Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố học sinh đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).
Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 (7,35 triệu học sinh các cấp). Trong đó, tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1,5 triệu học sinh.
Không riêng miền núi, học sinh thành phố cũng thiếu thiết bị
Sau một tuần học trực tuyến, theo khảo sát nhanh của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập. Đặc biệt, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này. Trước thực trạng này, một số tỉnh đã phải lùi thời gian học đối với cấp tiểu học như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu...
Thống kê sơ bộ của Bộ GD&ĐT tại các địa phương, không riêng miền núi mà nhiều thành phố lớn cũng thiếu thiết bị dạy học trực tuyến, đơn cử:
TP.HCM hiện còn thiếu 77. 000 máy tính; An Giang có khoảng 50% học sinh tiểu học, 20 - 30% học sinh THCS, THPT thiếu thiết bị học trực tuyến; Sơn La có gần 70% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, 1.635 thôn/bản/khu vực nơi ở của học sinh không có mạng internet…
Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, qua khảo sát, trong số hơn 500.000 học sinh trên địa bàn thì có khoảng 70.000 học sinh khó khăn không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Nguyên nhân chủ yếu là gia đình không có khả năng mua sắm trang thiết bị học trực tuyến cho con em.
Ở Đắk Lắk, có những buôn làng chỉ có 2 nhà có tivi, sóng điện thoại chập chờn và hoàn toàn chưa có mạng internet nên rất khó khăn khi dạy học trực tuyến.
Tại Thanh Hóa, nhiều địa bàn tổ chức dạy học trực tuyến, tuy nhiên gặp không ít khó khăn. Thống kê của ngành chức năng và các địa phương cho thấy, ngày đầu tiên thực hiện, chưa có địa phương nào của Thanh Hóa có 100% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến.
Huy động hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em" và Chương trình đã được tổ chức phát động theo hình thức trực tuyến tại 65 điểm cầu.
Nội dung hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến gồm sóng Internet, máy tính cho học sinh và miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến. Cụ thể, miễn 100% cước phí khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến; Hỗ trợ máy chủ cho trường đại học nếu như dùng các phần mềm dạy học trực tuyến theo công bố của Bộ TT&TT; Giá các gói dịch vụ không đổi, nhưng dung lượng Internet được tăng gấp đôi; Các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai nâng cao dung lượng băng thông Internet ở các thành phố lớn.
Đến thời điểm này, Chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã tiếp nhận hơn 1 triệu máy tính, tương đương 2.350 tỉ đồng; Giá trị phủ sóng tương đương 3 nghìn tỉ đồng.
Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội