là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua zalo, thư điện tử, nhắn tin…

Như thế, khi học sinh vào học trực tuyến đã phải có sự chuẩn bị bài từ trước, đã được đọc sách giáo khoa từ trước. Khi đó, giờ học trực tuyến tương tác thực chỉ còn là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn đang vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.

Trong trường hợp không có internet, có thể phát các tài tiệu trên truyền hình hoặc copy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận các học liệu này. Chúng tôi kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ học sinh để các em đảm bảo được yêu cầu trong học tập trong bối cảnh hết sức khó khăn này.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn