"Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng trước bạo lực học đường"

17-05-2023 20:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là chia sẻ của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) trong diễn đàn "Điều em muốn nói" với chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường".

Bạo lực học đường – nỗi sợ của các em học sinh

Ngày 17/5, tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) Hội đồng đội Trung ương, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở GD&ĐT Nghệ An, tỉnh Đoàn Nghệ An, tổ chức diễn đàn "Điều em muốn nói" lần II với chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường".

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 2.000 học sinh đến từ các Trường THCS, THPT trên địa bàn TP Vinh cùng các chuyên gia, nhà quản lý, bác sĩ…

"Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng trước bạo lực học đường" - Ảnh 1.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 2.000 học sinh đến từ các Trường THCS, THPT trên địa bàn TP Vinh.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết, đây là lần thứ hai Diễn đàn "Điều em muốn nói" được tổ chức sau lần thứ nhất rất thành công năm 2022 tại Trường Trung học cơ sở Giảng Võ (Hà Nội).

Sự ra đời của diễn đàn xuất phát từ một thực tế là các em ở tuổi đi học, lứa tuổi này càng gặp nhiều vấn đề hơn do những đặc điểm phát triển của xã hội, của môi trường sống, môi trường công nghệ, truyền thông nhưng bản thân các em lại ít có cơ hội nói lên tiếng nói của mình để được lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ.

Với chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường", đây là một vấn đề nóng, thậm chí nhức nhối hiện nay. Nó không chỉ ảnh hưởng mà còn có nguy cơ làm biến dạng môi trường sư phạm, khiến cho việc đến trường với nhiều em học sinh không còn là một niềm vui mà là nỗi lo sợ. 

Trong một số trường hợp, các em bị đẩy vào tình trạng cực đoan, có những hành động thiếu suy nghĩ rất đáng tiếc, mang lại nỗi buồn lo, thậm chí là nỗi đau cho bố mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè và toàn xã hội.

Bởi vậy, diễn đàn là "địa chỉ" để học sinh nói ra những điều chứa chất trong lòng. Từ đó, các thầy cô, các nhà tâm lý giúp các em tự tin hơn, giải quyết được vấn đề của mình.

"Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng trước bạo lực học đường" - Ảnh 2.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) "gỡ rối" những câu chuyện của các bạn học sinh.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, bạo lực học đường không mới nhưng không bao giờ cũ. Nó ảnh hưởng, đến thể chất, tâm sinh lý, đạo đức của học sinh, giáo viên cũng như đạo đức xã hội. Trách nhiệm phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường không chỉ của riêng ngành giáo dục. Cần tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Trong đó có kỹ năng giải quyết xung đột trong trường học. Cấp bách tăng cường công tác tham vấn học đường. Cần giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội.

Thời gian qua, thực trạng bạo lực học đường đã gióng lên hồi chuông đối với ngành giáo dục cũng như gia đình, xã hội. Học sinh, người trẻ không chỉ bị bạo lực nóng (bạo lực bằng các hành động) mà còn bị bạo lực lạnh, bạo lực trắng (bạo lực tinh thần như tẩy chay, gây áp lực tâm lý…); không chỉ bạo lực trong môi trường thực mà còn bị bạo lực trên môi trường không gian mạng

"Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng"

Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi về bạo lực học đường được các em học sinh chia sẻ khiến nhiều người phải suy nghĩ. Em Phương Anh (học sinh 8E, Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh) đặt câu hỏi "Nếu như rơi vào tình huống em bị các bạn trong lớp cô lập vì một lý do nào đó, các bạn không cho em tham gia vào nhóm chat chung trên Facebook hoặc Zalo, khi đó, em phải làm thế nào để có thể để các bạn chấp nhận, cho em chơi cùng?".

"Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng trước bạo lực học đường" - Ảnh 3.

Diễn đàn này là "địa chỉ" để học sinh nói ra những điều chứa chất trong lòng.

Ông Nam cho rằng, câu chuyện của em là câu chuyện thường thấy, hình thức phổ biến của bạo lực học đường là cô lập, tạo áp lực để xa lánh những người không thích. Chúng ta đang sống trong thời đại mạng xã hội, công nghệ thông tin, internet thì việc bắt nạt trên môi trường mạng rất phổ biến.

Chia sẻ về những giải pháp, ông Nam cho rằng, các em cần tìm đến một người tin cậy để chia sẻ, tạo trạng thái cân bằng về tâm lý. Bởi nếu bị mất cân bằng dẫn tới không giải quyết được thì dễ sa vào hành vi lệch lạc rất nguy hiểm. Đôi khi chỉ là những tình huống bình thường nhưng nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn tới những vụ việc đau lòng.

