Ngay trước thềm kỷ niệm Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4), Báo Sức khỏe và Đời sống sẽ tổ chức chương trình "Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam" lần 2 - Ngày hội khuyến khích toàn dân nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, tăng cường vận động và thực hành dinh dưỡng khoa học.
Chương trình "Ngày Dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam" lần 2 bắt đầu diễn ra lúc 7h ngày 6/4 tại Công viên Tao Đàn, đường Trương Định, quận 1, TPHCM.
Vận động hợp lý - bí quyết để có thể lực tốt
Vận động hợp lý là tập vừa sức, phù hợp và thích nghi dần với thể lực mỗi người. Quan trọng nhất là cường độ cho từng lần tập, từng buổi tập; biểu hiện nhận biết chứng tỏ hoạt động thể lực ở "ngưỡng đủ" bao gồm: đổ mồ hôi, mệt, thở dốc và đạt đến ngưỡng nhịp tim theo yêu cầu để đem lại hiệu quả tối ưu.
Hai loại hoạt động thể chất đặc biệt có lợi cho người tập là:
- Các bài tập sử dụng oxy (aerobic): Khái niệm aerobic không chỉ có nghĩa là thể dục thẩm mỹ hay thể dục nhịp điệu mà còn bao gồm các môn thể thao ngoài trời như đi bộ nhanh, chạy chậm (chạy bền), bơi lội, chạy xe đạp...
Nếu ở nhà hay ở các phòng tập thể dục, chúng ta có thể sử dụng các dụng cụ tập aerobic như máy tập đi bộ, tập chèo thuyền, đạp xe có kháng lực... Đây là những hoạt động tăng tốc độ nhịp tim và hơi thở của bạn. Chúng giúp ích cho tim mạch, tuần hoàn não và hô hấp.
- Các bài tập sức mạnh và tính linh hoạt (anaerobic): Các bài tập thể hình bao gồm như hít đất, xà đơn, tạ đôi, bài tập lưng - bụng, nhảy bậc thang... kể cả leo núi, làm phát triển sức mạnh cơ bắp, giúp xương vững chắc, cân bằng thể trọng và giúp cải thiện các rối loạn chuyển hóa của cơ thể như đường huyết, mỡ máu, acid uric...
Những hoạt động này còn đặc biệt làm tăng chất BDNF (brain derived neurotropic factor), một loại protein kích thích sự tăng sinh các tế bào não mới và tăng cường sự linh hoạt của các nơ-ron thần kinh giúp nâng cao sức khỏe tâm thần; thích hợp cả ở những người mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, trầm cảm, rối loạn lo âu…
Phần lớn mọi người chỉ dừng lại ở việc luyện tập các bài tập cường độ nhẹ - phục hồi, thậm chí rất nhẹ như các bài thể dục buổi sáng, đi bộ, múa dưỡng sinh, khiêu vũ, thậm chí cả làm vườn… mà chưa nâng dần lên mức tập aerobic hoặc anaerobic. Việc kết hợp các bài tập này với nhau là cần thiết và rất quan trọng để có một thể lực tốt. Đặc biệt là đối với các các bệnh nhân muốn thay đổi tình trạng thể lực hiện tại của mình bằng liệu pháp vận động.
Dinh dưỡng khoa học là nền tảng của sức khoẻ
Chế độ dinh dưỡng khoa học là một chế độ cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết, bảo đảm cho sự tăng trưởng, phát triển thể chất và trí não. Chế độ dinh dưỡng sẽ có sự khác nhau tùy theo lứa tuổi, giới tính và nhu cầu của từng cơ thể.
Việc xây dựng bữa ăn dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng với sức khoẻ, đó là: Bảo đảm đáp ứng đúng và đủ các nhu cầu của cơ thể trong từng giai đoạn phát triển khác nhau; Bảo đảm sức khỏe và thể chất tốt đối với người trưởng thành; Hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng như gout, béo phì, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, tim mạch...
Các yếu tố của một bữa ăn dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ bao gồm:
- Bữa ăn dinh dưỡng hợp lý cần phải đủ no: Điều trước tiên cần phải nói đến là bữa ăn trong gia đình cần phải bảo đảm cung cấp đủ năng lượng cho tất cả các thành viên. Nhu cầu năng lượng của mỗi người sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như giới tính, độ tuổi, khả năng chuyển hóa năng lượng, mức độ vận động, thể trạng...
- Đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng: Một trong các yếu tố của bữa ăn dinh dưỡng khoa học, hợp lý quan trọng và cần thiết nhất là phải đầy đủ, cân bằng giữa 4 nhóm chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và chất khoáng.
- Bữa ăn hợp lý phải bảo đảm an toàn: Ngoài những yếu tố về dinh dưỡng thì một bữa ăn hợp lý cần phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Bữa ăn dinh dưỡng khoa học phải phù hợp với kinh tế: Muốn xây dựng một bữa ăn dinh dưỡng hợp lý thì phải chú ý đến điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn thực phẩm phù hợp.
Trailer Chương trình "Ngày dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam" lần 2 - năm 2024.