Thứ hai, các em có thể gọi đến số 111 là số của tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Đây là đường dây nóng tiếp nhận những thông tin tố giác hình vi bạo lực trẻ em. Tuy nhiên, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em còn có chức năng khác là đường dây tư vấn, tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết khó khăn. Những nhân viên tư vấn sẵn sàng hỗ trợ 24/24 giờ.

Không chỉ có một kênh giao tiếp qua điện thoại, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em còn có fanpage 111. Điều khác biệt của tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em là các em được bảo mật thông tin, chỉ chia sẻ thông tin với chuyên gia, giúp các em giải quyết các vấn đề.

"Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng trước bạo lực học đường" - Ảnh 4.

Các chuyên gia cho rằng, nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, thầy cô quan tâm đến học sinh thì sẽ phát hiện ra những thay đổi của mỗi đứa trẻ.

Câu chuyện của em Như Quỳnh (học sinh lớp 8Y trường THCS Hà Huy Tập) chia sẻ, em từng chứng kiến nhiều vụ bạo lực đường, không chỉ ở trong mà còn ở ngoài nhà trường.

Như Quỳnh cho biết, có nhóm anh chị muốn gây sự với bạn em. Nhóm này đã hẹn bạn em gặp để xử lý và muốn giải quyết bằng bạo lực. Bạn có tâm sự với em là không biết làm thế nào. Bạn em đã cố gắng xin lỗi nhóm anh chị, dù bạn ấy không làm gì sai cả. Em là một người bạn nhưng cũng không biết làm cách nào để giúp đỡ bạn?

Sau khi nghe câu chuyện của em học sinh, ông Nam chia sẻ, câu chuyện của em học sinh là một vấn nạn chung của bạo lực học đường. Có một quan ngại chung, nếu chúng ta càng im lặng, không chia sẻ thì bạo lực cô lập càng tiếp diễn và theo xu hướng càng nghiêm trọng. Các em cô đơn, không biết chia sẻ với ai, không được quan tâm, và cuối cùng các em đã tìm đến giải pháp tiêu cực nhất đó là chọn cách tự tử. Đó là trường hợp đáng tiếc, câu chuyện buồn.

Theo ông Nam, các em chứng kiến bạo lực, nghe được bạn bè chia sẻ hãy lên tiếng, chia sẻ với cơ quan, tổ chức, người mà các em tin tưởng nhất. Xung quanh các em không đơn độc, có rất nhiều người sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ. Vậy nên "Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng", ông Nam chia sẻ thông điệp.

ThS. BS Lê Công Thiện, Phó trưởng bộ môn Tâm thần – Trường Đại học Y Hà Nội thông tin, nạn nhân chỉ đến viện khi cần giải quyết hậu quả của bạo hành. Thời gian gần đây, tỷ lệ người bệnh đến tư vấn tăng lên. Dấu hiệu để nhận biết trẻ bị bạo hành là trẻ tự nhiên mất tập trung học tập, ngại đến lớp.

Bác sĩ Thiện nhấn mạnh, nếu cha mẹ quan tâm đến con cái, thầy cô quan tâm đến học sinh thì sẽ phát hiện ra những thay đổi của mỗi đứa trẻ. Nhưng quan tâm phải đúng cách, tạo ra môi trường an toàn để con cái, học sinh có thể chia sẻ thông tin.

Theo ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó vụ trưởng Vụ Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD&ĐT), tình trạng bạo lực học đường nói riêng, tình hình vi phạm pháp luật nói chung là hậu quả của những cá nhân chưa đạt về văn hóa, đạo đức, lối sống, kỹ năng,… trong cuộc sống. Ảnh hưởng của thế giới số đang ngày càng lấn át thế giới thực.

Để công tác phòng chống bạo lực học đường đạt kết quả tốt và bền vững chúng ta cần, tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; thực hiện nghiêm túc thực chất ứng xử văn hóa trong trường học, giáo dục đạo đức, lối sống kỹ năng sống cho học sinh để 'miễn nhiễm' với bạo lực học đường nói riêng và các tệ nạn xã hội.

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 -2030".

Bạo lực học đường và bộ tam Nhà trường - Gia đình - Chính quyềnBạo lực học đường và bộ tam Nhà trường - Gia đình - Chính quyền

SKĐS - Hiện trạng bạo lực học đường mặc dù đã được ngành giáo dục và toàn xã hội đặc biệt quan tâm và đã tăng cường nhiều biện pháp phòng chống nhưng len lõi đâu đó vẫn tồn tại nhiều thảm cảnh đau lòng.

Giật Mình Trước Những Tác Hại Của Rau Mồng Tơi Ít Người Biết | SKDS



V. Đồng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn